Góc nhìn: Ai Cập – Nguyên nhân của sự sụp đổ

On the net

Khi người dân đã chán ghét chế độ Mubarak

Cuộc cách mạng ở Ai Cập thành công không phải do các “thế lực thù địch” chống phá, cũng không phải do “diễn biến hòa bình” từ các chính phủ nước ngoài, mà do những sai lầm trong chính sách cai trị người dân của ông Mubarak, đã làm cho người dân chán ghét chế độ. Và một khi đa số người dân vượt qua nỗi sợ hãi, họ sẽ đứng lên chấm dứt sự cai trị của các nhà lãnh đạo độc tài.

Nguyên nhân nào gây ra sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Mubarak?

Trong vòng chưa đầy một tháng, những người dân thuộc thế giới Hồi giáo đã buộc hai lãnh đạo độc tài của mình phải ra đi.

Nếu như ở Tunisia, người dân nước này đã phải mất bốn tuần biểu tình, gây sức ép, buộc cựu Tổng thống Ben Ali rời khỏi đất nước, thì ở Ai Cập, chỉ mất hai tuần rưỡi, người dân Ai Cập đã chấm dứt chế độ độc tài Mubarak, cũng bằng những cuộc xuống đường đồng loạt.

Có nhiều nguyên nhân căn bản đã từ lâu khiến cho người dân Ai Cập nổi dậy như, nạn nghèo đói, thất nghiệp, hối lộ, tham nhũng, cũng như việc chính phủ cai trị người dân bằng bàn tay sắt, bóp nghẹt tự do, dân chủ… Thế nhưng đâu là những nguyên nhân gần đã kết thúc nhanh chóng sự nghiệp của một lãnh đạo độc tài, cai trị dân Ai Cập trong suốt ba thập niên qua?

Mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu.  

Mubarak thích nghe nói dối

Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chế độ Mubarak chỉ trong vòng 18 ngày sau các cuộc nổi dậy của dân chúng, là do người đứng đầu đất nước Ai Cập không được tiếp cận các thông tin đúng sự thật về những gì đang diễn ra ở xứ kim tự tháp.

Do không thích nghe những lời trái tai, nên xung quanh ông Hosni Mubarak luôn được bao bọc bởi các cố vấn, mà giới chính trị cho rằng, đó là những kẻ “ba phải”, chỉ nói cho ông ta nghe những điều mà ông ta thích nghe, rằng đất nước Ai Cập đang ổn định, và những kẻ chống lại ông ta chỉ là các “thế lực thù địch” do ngoại bang giật dây, chứ không phải do người dân chống lại ông ta, vì đã chán ghét chế độ cai trị hà khắc của ông.

Ông Mubarak đã bị cô lập về chính trị, do ông không có các cố vấn dám nói thật cho ông ta biết chính xác về những gì đang xảy ra trên đất nước, và ông Mubarak cũng đã không nhìn xa hơn, ngoài những điều mà ông ta được nghe từ các báo cáo.

Do ông Mubarak đã đánh giá thấp lòng dân, cũng như ông đã quá tự tin vào “sự ổn định chính trị” từ báo cáo của các cố vấn thân cận, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ chế độ Mubarak.  

Sụp đổ nhanh vì cắt internet

Trả lời đài truyền hình CBS của Mỹ hôm Chủ Nhật vừa qua, anh Wael Ghonim, một thanh niên 30 tuổi, và là biểu tượng của cuộc cách mạng Ai Cập, cho biết:

“Họ không hiểu về mạng xã hội, và họ đánh giá thấp sức mạnh của nhân dân. Vào cuối ngày đó, tôi muốn nói lời cuối cùng của tôi rằng: cảm ơn, cảm ơn, cảm ơn chế độ ngu xuẩn. Các ông đã làm một điều tốt nhất cho chúng tôi. Các ông đã đánh thức 80 triệu người Ai Cập”.

Chặn toàn bộ internet, anh sẽ làm cho người dân thực sự bực tức. Một trong những sai lầm chiến lược của chế độ này là đã ngăn chặn Facebook. Một trong những lý do tại sao họ bị mất quyền hiện nay là do họ đã chặn Facebook

“Chính họ đã giật sập chế độ”!

Chế độ này tồn tại là dựa trên sự sợ hãi của người dân. Họ muốn mọi người sợ hãi. Nếu anh có thể phá vỡ rào cản tâm lý đó, chắc chắn anh có thể làm một cuộc cách mạng

Anh Khalid Sayid, 28 tuổi, là một nhà hoạt động trên mạng internet, đã bị cảnh sát Ai Cập đánh chết, khi anh đưa lên mạng những đoạn video, tố cáo sự tham nhũng của cảnh sát. Và chính sự tàn bạo của cảnh sát Ai Cập, đã làm sụp đổ bức tường sợ hãi trong dân chúng

Và chỉ trong vòng 18 ngày xuống đường của những người dân Ai Cập, của những thanh niên yêu nước đầy nhiệt huyết ở đất nước kim tự tháp, đã chấm dứt sự cai trị trong suốt 30 năm của nhà lãnh đạo độc tài Mubarak.

Cuộc cách mạng ở Ai Cập thành công không phải do các “thế lực thù địch” chống phá, cũng không phải do “diễn biến hòa bình” từ các chính phủ nước ngoài, mà do những sai lầm trong chính sách cai trị người dân của ông Mubarak, đã làm cho người dân chán ghét chế độ. Và một khi đa số người dân vượt qua nỗi sợ hãi, họ sẽ đứng lên chấm dứt sự cai trị của các nhà lãnh đạo độc tài.

Theo RFA

Bộ ảnh: Ai Cập – Những ký ức không quên

On the net

Ai Cập – Những ký ức không quên

 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
Sưu tầm Govn 

Góc nhìn: Ai Cập – Cuộc cách mạng đã được gọi tên

On the net

Tổng thống độc tài Mubarak cuối cùng phải ra đi

23h khuya 11/2 (giờ Hà Nội), đài truyền hình Ai Cập đưa tin Tổng thống Hosni Mubarak đã quyết định từ chức. Thông điệp ngắn ngủi, do Phó Tổng thống Omar Suleiman công bố, đã khiến cho hàng triệu con tim Ai Cập bỗng vỡ òa.

Ai Cập: cuộc cách mạng đã được đặt tên

– “Pharaoh” Hosni Mubarak từ chức là sự khởi đầu cho một tiến trình mới. Lòng tin vào quyền lực pháp trị và một chính phủ minh bạch, không tham nhũng, niềm hy vọng của con người được hưởng nền công lý bình đẳng, tự do bày tỏ ý kiến có thắng các chế độ độc tài toàn trị hay không? Câu trả lời tích cực luôn là nguồn cảm hứng cho hòa bình và tiến bộ trong những kỷ nguyên tới.

23h khuya 11/2 (giờ Hà Nội), đài truyền hình Ai Cập đưa tin Tổng thống Hosni Mubarak đã quyết định từ chức. Thông điệp ngắn ngủi, do Phó Tổng thống Omar Suleiman công bố, đã khiến cho hàng triệu con tim Ai Cập bỗng vỡ òa.

