Góc nhìn: Đại hội nhà văn Việt Nam – Tiếng vỗ tay và sự im lặng

On the net

Bùi Minh Quốc đăng đàn

Bùi Minh Quốc – Tiếng vỗ tay và sự im lặng trong đại hội

Trong đại hội 8 của Hội nhà văn Việt Nam vừa qua có đến 90% các tham luận và phát biểu bị/được vỗ tay.Được vỗ tay tán thành thì rất ít, phần lớn là vỗ tay phản đối, mời xuống.

Tôi, Bùi Minh Quốc, có 3 lần lên phát biểu, đều bị vỗ tay.

Lần thứ nhất:

Sau lễ khai mạc sáng 05.08.2010, gọi là ngày “đại hội nội bộ”, nhà thơ Hữu Thỉnh chủ tịch BCH Hội khoá 7 điều khiển việc bầu chủ tịch đoàn.Ban tổ chức giới thiệu danh sách chủ tịch đoàn, rồi nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị bầu.Tôi giơ tay xin phát biểu đồng thời chủ động đi lên diễn đàn.Đây cũng là ý kiến đầu tiên của hội viên phát biểu trên diễn đàn đại hội.Tôi nói:

– Tôi đề nghị trước khi bầu, cần có phần phân tích, nhận xét về những người được giới thiệu vào chủ tịch đoàn, nguyên tắc là người cầm phiếu bầu phải biết rõ về người mình có thể (hoặc không) bầu.

Đang nói nửa chừng đã bị vỗ tay mời xuống.Tôi cứ nói và nhắc lại ý kiến mình một lần nữa rồi xuống.

Tràng vỗ tay mời tôi xuống nói với tôi (và mọi người) điều gì? Nói thế này: Không cần thảo luận gì hết, cứ bầu thôi, đừng có rách việc, hồi giờ vẫn thế, bây giờ cũng thế.

Đại hội mau chóng thông qua danh sách chủ tịch đoàn do Ban tổ chức sắp đặt.

Lần thứ hai:

Buổi chiều cùng ngày , trước khi đại hội tiến hành bầu cử BCH mới, tôi xin lên phát biểu.Tôi nói:

– Yêu cầu trước khi bầu phải có phần chất vấn của cử tri và trả lời chất vấn của Ban chấp hành cũ và những người được đề cử.

Bị vỗ tay mời xuống.

Tôi nhìn thẳng vào anh Hữu Thỉnh ngồi ở vị trí trung tâm chủ tịch đoàn, nhắc lại yêu cầu.Anh Hữu Thỉnh trả lời:

– Không có phần chất vấn và trả lời chất vấn như anh yêu cầu.

Không thể tin ở tai mình, tôi hỏi Hữu Thỉnh:

– Anh Thỉnh nhắc lại đi, tôi vừa nghe anh trả lời rằng không có phần chất vấn và trả lời chất vấn phải không, có phải thế không?

Hữu Thỉnh:

– Tôi vừa nói đúng những điều anh đã nghe.

Toàn bộ phần đối thoại ngắn ngủi trên giữa tôi và Hữu Thỉnh bị chìm lấp trong tiếng vỗ tay mời tôi xuống.

Đại hội đã tiến hành bầu cử không qua phần chất vấn của cử tri và trả lời chất vấn của ứng cử viên.

Lần thứ ba:

Tôi bị vỗ tay mời xuống khi đọc bản tham luận TỔ QUỐC VÀ TỰ DO vào gần cuối giờ làm việc buổi sáng ngày 06.08.2010, ngày cuối cùng của đại hội (tôi đã thuật lại trong “Thư ngỏ” viết ngày 14.08.2010).

Đó là tiếng vỗ tay. Thế còn sự im lặng?

Trong phát biểu trước khi đọc tham luận lúc gần trưa ngày 06.08.2010 , tôi đề nghị đại hội cần ra một bản tuyên bố về trách nhiệm của nhà văn Việt Nam trước tình hình thế lực bành trướng phương Bắc đang đe doạ sự mất còn của Tổ Quốc Việt Nam.

Buổi chiều cùng ngày, cũng là buổi cuối cùng của đại hội, nhà văn Hữu Ước, trung tướng công an, ngồi chủ tịch đoàn, bước sang diễn đàn đại hội phát biểu: “phản đối đại hội lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam không đúng chỗ”.

Thế nào là không đúng chỗ? Ý kiến này rất đáng được đi sâu thảo luận, phân tích. Nhà văn Hữu Ước là tổng biên tập báo Công an nhân dân đã từng đăng nhiều bài lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Thế thì tại sao anh lại cho rằng việc đại hội lên tiếng bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ Quốc là không đúng chỗ? Thật khó hiểu. Càng khó hiểu hơn nữa là nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội liền hai khoá và vừa trúng cử tiếp khoá nữa, vốn là một anh bộ đội Cụ Hồ, hôm trước ngày họp đại Hội vừa vào lăng viếng Cụ, đi dưới dòng chữ KHÔNG CÓ GÌ QUÝ HƠN ĐỘC LẬP TỰ DO đắp nổi rất lớn trên lăng, ngồi ở vị trí trung tâm của chủ tịch đoàn, nghe anh Hữu Ước nói vậy mà lại im lặng, trong khi đáng lẽ chí ít cũng phải đứng lên thay mặt chủ tịch đoàn đề nghị đại hội thảo luận ý kiến của anh Hữu Ước. Sự khó hiểu không chỉ ở Hữu Thỉnh. Trên chủ tịch đoàn có rất nhiều nhà văn vốn là, đang là anh bộ đội Cụ Hồ, và luôn luôn là người chiến sĩ – nghệ sĩ, từ nhà văn Vũ Tú Nam (nguyên tổng thư ký Hội khoá 4), đến những Lê Văn Thảo, Nguyễn Trí Huân, Thanh Quế, Khuất Quang Thụy, Hồ Anh Thái, Trần Đăng Khoa, tất cả đều im lặng. Thế đấy, các chiến sĩ ấy giữ trọng trách chủ toạ một “sinh hoạt chính trị quan trọng” (chỉ thị của Ban bí thư) mà lại im lặng né tránh một vấn đề hệ trọng hàng đầu của Tổ Quốc, của Nhân Dân như vậy thì nhiệm vụ đích thực của họ trên chủ tịch đoàn là gì? Hay nhiệm vụ đích thực của họ chính là thế: im lặng? Và sự im lặng này đã để cho phát biểu của Hữu Ước trở thành lời kết thúc đại hội. Các nhà văn hội viên rời đại hội ra về trong tư thế đúng như câu thơ Thanh Thảo mô tả: “Yêu Tổ Quốc chỉ còn nghe ú ớ”. Và với tư thế “ú ớ” này, làm sao chúng ta còn dám nhìn mặt nhân dân đây?

Đà Lạt 14.08.2010
BMQ

Nguồn:  Trannhuong.com

Góc nhìn: Trần Mạnh Hảo – Thời bịt miệng!

On the net

Trần Mạnh Hảo – Good Bye đại hội bịt mồm

Trước Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, chúng tôi đã viết bản tham luận: ”Chỉ có sự thật mới giải phóng con người, giải phóng văn học và đất nước” gửi cho blog talawas, website Đàn Chim Việt… Lập tức hàng chục website nối mạng, đặc biệt có hai trang mạng trong nước là website của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và trang Bauxite VN của GS. Nguyễn Huệ Chi cũng post bài tham luận của chúng tôi cho mọi người cùng đọc.

Sáng 05-8-2010, khi tới Học viện Chính trị quốc gia để dự đại hội, đa số các nhà văn đều bắt tay chúng tôi chia sẻ và động viên, rằng bản tham luận ông viết rất được… xin chúc mừng. Một số nhà văn nổi tiếng “yêu đảng vượt chỉ tiêu trên giao” như N.Đ.X., T.T.Đ… cũng bắt tay chúc mừng chúng tôi đã cả gan nói ra những sự thật chết người, mà nói có lý luận, có sự thật bảo chứng…

Có nhà văn động viên chúng tôi hết lời, đoạn dặn rằng: chớ kể ra tên tớ đã ủng hộ cậu nhá, có thể “nó” không bắt cậu nhưng “nó” bắt thằng ủng hộ cậu đấy, tớ hãi lắm; “nó” muốn để cho SỰ THẬT ĐƯỢC MỒ YÊN MẢ ĐẸP”, cậu lại cả gan bốc nấm mộ này lên, mất mạng như chơi…