Theo các hãng thông tấn nước ngoài tại Cairo, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam, ngay khi được tin này, tiếng còi ô tô đã nhất loạt rú lên khắp thủ đô, cùng với các màn pháo hoa, pháo bông và tiếng reo hò như sấm dậy từ những sóng biển người trên quảng trường Tahrir – có nghĩa là Giải phóng – và khắp các con phố của thủ đô Ai Cập. Nhiều người đã oà khóc vì sung sướng.

Thắng lợi trước mắt

Vậy là sau 18 ngày đêm đấu tranh bền bỉ và không khoan nhượng, phong trào chống Tổng thống Mubarak, hay “Cuộc cách mạng hoa nhài thứ hai”, đã đạt mục tiêu trước mắt.

Ảnh: AP

Đêm 10/2 trước đó, Tổng thống Mubarak buộc phải lên đài truyền hình thông báo việc chuyển giao quyền hành cho Phó Tổng thống Suleiman, theo qui định của Hiến pháp. Tuy nhiên, ông Mubarak cho biết vẫn không từ chức, ngoại trừ trường hợp không còn khả năng lãnh đạo.Mặc dù, trong bài diễn văn được mong đợi đó, Tổng thống Mubarak có dành thời gian để tưởng niệm những thanh niên đã hy sinh trong ba tuần qua nhằm bày tỏ quyết tâm mang lại những thay đổi cho đất nước, thông báo của ông ngay lập tức đã bị những người biểu tình ở Cairo la ó và phản đối dữ dội. Nhiều người còn dứ cả giày lên trước ống kính phóng viên để biểu lộ sự phẫn nộ.

Làn sóng biểu tình đòi Mubarak từ chức lập tức dâng cao trên toàn quốc. Dòng người biểu tình đổ về quảng trường Giải phóng ngày một đông hơn, và hàng ngàn con người giận giữ này đã bao vây bên ngoài dinh tổng thống ở ngoại ô với kế hoạch sẽ tràn vào dinh tổng thống.

Họ lại càng thêm phẫn nộ, khi quân đội Ai Cập tuyên bố đứng ra bảo đảm cho những cải tổ mà Tổng thống Mubarak hứa hẹn. Vào lúc bản thông cáo được phát trên đài truyền hình, một sĩ quan cấp tá của quân đội cũng đọc bản thông cáo này trước dinh tổng thống. Những người biểu tình đã tỏ thái độ giận dữ, có người còn giật micro ra khỏi tay viên sĩ quan nói trên.

Theo ước tính, nội trong ngày 11/2, có khoảng một triệu người dân Ai cập đã đổ ra đường phố đòi Mubarak phải từ giã hoàn toàn quyền lực. Và những nỗ lực to lớn của họ cuối cùng đã được đền đáp!

Theo tuyên bố của Phó Tổng thống Suleiman, 74 tuổi, vốn là tướng tình báo ba sao, từ thời điểm này, Hội đồng các tướng lĩnh Ai cập sẽ đảm trách việc điều hành quốc gia.

Cuối cùng thì vị “Pharaoh Ai Cập” Hosni Mubarak đã từ chức, và điều này được coi như sự khởi đầu cho một tiến trình mới. Lòng tin của người dân vào quyền lực pháp trị và một chính phủ minh bạch, không tham nhũng, niềm hy vọng của các thế hệ già trẻ ở Ai Cập được hưởng nền công lý bình đẳng, tự do bày tỏ ý kiến có thắng các chế độ độc tài và toàn trị hay không? Câu trả lời tích cực sẽ luôn là nguồn cảm hứng cho hòa bình và tiến bộ trong kỷ nguyên tới. Và không chỉ riêng đối với thế giới Ảrập.

Phản ứng quốc tế thuận lợi

Nhà Trắng cho biết Tổng thống Barrack Obama được thông báo trước về chuyện ông Mubarak từ chức, và rạng sáng ngày 12/2 (1h30 giờ Việt Nam) ông đã phát biểu về tình hình Ai Cập.

Tổng thống Obama cho rằng ông Mubarak đã đáp ứng lòng khao khát thay đổi của nhân dân Ai Cập bằng cách từ chức. Nhưng người đứng đầu nền hành pháp Mỹ cũng tỏ ra dè dặt khi cho rằng đây chỉ là sự khởi đầu cho sự chuyển tiếp ở đất nước này.

Nhưng Tổng thống Obama cho biết ông vẫn tin tưởng rằng người dân Ai Cập có thể tìm thấy lời giải đáp cho những câu hỏi chưa được trả lời, một cách hòa bình và trong tinh thần đoàn kết đã được biểu lộ trong những cuộc biểu tình trong những tuần qua.

Ông Obama kêu gọi quân đội Ai Cập bảo đảm một sự chuyển tiếp đáng tin cậy, bằng cách bảo vệ quyền của người dân Ai Cập, bãi bỏ luật khẩn cấp, xét lại Hiến pháp, và ấn định một lộ trình rõ ràng đến những cuộc bầu cử tự do và công bằng. Ông nói việc chuyển tiếp phải đưa tất cả tiếng nói của người Ai Cập đến bàn thảo luận.

Tổng thống Obama cũng tuyên bố Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một người bạn và là đối tác với Ai Cập, và sẵn sàng cung cấp những trợ giúp cần thiết để nước này có thể theo đuổi sự chuyển tiếp đến một nền dân chủ tin tưởng được.

Sau đợt biểu tình tại Tunesia khiến tổng thống Ben Ali phải ra đi, cuộc đấu tranh thắng lợi ở Ai Cập cho thấy sức mạnh của người dân làm bất ngờ các nhà quan sát quá thận trọng ở Âu Mỹ. Những người này đã cho rằng dân chủ “không tương thích” với tình hình tại khu vực Bắc Phi.

Trong khi đó, phản ứng trước việc ông Mubarak từ chức, tờ China Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận rằng nước ngoài không được can thiệp vào chuyện nội bộ của Ai Cập.

Hãng Reuters nhận định rằng thái độ thận trọng của Bắc Kinh trước các diễn biến tại Ai Cập chủ yếu bắt nguồn từ quan ngại về sự kiểm soát nội bộ ở chính Trung Quốc, hơn là về tình hình quốc gia châu Phi xa xôi.

Trong bài xã luận trên tờ China Daily có viết: “Theo sau diễn biến đặc biệt này, hy vọng rằng quân đội, chính phủ và người dân Ai Cập cố gắng hết sức để giữ ổn định xã hội và khôi phục trật tự… Ổn định xã hội phải là yếu tố quan trọng đầu tiên. Mọi thay đổi chính trị sẽ không có ý nghĩa gì nếu như đất nước cuối cùng lại rơi vào hỗn loạn”.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nói rằng nguyện vọng của dân chúng đã được lắng nghe. Ông cũng ca ngợi những người biểu tình Ai Cập đã thi hành các quyền của họ theo cung cách “hòa bình, dũng cảm, trật tự,” và kêu gọi thực hiện một cuộc chuyển đổi chính trị trong hòa bình và trật tự.