Các nhà văn đều tin rằng, “nó” đếch cho cậu đọc tham luận này đâu. Nhiều nhà văn còn rỉ tai dặn: tuyệt đối ông không được uống nước có sẵn (chai nước lọc) trong khách sạn Kim Liên nhá, không được một mình đi vào các con phố vắng nhá, ai không thân mời đi ăn uống là tuyệt đối không nhá, đi đâu nên rủ hai ba thằng nhà văn bạn bè đi cùng nhá; rằng ông nhớ vụ cụ Dương Bạch Mai người Nam Kỳ trong cuộc họp quốc hội ngày nào chứ, cụ này mới lên diễn đàn nói thật một tí teo thôi, đoạn xuống uống một ly nước (hay bia gì đó) liền lăn đùng ra chết… Ở đầt nước “tự do gấp triệu lần tư bản”, toàn “đỉnh cao trí tuệ” cầm quyền với chủ nghĩa bách chiến bách thắng… đã bao người mới hé mồm ra nói sự thật như cụ Dương Bạch Mai liền lăn đùng ra chết bất đắc kỳ tử, thì thằng phá trời như mày liều mạng nói toẹt ra sự thật, coi chừng thí mạng cùi đó nghe con!

Nghe bạn bè lo lắng cho tính mạng của mình như vậy, tôi hãi lắm, nếu có làm sao thì cha già ngoài quê Nam Định, vợ con trong Sài Gòn biết cậy vào ai? Nghe anh bạn thân tái mặt bảo: chỉ có thằng điên như mày mới dám viết tham luận như vậy, mày đang là số phận của con cá nằm trên thớt mà dám cãi nhau với cả dao liền thớt thì coi chừng đi họp chi bộ với hà bá đó! Bước vào hội trường, tôi tự dặn mình: im mồm nhé, tuyệt đối câm nhé, đồng chí Hảo ngu như lợn ơi, mua băng keo dán miệng lại nhé… Trước khi ra Hà Nội, vợ con và bạn bè dặn: tịnh khẩu là thượng sách, đóng vai thằng đần là ăn chắc sống, thề đi, xin thề!

Thế mà trong không khí bầu bán “quần ngư tranh thực” rất vô văn hóa của đại hội, nhất là không thể chịu được cách điều hành đại hội rất xách mé và trịch thượng của ông trung tướng công an Hữu Ước (nhạc sĩ mù nhạc, họa sĩ mù màu, nhà văn ít chữ…) chúng tôi đã quên béng lời dặn dò tịnh khẩu của người thân, quên béng mình đã hứa với mình: quyết tâm làm con lợn chỉ ủn ỉn chơi với bạn bè trong đại hội thôi, nghĩa là ngu vĩnh viễn đi là yên… lại ngứa tay, ngứa mồm giơ tay xin phát biểu ý kiến…

Chúng tôi đã giơ tay mấy lần, giơ tay rất lâu mà các vị chủ tịch đoàn tuyệt đối không cho lên, không cho nói. Hàng chục nhà văn ngồi quanh chúng tôi nói lớn: ông Hảo cứ lên đi, cứ lên đi, sao lại không cho một nhà văn hàng đầu của hội phát biểu… Rồi có mấy tiếng quát cô cầm micro: đưa micro cho ông Hảo. Không khí sôi sục làm chúng tôi thêm dũng khí, đứng lên nói: xin cô cho tôi mượn micro. Cô gái cầm micro quyết không đưa; có ai đứng bên cạnh giật được micro giúi vào tay tôi. Cô gái giữ trận địa an ninh của đảng giật lại micro như giật súng, nhưng không giật lại được. Tôi nói vào micro: kính thưa quý vị nhưng micro câm tiếng. Có ai nói: nó cúp điện micro này rồi, nó là micro đểu. Mấy ông nhà văn to tiếng: ông Hảo lên bục đoàn chủ tịch ngay, trên đó có hai cái micro tốt nhất nước đấy…

Tôi hùng dũng lên bục cao chủ tịch đoàn, giúi mồm vào hai chiếc micro như hai miệng súng chĩa vào tôi, đoạn kính thưa, rồi nói. Tôi mừng thầm, micro này vẫn còn chưa bị cúp: kính thưa quý vị, có cảm tưởng tôi đã đến nhầm địa chỉ, hình như đây không phải là đại hội nhà văn, đây là một đại hội chính trị tranh giành quyền lực. Ở đây văn học không có chỗ tồn tại. Hội nhà văn thì phải lịch lãm lịch sự, phải có văn hóa chứ, các vị đang đánh tráo khái niệm chính trị và văn học… Lập tức micro bị cúp… Tôi vẫn nói rất to hi vọng một số nhà văn ngôi hàng đầu nghe được: rằng ông trung tướng nhà văn Hữu Ước không biết viết văn, sao ngồi chủ tịch đoàn điều hành đại hội rất xách mé, trịch thượng, xin ông xuống cho… So với một số nhà văn bậc thầy ngồi dưới, ông Ước chỉ là thằng bé con tập tành viết lách lăng nhăng…

Nhà thơ Hữu Việt đứng lên hét to: không được đối xử với nhà văn như thế, sao lại cúp micro anh Hảo. Rất nhiều nhà văn đứng lên quát: không nghe thấy gì, để cho người ta nói, nối lại micro đi… vô văn hóa, vô văn hóa, toàn micro đểu…

Không có micro, tôi đi đi lại lại trước mặt chủ tịch đoàn một lúc rồi đành đi xuống…

Lập tức micro lại vang lên trong miệng người điều hành đại hội xin mời nhà văn Tô Nhuận Vĩ nói…

Chúng tôi bước xuống, bạn bè đỡ lấy tôi, bắt tay rối rít. Ai cũng bảo “nó” coi nhà văn như súc vật, bịp mồm người ta, không cho người ta nói là khinh bỉ toàn đại hội. Tôi ngồi cạnh nhà thơ hàng đầu Việt Nam Bằng Việt, anh bảo tôi phản đối trò cúp micro vô văn hóa này, đây là vết nhơ không thể xóa nổi của đại hội. Nhà thơ Anh Chi bắt tay tôi bảo: chúng nó thua ông rồi, chưa giao chiến mà nó đã thua một không, bọn khốn nạn, bọn vô văn hóa chứ đâu phải nhà văn, tao sẽ lên chủ tịch đoàn chửi thẳng vào mặt chúng nó: chúng mày cúp micro của thằng Hảo là chúng mày ném bùn vào đại hội đấy, chúng mày đã làm đại hội thất bại vì đây là đại hội bịt mồm… Phạm Đình Trọng bắt tay tôi: chúng nó đã biến ông thành linh mục Nguyễn Văn Lý, ông bị một đại hội lớn bịp mồm.

Giờ giải lao các nhà văn xúm đến bắt tay tôi, chửi bọn bịt mồm. Thanh Thảo cười ngặt nghẽo: chúng nó cho chú Hảo rơi vào cõi im lặng đáng sợ, Hảo ta câm hoàn toàn, dán giấy vào miệng mày, sướng chưa con… Nguyễn Quang Lập chống gậy ra cửa bảo: em vừa quát vào mặt thằng phó ban tuyên giáo: chúng mày súng ống đầy mình sao lại sợ Trần Mạnh Hảo tay không đến thế? Mỹ chúng mày không sợ mà sợ Hảo à, đồ ngu!

Chiều 5-8-2010, sau khi đài RFA gọi điện thoại phỏng vấn chúng tôi về sự kiện bịp mồm, ông Hữu Thỉnh xin lỗi đại hội về sự cố kỹ thuật bị mất điện micro của anh Hảo rất đáng tiếc, chúng tôi xin lỗi và sẽ kiểm điểm sâu sắc những người phụ trách kỹ thuật âm thanh. Cả hội trường ồ lên: cắt micro, bịt mồm người ta rồi sao còn đổ lỗi cho kỹ thật, giấu đầu lòi đuôi.