Trưởng đại diện ngoại giao Liên hiệp châu Âu, bà Catherine Ashton nói rằng nay là lúc “cuộc đối thoại tại Ai Cập cần tăng tốc, đi đến chỗ có một chính phủ đa thành phần, tôn trọng nguyện vọng của người dân và đảm bảo ổn định cho đất nước”. Trước đó, EU bị phê là phản ứng chậm hơn nhiều so với Hoa Kỳ về chuyện đánh giá và lên tiếng về tình hình Ai Cập.

Đặc biệt, Thụy Sĩ đã phong tỏa tài sản của ông Hosni Mubarak, ngay sau khi nghe tin ông từ chức. Giới chức Thụy Sĩ nói lệnh này có thời hạn 3 năm, nhưng lại không cho biết chi tiết về khối tài sản này lớn như thế nào và được cất giữ ở đâu. Trong khi đó, các chuyên gia nước ngoài ước lượng tài sản của gia đình Mubarak có thể từ 40 tỉ đến 70 tỉ USD.

Còn nhớ, những cáo buộc về tham nhũng là một trong những lý do những người biểu tình nêu ra để đòi Tổng thống Mubarak phải từ chức.

Nước láng giềng Israel mong có một sự chuyển giao quyền lực êm ả, trong khi các nước thuộc khối Ảrập theo chế độ độc đoán thì theo dõi sát các diễn biến tiếp theo ở Ai Cập – quốc gia Ảrập đông dân nhất.Chỉ có tại Tunisia, dân chúng cũng reo hò và còi xe hơi vang dội. Sau đợt biểu tình tại Tunesia khiến tổng thống Ben Ali phải ra đi, cuộc đấu tranh thắng lợi ở Ai Cập cho thấy sức mạnh của người dân làm bất ngờ các nhà quan sát quá thận trọng ở Âu Mỹ. Những người này đã cho rằng dân chủ “không tương thích” với tình hình tại khu vực Bắc Phi.

Hoàng Dũng Nhân

Theo vietnamnet

Góc nhìn: Một báo cáo đặc biệt – Kịch bản nào cho Ai Cập?

On the net

Người dân biểu tình bu kín xe tăng của quân đội Ai Cập

 Người biểu tình Ai Cập thề không lùi bước

 

 

Một người biểu tình trèo lên xe tăng để hô các khẩu hiệu chống chính phủ trong quảng trường Tahrir, thành phố Cairo, Ai Cập hôm 30/1. Ảnh: AFP.

Nếu tôi có quyền chọn, tôi sẽ cá chế độ tự ổn định và Mubarak ra đi, vì sự yếu đuối tương đối và sự chia rẽ của những người biểu tình. Nhưng đó là một phỏng đoán chứ không phải dự báo.

George Friedman

Cuộc khủng hoảng Ai cập trong một Bối cảnh Toàn cầu: Một báo cáo đặc biệt

Chưa rõ ràng điều gì sẽ xảy ra trong cuộc cách mạng Ai cập này. Không có gì đáng ngạc nhiên là nó đã xảy ra. Hosni Mubarak đã làm tổng thống trong hơn một phần tư thế kỷ, kể từ vụ ám sát Anwar Sadat. Ông ta già và đã ốm yếu. Không ai mong chờ ông ta sống lâu hơn, và cái kế hoạch rõ ràng của ông ta, là ông ta sẽ được thay thế bởi người con trai Gamal, vẫn không xảy ra mặc dầu nó đã có thể cách đây một năm. Không có ai, ngoài những kẻ thân cận nhất, muốn cho cái kế hoạch truyền ngôi của ông ta được thực hiện. Khi người cha yếu đi, thì sự kế tục của Gamar trở nên ít có khả năng xảy ra hơn. Việc Mubarak không vạch ra được một kế hoạch truyền ngôi đáng tin cậy tạo điều kiện bất ổn khi ông ta chết. Vì mọi người biết rằng sẽ có một sự bất ổn khi ông ta chết, hiển nhiên có những người thấy hành động trước khi ông ta chết thì ít thuận lợi. Những người này là ai và họ muốn gì, đó là vấn đề.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng cách xem xét chế độ này. Năm 1952, Đại tá Abdel Nasser dàn dựng một cuộc đảo chính quân sự ha bệ chế độ quân chủ ai cập, các sĩ quan dân sự trong quân đội và ảnh hưởng của Anh ở Ai cập. Nasser tạo ra một chính phủ mới dựa trên lực lượng quân đội như một lực lượng ổn định và tiến bộ chủ yếu ở Ai cập. Cuộc cách mạng của ông là thế tục và xã hội chủ nghĩa. Tóm lại, nó là một chế độ nhà nước chủ nghĩa thống trị bởi quân đội. Khi Nasser chết, Anwar Sadat thay thế ông. Khi Sadat bị ám sát thì Hosni Murabak thay thế. Cả hai người này đều từ quân đội mà ra, cũng như Nasser. Tuy chính sách ngoại giao của họ có thể thay đổi, nhưng chế độ thì vẫn giữ nguyên.

Khi người dân Ai Cập không còn  sợ hãi

Những kẻ thù của Mubarak.

Yêu cầu Mubarak từ chức đến từ nhiều giới, trong đó có những thành viên của chế độ – đặc biệt là quân đội – những người coi việc Mubarak không muốn cho phép họ điều khiển cuộc kế thừa là gây nguy hiểm cho chế độ. Đối với một số người trong họ, những cuộc biểu tình vừa là nguy cơ vừa là cơ hội. Hiển nhiên, những cuộc biểu tình này có thể ra ngoài tầm kiểm soát và phá hủy chế độ. Mặt khác, các cuộc biểu tình có thể đủ sức mạnh để buộc Mubarak từ chức, cho phép thay thế bởi – chẳng hạn Omar Suleiman, trùm tình báo mà Mubarak gần đây đã bỏ nhiệm làm phó tổng thống – và do đó cứu chế độ. Đây không phải nói rằng họ xúi dục các cuộc biểu tình, nhưng chắc một số người đã thấy những cuộc biểu tình là một cơ hội.

Đây đặc biệt là trường hợp theo nghĩa là những người biểu tình bị chia rẽ sâu sắc giữa họ với nhau, và như vậy còn xa mới có khả năng tạo ra một phong trào quần chúng kiểu phong trào đã lật đổ Shah ở Iran năm 1979. Quan trọng hơn, những người biểu tình rõ ràng thống nhất với nhau trong việc chống cá nhân Mubarak, và trong một phạm vi rộng hơn thống nhất trong việc chống chế độ. Ngoài chuyện đó ra, có sự chia rẽ sâu sắc giữa những người chống đối.

Các phương tiện truyền thông Phương Tây đã đọc cuộc nổi dậy này như một đòi hỏi tự do dân chủ theo kiểu Phương Tây. Chắc chắn có nhiều người đòi hỏi điều đó. Điều chưa rõ ràng là nó đang khích động nông dân, công nhân và thương nhân Ai cập đồng loạt vùng lên. Những quyền lợi của họ liên hệ với tình trạng kinh tế Ai cập hơn là với những nguyên tắc của một nền dân chủ tự do rất nhiều. Như ở Iran năm 1989, cuộc cách mạng dân chủ, nếu chỉ tập trung ở những người dân chủ thì không thể thắng nếu nó không tạo ra được một sự ủng hộ rộng lớn hơn.