Các nhà văn bảo tôi: xin lỗi vì trục trặc kỹ thuật nên ông Hảo không nói được vì micro mất điện, nếu quang minh chính đại thì phải mời anh Hảo lên nói lại chứ, bắn không nên đền đạn chứ. Nói dối lòi mẹ cái đuôi định hướng micro, micro đểu rồi còn xoen xoét cái miệng gian trá, bịp bợm. Đúng bọn này là bọn không lương thiện, không tử tế, còn lâu mới thành người mà dám khoác áo nhà văn, khoác áo chủ tịch đoàn, thế giới nó khinh như mẻ, đám ma bùn chứ nhà văn gì chúng nó…

Một số nhà văn đã đi tìm hiểu, hỏi cán bộ công nhân viên học viện chính trị quốc gia rằng hệ thống âm thanh ở đây có bao giờ trục trặc chưa? Họ trả lời, đây là trường đảng của Bộ chính trị, trục trặc âm thanh có mà chết, không bao giờ bị trục trặc âm thanh, dàn âm thanh tốt nhất nước đấy…Với lại, hội trường này không bao giờ bị mất điện, tuyệt đối không bao giờ micro bị tắt tiếng như sự cố hôm nay đâu…

Sau hai ngày ngồi trong hội trường đại hội, chúng tôi và rất nhiều anh em nhà văn phát hiện ra sự thật này: âm thanh micro của đại hội là âm thanh đểu, micro đểu. Vì mỗi lần ông Hữu Thỉnh nói hay các ông trong chủ tịch đoàn nói, hay những ông đọc tham luận y hệt xã luận báo Nhân Dân thì âm thanh rất tốt, rất vang, rất rõ. Rõ đến nỗi tôi ngồi bên ngoài, đi trong sân của hội trường còn nghe rõ mồn một. Thế mà khi nhà văn lên nói hay lên tham luận mà họ không nắm được, họ bèn vặn rất nhỏ âm thanh micro. Tham luận của GS. Phong Lê có nhắc đền Hoàng Sa , Trường Sa, nhắc đến nỗi nguy mất nước thì micro bị nhiễu, rè như kẻ khản đặc tiếng, nghe câu được câu chăng… Các tham luận hay phát biểu của Bùi Minh Quốc, Phạm Đình Trọng… đều bị micro đểu làm méo hết giọng. Đúng là quân đểu, micro đểu, đại hội đểu…

Các nhà văn giờ giải lao xúm vào hỏi tôi, rằng ông định nói gì lúc đó, nạn nhân của micro đểu, tự do đểu, dân chủ đểu định nói gì mà “nó” sợ ông hơn sợ đế quốc Mỹ vậy? Tôi bảo, tôi đâu có cầm trong tay bản tham luận đâu mà “nó” cắt micro của tôi, tôi chỉ xin nói ba đến bốn phút mấy cảm nghĩ như sau:

Thứ nhất, tôi thấy sự thật và đất nước không có mặt tại hội trường này. Dân tộc ta, đất nước ta đang bị bọn giặc phương Bắc xâm lược; chiếm các quần đảo của ta, giết dân ta ngoài biển như giết ngóe, chiếm đất liền ta bằng kế hoạch bauxite thậm độc, trồng rừng đểu, khai quặng đểu để chiếm đất, chiếm rừng rồi ồ ạt di dân Tàu sang đất ta…Họa mất nước đang đến gần sát sạt. Vậy mà ông Hữu Thỉnh lờ đi, chủ tịch đoàn lờ đi, đa số nhà văn lờ đi, tham luận chúng ta lờ đi… Làm như đại hội nhà văn lần thứ tám này đang diễn ra bên Trung Quốc chứ không diễn ra trên đất nước ta. Điều lo lắng quan tâm nhất của 85 triệu đồng bào không hiện diện trong hội trường này; thế thì chúng ta câm mồm để Trung Quốc bóp cổ đất nước, chúng ta đồng lòng với kẻ xâm lược à?

Thứ hai, tôi muốn cải chính dùm cho ông Hữu Thỉnh. Sau khi bài báo động trời của nhà văn Trang Hạ: “Em không phải nhà văn” tung lên các trang mạng trong và ngoài nước, nhiều nhà văn hỏi chúng tôi; rằng có phải nhà thơ Hữu Thỉnh là người của Trung Quốc, do Trung Quốc cài cắm vào từ lâu để nắm hội nhà văn, sao thấy các hành xử quốc tế của ông Thỉnh yêu nước Tàu hơn yêu nước Việt, làm cái gì cũng cốt để đẹp lòng thiên triều phương Bắc? Tôi bèn trả lời rằng, không nên kết luận sớm quá như vậy, chẳng lẽ ông Hữu Thỉnh lại đang tâm làm gian tế cho giặc hay sao?