Một nhân tố khác trong cuộc nổi dậy này là Muslim Brotherhood. Phần lớn các nhà quan sát nhất trí rằng Muslim Brotherhood vào lúc này không còn là một phong trào cực đoan và quá yếu để ảnh hưởng đến cách mạng. Điều này có thể, nhưng chưa rõ ràng. Muslim Brotherhood có nhiều nhánh, trong đó có những nhánh đã im lặng dưới sự đàn áp của Mubarak. Chưa rõ ràng ai sẽ nổi lên nếu Mubarak đổ. Chắc chắn không rõ ràng là họ yếu hơn những người biểu tình dân chủ. Thật sai lầm nếu nhầm lẫn sự thận trọng của Muslim Brotherhood với sự yếu ớt. Cách khác để nhìn họ là họ đã chờ một cơ hội tốt và làm giảm nhẹ quan điểm thật của họ, đợi đến một thời điểm mà việc truyền ngôi của Mubarak cung cấp cho họ. Tôi nghi rằng Muslim Brotherhood có tiềm năng ảnh hưởng trong quần chúng Ai cập lớn hơn những người biểu tình ngả về Phương Tây hay Mohamed ElBaradei, cựu thủ trưởng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, người đang nổi lên như một lãnh đạo mới của họ.

Tất nhiên có thảo luận về quan điểm của Tổng thống Mỹ Barak Obama là gì, hay châu Âu nghĩ sao, hay người Iran đang làm gì? Tất cả hững người đó chắc chắn đã nghĩ và thậm chí đã có những kế hoạch. Theo ý tôi, cố gắng định hướng động lực chính trị của một nước như Ai cập từ Iran hay Hoa Kỳ là vô ích, và tin rằng những gì đang diễn ra ở Ai cập là kết quả những âm mưu của họ là vô nghĩa. Nhiều người quan tâm điều gì đang xảy ra ở đó, và nhiều người đang nói đủ chuyện và thậm chí tiêu tiền vào điều tra hay Twitter. Chế độ ở Ai cập có thể bị ảnh hưởng theo cách ấy, nhưng một cuộc cách mạng thật sự không phụ thuộc vào những gì Liên hiệp châu Âu hay Tehran nói.

Có bốn kết quả khả dĩ. Một là, chế độ này sẽ sống sót. Mubarak có thể ổn định được tình hình, và dễ xảy ra hơn, một sĩ quan cao cấp khác của quân đội có thể thay thế ông ta sau một khoảng thời gian. Một khả năng khác trong kịch bản chế độ sống sót là, có thể một cuộc đảo chính của các đại tá, như chúng tôi đã nói hôm qua. Khả năng thứ hai là, những người biểu tình có thể buộc tổ chức những cuộc bầu cử trong đó Elbaradei hoặc một nhân vật như ông có thể được bầu, và Ai cập có thể lật đổ cái mô hình nhà nước chủ nghĩa mà Nasser dựng lên, và tiến lên con đường dân chủ. Khả năng thứ ba là Ai cập sẽ chìm vào hỗn loạn chính trị. Con đường dễ dẫn đến đó nhất là những cuộc bầu cử dẫn đến kẹt đường chính trị trong đó ứng cử viên có thể đứng vững được lại không được bầu. Nếu tôi có quyền chọn, tôi sẽ cá chế độ tự ổn định và Mubarak ra đi, vì sự yếu đuối tương đối và sự chia rẽ của những người biểu tình. Nhưng đó là một phỏng đoán chứ không phải dự báo.

George Friedman

Sưu tầm net 

Link gốc: http://www.stratfor.com/analysis/20110130-the-egypt-crisis-in-a-global-context-a-special-report

Tin nóng: Ông Tô Huy Rứa thay ông Hồ Đức Việt làm trưởng ban tổ chức TW

On the net

Ông Tô Huy Rứa làm trưởng ban tổ chức TW thay ông Hồ Đức Việt

(ĐCSVN) – Ngày 8/2/2011, tại Hà Nội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ  viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã công bố Quyết định số 02-QĐNS/TW của Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đối với đồng chí Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Theo đó, đồng chí Tô Huy Rứa thôi giữ chức vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương để làm nhiệm vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Đồng chí Tô Huy Rứa sinh ngày 4/6/1947, quê xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tham gia cách mạng từ tháng 6/1965, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 06/02/1967, Ủy viên Trung ương Đảng khoá VIII, XI, X, XI; Bí thư Trung ương Đảng khoá X; Ủy viên Bộ Chính trị khoá X (từ tháng 01/2009), Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI.

Đồng chí Tô Huy Rứa là Phó Giáo sư-Tiến sỹ Triết học, từng tốt nghiệp xuất sắc cử nhân toán Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí đã được giao các trọng trách: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư Thành ủy Hải Phòng; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tháng 5/2006, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, sau đó là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Tháng 1/2009, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.

Tháng 1/2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.

Ông Đinh Thế Huynh làm trưởng ban tuyên giáo TW thay ông Tô Huy Rứa

(ĐCSVN) – Ngày 8/2/2011, tại Hà Nội, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ  viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã công bố Quyết  định số 03-QĐNS/TW của Bộ Chính trị về việc phân công nhiệm vụ đối với đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Theo đó, đồng chí Đinh Thế Huynh thôi giữ chức vụ Tổng Biên tập báo Nhân Dân để làm nhiệm vụ Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Đồng chí Đinh Thế Huynh là Tiến sĩ báo chí, sinh ngày15/5/1953, quê xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, tham gia cách mạng từ tháng 8/1971, vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 8/8/1974.

Từ năm 1998, đồng chí là Phó Tổng Biên tập báo Nhân Dân. Tháng 4/2001, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/2001, đồng chí được giao nhiệm vụ Tổng Biên tập báo Nhân Dân.

Tháng 8/2005, tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ VIII, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Tháng 4/2006, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức vụ Tổng Biên tập Báo Nhân Dân.

Tháng 8/2010, tại Đại hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IX, đồng chí được bầu tái cử làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Tháng 1/2011, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.

Theo dangcongsan

Góc nhìn: Biểu tình Ai Cập – Họ đã đứng lên!

On the net

Những cuộc biểu tình dự kiến sẽ diễn ra trên khắp Ai Cập.

Nguyễn Đăng Thường – Họ đã ngẩng đầu

lệnh giới nghiêm không thể nhốt họ

trong nhà
và lựu đạn cay
và vòi rồng cứu hoả
và đạn chiến xa
cũng không khiến họ khiếp đảm run sợ

sau Tunisia,

đến lượt Cairo – Suez – Alexandria
và nhiều nơi khác ở Ai Cập
phố xá đã trở thành bãi chiến trường
giữa một thể chế độc tài bạo lực
và đám người xuống đường tay không

“chúng tôi sát cánh bên nhau

để giành lại mảnh đất quê hương”
một nữ phóng viên Ai Cập đã viết
tôi như thoáng nghe có tiếng ai ca vang
Liberté, Liberté chérie
Viva la Libertad

toà Bạch Cung doạ sẽ rút lại

1 tỉ rưỡi đô la tiền viện trợ cho Ai Cập
hỡi các lãnh tụ mafia độc tài ớ khắp nơi
có thấy
có nghe chăng
những khối người kia đã ngẩng đầu

Nguyễn Đăng Thường

Theo tienve.org

Góc nhìn: Khi người dân Ai Cập đã rũ bỏ được sự sợ hãi

On the net

Các cuộc biểu tình ở Ai Cập ngày càng lan rộng

Người dân Ai Cập “rũ bỏ nỗi sợ hãi”, cánh đồng đã bắt lửa

Ngày  25/1 tại ít nhất 16 thành phố Ai Cập bùng nổ các cuộc biểu tình và bạo động. Những người biểu tình coi đây là “ngày cách mạng chống lại bạo lực, nghèo đói, tham nhũng và thất nghiệp”. Họ đòi chính phủ Ai Cập giải quyết việc làm, dỡ bỏ Luật tình trạng khẩn cấp và tổ chức các cuộc bầu cử mới.

Ngày 27/1, các cuộc biểu tình lớn chưa từng có ở Ai Cập nhằm chống lại sự cầm quyền độc tài của Tổng thống Hosni Mubarak đã bước sang ngày thứ ba. Ngày 26/1, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ra lệnh đặt 4 sư đoàn thiết giáp trong tình trạng khẩn cấp.

Theo các nguồn tin tình báo địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập đã sang Washington khẩn cấp yêu cầu Mỹ hậu thuẫn chính quyền Ai Cập chống lại phong trào biểu tình và bạo động đường phố, nếu không chính quyền Ai Cập sẽ phải chịu số phận bi đát. Theo ông này, lực lượng “Anh em Hồi giáo” – một tổ chức Hồi giáo cực đoan – đứng ngoài các cuộc biểu tình chống đối, chỉ đang chờ thời cơ để tham gia và nắm quyền kiểm soát. Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập đề nghị chính quyền Obama không vận khẩn cấp các thiết bị kiểm soát bạo động tiên tiến cho Ai Cập.

Người biểu tình đốt ảnh Tổng thống Hosni Mubarak

Mỹ là nước phương Tây có quan hệ mật thiết nhất với Ai Cập đã kêu gọi chính phủ nước này sớm dỡ bỏ lệnh cấm biểu tình. Phát biểu tại Amman nhân chuyến thăm Jordania, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng Chính phủ Ai Cập nên “tìm cách đáp ứng nguyện vọng của nhân dân… Phải hành động ngay lập tức nếu muốn tránh kết cục tương tự như ở Tunisia”.

Những cuộc biểu tình rộng lớn nhất kể từ năm 1977 khi quần chúng xuống đường chống lại việc bãi bỏ các chế độ phân phối về thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Ngày 28/1 này sẽ diễn ra các cuộc biểu tình lớn nhất. Lực lượng “Anh em Hồi giáo” cũng như nhiều nhân vật đối lập kỳ cựu đã từ bỏ thái độ do dự chờ thời, tuyên bố tham gia. Mohamed ElBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng LHQ, người được trao giải Nobel hòa bình, đã trở về “tham gia vào thời điểm định mệnh của đất nước”. “Ai Cập đã rũ bỏ được sự sợ hãi”.

Cũng như tại Tunisia, những người biểu tình đã dùng các mạng xã hội để kêu gọi và tổ chức biểu tình. Đây là sự bùng nổ các bất mãn chính trị, kinh tế tích tụ từ nhiều năm nay: Sự áp bức của bộ máy quyền lực cảnh sát, nghèo đói lan tràn, giá lương thực, xăng dầu tăng cao, nạn tham nhũng tràn lan và quản lý yếu kém của bộ máy công quyền đã đưa những người dân chưa từng xuống đường tham gia vào các cuộc biểu tình. Đã vậy, cuộc bầu cử quốc hội tháng 11 năm ngoái có nhiều gian lận. Ông Mubarak, 82 tuổi, sức khỏe yếu kém, đang tìm cách đưa con trai của mình lên kế vị.

Với bộ máy đàn áp mạnh, được tổ chức chặt chẽ, chính quyền Mubarak có thể chống lại sự thay đổi quyền lực ở Ai Cập hay không? Các biện pháp đàn áp mạnh tay và đồng bộ có thể tạm thời kiểm soát được tình hình chăng? Quan trọng hơn nữa, lực lượng nào sẽ nắm được ngọn cờ cách mạng lần này? Đó vẫn là những câu hỏi mở.

Nguyễn Nguyên

Theo toquoc

Link: http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Arap-Bac-Phi-Canh-Dong-Dang-Bat-Lua.html

Góc nhìn: Dân Tunisia lật đổ chế độ – Bài học nào cho thế giới?

On the net

Không có đảng chính trị đối lập nào kích động người dân, vì đây là điều không tồn tại ở thực tế. Một chế độ không thành công khi giải quyết các vấn đề cơm áo gạo tiền, nạn thất nghiệp, kinh tế, tham nhũng và kết hợp với những cuộc trấn áp đã đủ để bắt đầu một cuộc cách mạng.

William J. Dobson – Dân Tunisia lật đổ chế độ, bài học nào cho thế giới?

Tác giả William J. Dobson giải thích những gì mà các nhà độc tài trên thế giới có thể học được từ Tunisia, có thể học được từ Ben Ali.

Cả thế giới như được cổ vũ khi họ nhìn vào người dân Tunisia, những người từ lâu phải chịu đựng một chế độ độc tài, đã tự giải thoát mình khỏi cái ách khốn khổ. Khi người biểu tình đổ về Thủ đô Tunis, điều không tưởng đã xảy ra: Chế độ chuyên quyền mà Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali cẩn thận xây dựng trong suốt 23 năm đã không còn an toàn với chính ông.

Giống như một kẻ phạm tôi, Ben Ali cố tìm cách thoát khỏi hiện trường tội ác, bay sang Ảrập Xêút với hy vọng có thể bắt đầu một cuộc sống mới trong cảnh lưu vong. Và người ta hướng tới Tunisia như một minh chứng, một bài học cần rút ra cho chế độ chuyên quyền đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới.

Cứng rắn, nhưng đừng quá tay

Một trong những thủ lĩnh sinh viên, người đã tham gia cuộc lật đổ của Slobodan Milosevic của Serbia vào năm 2000 gần đây đã nói với tôi: “Các nhà độc tài giỏi thực sự là có thể thoả hiệp bất cứ lúc nào”. Và đó là sự thật. Nhưng ngược lại, Ben Ali sở hữu các nhà tù chật ních và những kẻ “cung cấp tin tức” ở mọi nơi mọi chốn. Cái giá phải trả đã vượt quá lợi ích mang lại, khi ông bị dân chúng phản đối nhiều vấn đề ông có thể có sự lui gót. Nhà độc tài thông minh không từ bỏ quyền lực, mọi điều có thể đàm phán.