Xin good bye chủ tịch hội nhà văn Hữu Thỉnh!

Kính xin ông chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII Hữu Thỉnh (ông Thỉnh đã làm chủ tịch hội ba khóa rưỡi) hãy rủ lòng thương, ban cho tôi ân đức, xin ngài hạ cố gạch tên chúng tôi trong danh sách hội viên. Xin cảm ơn ông trước. Chúng tôi không làm đơn xin ra khỏi hội; vì khi vào hội nhà văn năm 1975, chúng tôi không phải làm đơn, được hội nhà văn tự động đưa vào hội cùng mấy chục nhà văn trong văn nghệ giải phóng từ chiến khu về.

Qua đại hội này, chúng tôi kết luận: Hội nhà văn Việt Nam sinh ra không phải để phụng sự Tổ Quốc và nhân dân Việt Nam, mà chỉ cốt phục vụ Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi. Mà đảng cộng sản Việt Nam thì không phải là dân tộc hay tổ quốc Việt Nam.

Xin good bye đại hội bịp mồm!

Sài Gòn ngày 07-8-2010

© 2010 Trần Mạnh Hảo

© 2010 talawas

Góc nhìn: Ê, tao đây “Nguyễn Quốc Chánh” nghĩ gì về Hội nhà văn

On the net

Nguyễn Quốc Chánh

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)…”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

Nguyễn Quốc Chánh: Ở xứ này, dưới sự cai trị độc lập/độc tài/độc đoán/độc quyền (độc địa) của Đảng, cái gì cũng có thể trở thành hoành tráng (hoành thánh) cả, chẳng hạn, cuộc thi hoa hậu hoành tráng ở Rạch Miễu, đám cưới hoành tráng ở phường Điện Biên, đám ma hoành tráng ở chợ Cầu Muối, kỷ niệm 35 giải phóng Sài Gòn hoành tráng ở công viên Thống Nhất, chương trình ca nhạc và tấu hài hoành tráng ở Hòn Gai, và sắp tới là đại lễ ngàn năm Thăng Long cũng cực kỳ hoành tráng ở Hà Nội. Nếu nhìn qua tâm lý Xuân Tóc Đỏ, đằng sau cái hoành tráng là tình trạng hãnh tiến đầy bất an. Để trấn an chỉ còn mỗi cách là gồng lên cho thật hoành tráng.

Còn blogger Nguyễn Xuân Diện hồ hởi gọi đại hội nhà văn là sự kiện hoành tráng. Tôi cam đoan, nếu anh ta định làm nhà văn, anh ta sẽ là một nhà văn hoành tráng, còn nếu anh ta muốn làm nhà khẩu hiệu cho ban tuyên giáo, anh ta cũng sẽ là một cán bộ hoành tráng.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

Nguyễn Quốc Chánh: Nếu tôi là ông chủ (tịch) Hội Nhà văn mà nghe tôi tớ Tạ Duy Anh phát biểu linh tinh như thế, tôi sẽ gắp anh ta ra khỏi nồi canh của mình ngay. Còn nếu tôi là hội viên Tạ Duy Anh, sau khi có nhiều cảm xúc nhà văn như thế, tôi sẽ hoá bướm bay khỏi cái nồi canh hội nhà văn tức thì.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam, lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

Nguyễn Quốc Chánh: Theo tôi hiện nay Đảng không những không coi trọng thị trường, mà còn coi thường cái Chủ Nghĩa Xã Hội. Cái mà Đảng coi trọng và quan tâm nhất là sự sống còn của Đảng. Định hướng XHCN và thị trường là những phương tiện để những phe phái trong Đảng thoả hiệp và tranh giành quyền lợi. Theo báo Tuổi Trẻ, trong hơn 900 trăm hội viên dự đại hội nhà văn, có hơn 600 nhà văn đảng viên, và đã là đảng viên thì không thể viết ngoài định hướng của Đảng. Đảng cần cán bộ nhà văn định hướng XHCN nên mới quan tâm đến văn chương như vậy. Còn “XHCN” là gì và như thế nào thì chắc phải hỏi các tập đoàn kinh tế nhà nước, như Vinashin chẳng hạn. Do đó, Đảng càng quan tâm đến văn chương, thì văn chương càng thảm hại và đáng khinh. Nhưng một người bạn chỉnh tôi: Văn chương mà chấp nhận sự quan tâm của Đảng là văn chương trong ngoặc kép. Còn đối với văn chương không có ngoặc nguýt gì ráo, Đảng càng quan tâm tới nó, thì nó càng coi thường Đảng.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