Đừng cố gắng thành Singapore

Sẽ là tốt đẹp nếu bạn có thể thức dậy như một con hổ trong nền kinh tế châu Á. Nhưng dường như không phải thế. Ben Ali tạo ra tỉ lệ tăng trưởng kinh tế 5%, cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống giáo dục đại học cho rất nhiều người và nâng tuổi thọ của người dân. Nhưng người dân Tunisia đáp trả ông ta? Nếu tính hợp pháp duy nhất của chế độ đến từ các hoạt động kinh tế sau đó thời khắc thịnh vượng trôi qua, toàn bộ hệ thống có thể bị tổn thương. Tunisia có thể có những con số tốt đẹp cho khu vực, nhưng các nhà cầm quyền châu Á không bao giờ để nền kinh tế của họ trở nên phụ thuộc vào những du khách châu Âu, như Tunisia đã làm. Sẽ an toàn hơn nếu là nơi tách biệt với những kỳ vọng thấp. Vì nếu bạn muốn trở thành Singapore và đi lên trong thời gian ngắn, chi phí sẽ rất cao, đặc biệt nếu tài năng duy nhất của bạn là trấn áp.

Cấp hộ chiếu cho những người trẻ tuổi

Nếu không thể mang lại việc làm cho tất cả mọi người, hãy khuyến khích di cư. Đó là cách tốt nhất để thoát khỏi gánh nặng làm đau đầu bạn khi những người trẻ tuổi được giáo dục hiểu rằng, họ không thể tìm việc làm hoặc sống nhờ cậy vào cha mẹ. Hugo Chavez và Mubarak đã nắm bắt điểm này: Người Venezuela và Ai Cập đang rời quê hương tìm kiếm những vùng đất mới. Và phần thưởng đem lại? Khi gặp cơ hội tốt nhất ở Mỹ, châu Âu hay các quốc gia vùng Vịnh, họ sẽ làm việc và mang theo nhiều tiền lúc trở về quê nhà.

Hãy để cho phe đối lập tồn tại – chỉ cần không để cho họ giành chiến thắng

Ben Ali xoá bỏ các đảng chính trị đố lập. Trong sự nhận thức muộn màng, đó là một sai lầm. Một phe chính trị đối lập cũng có thể là người bạn tốt nhất của một nhà độc tài. Bạn có thể tạo các phe phái giả, bạn có thể gây rối các bên hợp pháp, bạn có thể dẫn dắt những phe phái ấy vào chỗ xung đột lẫn nhau. Điều quan trọng là chúng tồn tại và rằng hệ thống được sắp đặt đầy đủ, chặt chẽ để phe phái ấy không bao giờ ngáng trở bạn. Những người chỉ trích sẽ nói điều này là giả dối, bề ngoài, họ đang sai lầm. Các đảng đối lập, nếu được quản lý phù hợp, sẽ là nơi hút đi những bất bình của công chúng. Tại Tunisia, người đã không có lựa chọn nào khác và phải đổ ra đường.

Mở rộng cánh cửa báo chí

Ở Tunisia, có hai điều bạn có thể tính được: Mặt trời mọc mỗi ngày và mỗi ngày Ben Ali ở trang nhất tin tức. Kiểm duyệt truyền thông là không tránh khỏi ở những chế độ chuyến chế, nhưng nó không đồng nghĩa với việc ém nhẹm, bao trùm. Kiểm soát tin tức truyền hình và đài phát thanh là chủ yếu, nhưng hãy để cho xuất hiện những lời phê bình, và cho một số ít phóng viên điều tra cung cấp thông tin cho những tờ báo độc lập với lượng phát hành không lớn. Đây là nơi mọi người có thể xả hơi, và chế độ sẽ có những nguồn thông tin cũng đáng tin tưởng.

Không bao giờ đàm phán với đám đông giận dữ

Khi Ben Ali xuất hiện trên truyền hình và cố gắng để cứu vớt quyền lực bằng cam kết cải tổ và hứa sẽ lui gót vào cuối nhiệm kỳ, ông đã vô tình khép kín lối thoát của mình. Bất kỳ người dân Tunisia nào cũng biết rằng quyền lực tổng thống đã chấm dứt. Trong giờ khắc xế tàn, lựa chọn cho một chế độ là rút lui hoặc phản ứng. Thật không may, đối với những chế độ tồn tại theo xu thế cứng rắn, bài học vào giờ phút cuối của Ben Ali có lẽ nên trông cậy vào những chiếc xe tăng hơn là đàm phán.

Con người mới thực sự quan trọng

Đây là một khái niệm đáng sợ cho chế độ độc tài, nhưng việc Ben Ali bị lật đổ không thể được gán cho bất kỳ ai ngoài chính bản thân người Tunisia. Không ai cáo buộc rằng, Mỹ, Pháp hay những cường quốc nước ngoài nào khác đứng phía sau. Trên thực tế, chế độ chuyên quyền Tunisia là một đồng minh đáng tin cậy của phương Tây và Mỹ không chỉ trích Ben Ali cho tới khi ông đóng gói hành lý tìm đường lưu vong.

Các chế độ Ả Rập không thể đổ lỗi cho người Hồi giáo; Ben Ali đã từ lâu đã vây bắt họ hoặc đuổi họ ra nước ngoài. Không có đảng chính trị đối lập kích động người dân, vì đây là điều không tồn tại ở thực tế. Một chế độ không thành công khi giải quyết các vấn đề cơm áo gạo tiền, nạn thất nghiệp, kinh tế, tham nhũng và kết hợp với những cuộc trấn áp đã đủ để bắt đầu một cuộc cách mạng.

Tunisia cũng đưa lại các bài học cho toàn bộ chúng ta. Đứng đầu trong số đó là: Hãy để người Tunisia tự giải thoát mình. Và giờ đây, khi họ làm được, thì đừng bỏ rơi họ lần nữa. Người Tunisia cần đảm nhận phần lớn công việc, nhưng họ không nên phải làm một mình.

Thụy Phương (Theo Washington Post)

Theo vietnamnet

Link: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-25-dan-tunisia-lat-do-che-do-bai-hoc-nao-cho-the-gioi

Tin cập nhật: Hàng trăm người la ó, phản đối cán bộ công an đánh người tại Hải Phòng

On the net

Sáng ngày 20.12, tại trụ sở công an phường Quán Trữ, khi các phóng viên đề nghị được trao đổi về vụ việc trên, trung tá Bùi Ngọc Thạch, Trưởng công an phường đề nghị các nhà báo nêu tất cả các câu hỏi rồi điềm nhiên từ chối trả lời!

Còn tại trụ sở Công an Q.Kiến An, khi được hỏi có hay không việc công an phường Quán Trữ truy đuổi rồi đạp ngã người vi phạm giao thông, dẫn đến việc nạn nhân bị ngã gãy tay, thượng tá Hoàng Hữu Phác, Phó trưởng quận cho biết chưa được báo cáo vụ việc và cũng không được giao nhiệm vụ trả lời báo chí.

Hàng trăm người dân bao vây cán bộ công an phường

(LĐO) – Khoảng hơn 19g ngày 19.12, tại khu vực ngã ba đường Nghiêng (đường Trường Chinh, P.Quán Trữ, Q.Kiến An, TP.Hải Phòng), hàng trăm người dân đã bao vây công an phường này vì cho rằng một cán bộ công an đã đạp ngã người vi phạm giao thông, làm nạn nhân bị gãy tay, chấn thương hàm mặt.

Đám đông bao vây xe đặc chủng và 5 cán bộ công an phường.
Đám đông bao vây xe đặc chủng và 5 cán bộ công an phường.

Nguyên nhân được xác định là do trước đó tại khu vực này đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông. Nạn nhân là anh Đặng Vũ Vượng (SN 1989 ở 492 đường Thiên Lôi, Q.Lê Chân, Hải Phòng) bị trật khớp khuỷu, gãy tay trái, chấn thương hàm mặt. Tiếp xúc với báo chí tại Bệnh viện Việt Tiệp, anh Vượng cho biết: Khoảng 19g ngày 19.12, anh chở bạn gái (không đội mũ bảo hiểm) đi từ hướng cầu Niệm về ngã ba Quán Trữ, đến khu vực ngã ba đường Nghiêng thì bị các cán bộ, chiến sỹ công an phường Quán Trữ truy đuổi. Anh Vượng cho xe chạy đến khu vực trên, một trong hai người công an này đã dùng chân đạp vào đùi khiến anh ngã, mặt cắm xuống đường, trên đầu đầy máu và tiếp tục bị một cán bộ công an đạp vào người. Sau đó, người dân đã đưa anh và bạn gái lên xe taxi đi cấp cứu.

Nạn nhân Đặng Vũ Vượng bị gãy tay, chấn thương hàm mặt
Nạn nhân Đặng Vũ Vượng bị gãy tay, chấn thương hàm mặt

Một nhân chứng có mặt tại hiện trường xác nhận đã nhìn thấy chiếc xe Wave (16M4-1978) chở đôi nam nữ chạy trước, phía sau có một xe Novou Lx BKS 16P7-4576 (không có gương chiếu hậu) trên có hai cán bộ công an đuổi theo. Đến khu vực trên, một công an đạp vào chiếc xe chở đôi nam nữ, khiến xe này ngã xuống, rồi một cán bộ công an hô “mày là thằng ăn cướp” và đạp thêm vào người nạn nhân một cái nữa. Sau đó, công an phường đưa xe của nạn nhân về trụ sở công an phường. Lúc này, người dân xung quanh khu vực đã tập trung rất đông. Công an phường cũng đã tăng cường thêm 3 người và định đưa xe Novo LX khỏi hiện trường nhưng đã bị người dân ngăn cản. Dưới sức ép của người dân, 5 công an (trong đó có Phó Trưởng công an phường Quán Trữ) đã phải chạy vào một nhà ven đường rồi khóa trái cửa lại. Bên ngoài, đám đông vẫn tập trung la ó, phản đối. Sau khi xe đặc chủng của Công an Quận Kiến An đến giải vây cho những công an này đi khỏi, người dân lại tiếp tục kéo sang trụ sở công an phường Quán Trữ, la ó ầm ỹ.

Sáng ngày 20.12, tại trụ sở công an phường Quán Trữ, khi các phóng viên đề nghị được trao đổi về vụ việc trên, trung tá Bùi Ngọc Thạch, Trưởng công an phường đề nghị các nhà báo nêu tất cả các câu hỏi rồi điềm nhiên từ chối trả lời! Còn tại trụ sở Công an Q.Kiến An, khi được hỏi có hay không việc công an phường Quán Trữ truy đuổi rồi đạp ngã người vi phạm giao thông, dẫn đến việc nạn nhân bị ngã gãy tay, thượng tá Hoàng Hữu Phác, Phó trưởng quận cho biết chưa được báo cáo vụ việc và cũng không được giao nhiệm vụ trả lời báo chí. Tuy nhiên, ông này cho rằng với những người vi phạm ATGT, nếu không đuổi thì làm sao bắt được. Trong quá trình đuổi, người ta chạy bị ngã là việc khác, không thể quy việc đó cho cảnh sát được.

Sáng hôm sau (20.12), cơ quan tố tụng mới đến khám nghiệm hiện trường.
Sáng hôm sau (20.12), cơ quan tố tụng mới đến khám nghiệm hiện trường.

Ông Đặng Vũ Đức, bố nạn nhân Vượng cho hay: Tối 19.12, ông được một cán bộ công an phường Quán Trữ tên là Trần Văn Dương báo tin con trai anh bị tai nạn giao thông, được công an phường đưa đi cấp cứu tại BV Việt Tiệp. Sau đó, ông có sang trụ sở công an phường Quán Trữ, quận Kiến An trình báo sự việc của con trai. Ngay tối đó, ông Trưởng công an phường Quán Trữ Bùi Ngọc Thạch nói với ông rằng: Chúng tôi không xui anh em làm thế. Vụ việc cứ để công an quận điều tra, ai sai người đó phải chịu, gia đình không phải lo vì có nhân chứng, vật chứng đủ cả. Còn sáng nay (20.12), một cán bộ của công an quận Kiến An có đến bệnh viện, gặp gia đình, cho biết khi nào có giấy chứng nhận giám định sức khỏe tạm thời của anh Vượng, công an sẽ ứng tiền trả tiền viện phí – ông Đức nói.

Được biết, mãi tận gần trưa hôm sau (20.12), công an quận Kiến An mới xuống hiện trường và mang 2 xe máy đến để đo đạc, khám nghiệm trong khi hiện trường không được bảo vệ suốt nhiều giờ liền.

Hoàng Hoan

Theo laodong

Góc nhìn: Đào Hiếu – Xã hội đèn dầu

On the net

Đào Hiếu – Xã hội đèn dầu

Nhà văn Đào Hiếu

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự thật bị bao vây tứ phía, bị cải trang bằng nhiều son phấn, nhiều mặt nạ. Cái tốt đẹp bị che chắn, bị vùi lấp… còn cái xấu, cái ác thì được phát biểu, được thể hiện với kèn trống với vòng hoa.

Đây là thời đại mà những chính khách có thể nói dối, có thể lừa gạt mọi người bằng sự hùng biện đầy thuyết phục được hỗ trợ bằng những giọt nước mắt xúc động. Họ thường nói những câu đại loại: “Tôi đang móc ruột ra nói với các đồng chí” mà quên rằng trong ruột chứa đầy những thứ chẳng thơm tho gì.

Xưa nay nhiều người vẫn tin tưởng rằng cái tốt sẽ thắng, chính nghĩa – dù có trải qua muôn vàn khó khăn – rốt cuộc cũng sẽ thắng. Nhưng nếu chịu khó quan sát thế giới một chút, chúng ta sẽ thấy ngay rằng cái xấu, cái ác đang thắng, đang tồn tại. Chẳng phải đó là điều đang xảy ra ở Việt Nam, Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Cuba, châu Phi, Trung Đông… và nhiều nơi khác trên thế giới nữa hay sao?

Đây là sự thật ê chề nhất mà nhân loại phải gánh chịu!