Nguyễn Quốc Chánh: Những tài sản đó là sự tưởng tượng bợ đỡ của một nhà thơ đảng viên sống trong định hướng. Khi nào Đảng còn cai trị thì những loại tưởng tượng bợ đỡ đó vẫn còn được coi là những “tài sản”, nhưng một mai lỡ Đảng biến mất vì vỡ đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử hay meltdown lò hột nhơn của Trung Quốc gần biên giới thì những tài sản trời ơi đó sẽ bốc hơi liền.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà”, cái nguồn của “văn học dân tộc”, nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

Nguyễn Quốc Chánh: Cái nguồn của Truyện Kiều thì ở bên Tàu, cái nguồn của Đảng CS Đông Dương thì ở bên Nga, còn cái nguồn của văn học dân tộc là ở ban tuyên giáo. Nước Nga là một cựu siêu cường, nước Tàu sắp thành siêu đẳng, còn ban tuyên giáo là một cái siêu sắc thuốc bổ dương cho Đảng. Ở trong siêu, nên Hội Nhà văn Việt Nam là hội của những người xìu mới mộng tưởng mình là ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn”, đăng trên Trangha’s Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và… tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

Nguyễn Quốc Chánh: Tôi không nằm trong chăn.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

Nguyễn Quốc Chánh: (1) Ước mọi nhà văn Việt Nam bất cứ ở đâu đều trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. (2) Ước mọi người Việt Nam bất cứ đâu từ lúc mới đẻ đến khi ngáp ngáp đều là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh muôn năm. (3) Ước 10 năm nữa, nước biển Đông dâng cao hơn nóc Ba Đình 10 mét.

Chuyện phiếm: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo… nghị quyết.

On the net

Đại hội có diễn ra và có bầu cho những ai thì cũng chỉ là vậy, không ngoài cái quy luật này: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo… nghị quyết.

Nguyễn Hoàng Văn – Về “Đại Hội Nhà văn Việt Nam”

Theo nhận xét của tôi thì mỗi lần nhà cầm quyền gặp điều gì đó lúc túng, hoặc khó nói, hoặc cần nói thật to, thật nhiều chuyện gì đó; lúc đó sẽ có… Đại hội Nhà văn.

Trước đây tôi đã ghi nhận điều này trong một tiểu luận của mình:

Không phải ngẫu nhiên mà, cứ một lần xã hội va chạm với thực tế cay nghiệt của những thí nghiệm chính trị, là một lần giới lãnh đạo lại quan tâm hết mức đến chuyện văn nghệ. Đại hội thành lập Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra năm 1957, là cái năm chứng kiến những hệ lụy thảm khốc của cải cách ruộng đất ở nông thôn và phong trào “Trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực văn nghệ, là hai món hàng nhập từ Trung Quốc. Đại hội thứ hai của cái hội ấy diễn ra năm 1963, là cái năm mà xã hội miền Bắc phân hoá sâu sắc bởi cuộc đấu tranh chống xét lại và chống chủ nghĩa hoà bình, cũng là món hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Rồi đến đại hội lần thứ ba, diễn ra năm 1983 giữa cảnh kiệt quệ, đói nghèo và vỡ mộng: bắt giới văn nghệ chờ đợi suốt mười hai năm chiến tranh đã đành, những lãnh tụ chính trị, trong tư thế của người chiến thắng hãnh tiến, đã bắt họ chờ đợi thêm những tám năm hoà bình cho đến khi không thể nào tiếp tục hãnh tiến được nữa, và phải chờ tới lúc đó thì giới nghệ sĩ mới có được ngày hội của mình, cái ngày hội “tẻ nhạt diễn ra với sự sắp đặt trước, báo cáo tham luận duyệt trước, nhân sự chỉ định trước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sít sao của Bí thư Trung ương đảng Hoàng Tùng…”[1]

Những thực tế cay nghiệt là những thực tế khó nói. Nhà cầm quyền cần nhà văn là để nói thay cho mình, tạo ra “hiện thực” cho mình. Do đó mới có “Đại hội Nhà văn”.