Những người đã sống gần hết cuộc đời trên thế gian này, những người có học thức, có suy nghĩ độc lập mà nhiều khi còn rối trí không biết tìm đâu ra chính nghĩa, ra cái tốt, huống chi là lớp trẻ (nhất là thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam ngày nay) gần như mù tịt: phải, trái, thiện, ác… lẫn lộn. Họ lâm vào cảnh “nhận giặc làm cha”, “xe duyên cùng tướng cướp”…

Họ giống như kẻ đang lạc vào một siêu thị bán toàn đồ giả, đồ nhái, không biết chọn cái nào, họ đành quay lưng, bỏ ra ngoài, tìm những nhu cầu khác.

Sự ra đời của những trang web, những blog cá nhân đã góp phần “giải vây” cho chính nghĩa, “tẩy trang” cho sự thật, nhằm cố gắng hé lộ bộ mặt thật của một xã hội, một chế độ chính trị, một sự kiện…

Như thế, sự thiếu vắng của các trang web hay blog này là những mất mát lớn cho cả một thế hệ đang lạc lõng, đang trôi dạt, đang đánh mất tự do và tính cách của mình.

Thế hệ này tìm thấy sự bình yên, sự hài lòng trong cái Tôi nhỏ bé với những nhu cầu vụn vặt, dễ dãi, dễ kiếm. Lớp người này ngày càng làm phình lớn cái xã hội tiêu thụ, thụ động, lười biếng và vô cảm. Đó là cái xã hội đang tiêu diệt mọi nhân cách và tiêu diệt chính nó, cái xã hội đang biến dạng – một cách chắc chắn, ung dung và không gì ngăn cản nổi – thành một bầy đàn hạ đẳng.

Một xã hội bao gồm nhiều cá nhân, nếu mỗi cá nhân là một ý thức độc lập, có sự sáng tạo tự do, thì xã hội đó sẽ rực rỡ vì mỗi cá nhân có ánh sáng riêng của mình, muôn màu muôn vẻ.

Nếu trong một xã hội mà mỗi cá nhân đều suy nghĩ giống nhau, sáng tạo giống nhau, ca ngợi và đả đảo giống nhau thì mỗi cá nhân đã tự thổi tắt ngọn đèn của mình và được phát cho một ngọn đèn dầu. Xã hội đó sẽ là một xã hội đèn dầu, chỉ tồn tại trong thứ ánh sáng lờ mờ, u ám. Chỉ có những đốm mắt của bọn linh cẩu, chó sói và hổ báo là rực lên trong đêm đen.

*

Đảng đã cho ta một mùa Xuân đầy ước vọng.

Một mùa Xuân tươi tràn ánh sáng khắp nơi nơi

Những câu hát ấy đã vang lên trong nhiều thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam và sẽ còn vang lên hoài như thế. Nhưng liệu có phải đó là sự thật không? Có phải ở Việt Nam hiện đang có một “mùa Xuân tràn ánh sáng khắp nơi nơi”  không? Nếu không thì sao? Chẳng lẽ từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ tiếp tục hát như thế?

Trên ti-vi, trong các lớp học, trong các cuộc họp… cũng thế: các thầy cô giáo, các nhân viên nhà nước, các quan chức, nghệ sĩ sân khấu, cán bộ hưu trí, học sinh sinh viên, thậm chi cả những người lao động nghèo, những bác nông phu chân lấm tay bùn… khi được phỏng vấn cũng đều trả lời cùng cái giọng “Đảng đã cho ta một mùa Xuân” như thế.

Những em bé mẫu giáo, học sinh tiểu học chắc là không ý thức được mình đang nói gì, hát gì, còn những cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước thì biết mình đang nói dối nhưng hoặc là vì nịnh bợ để mưu lợi cá nhân, hoặc là nói cho qua chuyện, cho xong một cuộc phỏng vấn, một bài phát biểu.

Có một thành phần đặc biệt hơn, đó là những kẻ mới sinh ra là đã biết vâng phục, không hề có ý thức phản biện một cái gì, khi họ là cán bộ, đảng viên, họ biến thành những bõ già của Đảng, những ông từ giữ cái chùa Mác-Lênin suốt đời mãn kiếp. Họ đang sống mòn, sống cho hết cái kiếp gia nô buồn thảm, đìu hiu!

Nhưng đáng xấu hổ nhất là những kẻ ngụy tín, quen thói nói dối, nhập thân vào sự dối trá của mình một cách chân thật và cố thuyết phục người khác hiểu cái “sự thật” ấy.

Hãy tưởng tượng một đàn vịt đang lạch bạch đi trên bờ ruộng. Bỗng nhiên một con kêu: “cạc cạc!” rồi con thứ hai cũng kêu “cạc, cạc”, con thứ ba, thứ tư, con thứ mười đều kêu “cạc, cạc”. Rồi tất cả đồng loạt kêu “cạc cạc”… Ta sẽ thấy rất buồn cười, nhưng không sao, có khi còn dễ thương nữa vì chúng là đàn gia súc. Nhưng thử tưởng tượng có một đám người, đủ mọi thành phần: nông dân, giáo viên, tiến sĩ, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, học sinh, sinh viên, nhà văn, nhà thơ, diễn viên điện ảnh, hoa hậu, á hậu, người mẫu thời trang, giáo sư đại học, cán bộ công nhân viên, học sinh mẫu giáo… vừa đi vừa kêu “cạc cạc” như thế thì sẽ ra sao? Đó không phải là một xã hội nữa, đó là một bầy đàn.

Rất may là đã có một thành phần dám nói sự thật. Đó là những trang web kiểu như talawas, Bauxite… những blog cá nhân kiểu như Osin, Mẹ Nấm, Lề Bên Trái, Người Buôn Gió… Họ đã lần lượt bị bắt nhốt, bị đe dọa, bị đóng cửa. Họ là những tập thể, những cá nhân đã tỏa sáng và đang bị dập tắt. Xã hội hiện nay chỉ còn hiu hắt những ánh đèn dầu của đám người mờ nhạt, bị thuần hóa, bị gia súc hóa một cách thảm hại.

Như thế, rõ ràng là hiện nay chúng ta đang có hai nước Việt Nam: một Nước Việt Khốn Khổ, bị rút ruột, bị đục khoét, bị bán tài nguyên, bán máu, bán phẩm giá, bị xâu xé, cướp bóc tả tơi và nợ như chúa Chổm. Và một Nước Việt Ảo đang được vẽ vời bằng những lời nói dối, nịnh bợ, cơ hội, lừa mị… của đủ mọi thành phần, từ cán bộ lãnh đạo cho tới học sinh mẫu giáo.

Mỗi ngày có một bộ phận người Việt đang sống và làm việc trong cái Nước Việt Ảo ấy trong khi một bộ phận người Việt khác lại đang sống và làm việc cùng một Việt Nam khác: khốn khổ, trần trụi, tơi tả.

Hôm nay talawas không còn, ngày mai có thể Bauxite cũng sẽ mất, nhưng những người tâm huyết với đất nước với dân nghèo thì mãi tồn tại, tiếp nối, bền bỉ và bất tận.

Đào Hiếu

Talawas