Lại nói theo một cái “thuyết” của tôi thì đây là một canh bạc giữa các nhà văn là người “cầm chữ” và chính quyền là kẻ “cầm quyền”.[2] Anh có chữ và anh có quyền, hai anh thương lượng và đổi chác với nhau. Thế cũng gọi là “đại hội”.

Trước đại hội toàn quốc đang diễn ra tuần này là “Đại hội Hội Nhà văn khu vực miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long” khai mạc sáng 16.06.2010 tại đất Bến Tre đồng khởi. Trong cái đại hội con này chúng ta đã có dịp nghe cuộc đối thoại thú vị (nhưng đau đớn) giữa chủ tịch Hữu Thỉnh và nhà thơ Bùi Minh Quốc:

Hữu Thỉnh: Về việc lên tiếng về Hoàng Sa Trường Sa, tôi đã nghe anh Quốc nói nhiều lần, tôi cũng đã báo cáo cấp trên nhưng cấp trên bảo Hội Nhà văn không được lên tiếng.

Bùi Minh Quốc: À, ra thế…[3]

Nói theo nhà cầm quyền Trương Tấn Sang thì nhà cầm chữ Bùi Minh Quốc là kẻ thiếu “bản lĩnh chính trị”, chỉ lạm dụng chuyện “nhạy cảm” như biển đảo để “làm khó” nhà lãnh đạo. Hành xử như ông chủ tịch hội Hữu Thỉnh mới là “có bản lĩnh”.[4]

Mà tôi cũng để ý rằng hình như Đại hội Nhà văn nào cũng bị Trung Quốc ám cả.

Thí dụ, đại hội năm 1957 và 1963: nhà cầm quyền hô khẩu hiệu chống xét lại thì các nhà cầm chữ có thẻ hội viên nhai nhải trăng Trung Quốc tròn hơn trăng… Liên Xô.

Đại hội 1983 diễn ra trong giai đoạn bị cấm vận, nhà cầm quyền chỉ biết trông cậy vào Liên Xô. Trung Quốc thì bị Hiến pháp 1982 vạch mặt như là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm”. Lúc này các nhà cầm chữ có thẻ hội viên của chúng ta thay đổi thái độ: Trăng Trung Quốc méo hơn Trăng Liên Xô.

Bây giờ thì trăng Trung Quốc là nhất, miễn là trăng đó đừng mọc ở Hoàng Sa hay Trường Sa. Mọc thế rất khó cho… lãnh đạo.

Đại hội có diễn ra và có bầu cho những ai thì cũng chỉ là vậy, không ngoài cái quy luật này: Nhà cầm quyền muốn tìm những nhà cầm chữ biết ngắm trăng theo… nghị quyết.

[1] Nguyễn Hoàng Văn, “Ngôn ngữ. văn học và chính trị”, Tiền Vệ.

[2] Nguyễn Hoàng Văn, “Cầm quyền và cầm tri thức”, talawas.

[3] Bùi Minh Quốc, “Cần dứt khoát đổi mới tổ chức hội”, Viet-studies.

[4] Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, sáng 19-6, nhân kỷ niệm 84 năm “Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam” (21-6-1925/21-6-2009). Xem bài“‘Bản lĩnh chính trị’ của nhà báo VN”, BBC.

Góc nhìn: Chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh – Cứ giữ ghế anh nhé

On the net

Xôn xao đại hội trước sau gì thì cũng chỉ là chuyện ai sẽ làm Chủ tịch, ai sẽ vào Ban chấp hành. Tình hình này thì mình nghĩ anh Hữu Thỉnh vẫn sẽ là Chủ tịch. Bởi vì ở Trển sẽ xét việc ai sẽ trị được “tụi” nhà văn nói chung. Anh Thỉnh trị được thì anh Thỉnh cứ làm. 5 năm nữa, nếu hội không thay đổi gì, dù đã hơn 80 tuổi thì anh Thỉnh vẫn cứ tiếp tục làm Chủ tịch, mặc kệ anh Trần Mạnh Hảo có viết thêm một bài nữa kể tội anh Thỉnh tham ghế như bà cố hay không. Chống gậy, bắt tay, tặng hoa hội viên, thế thôi. Tiên phong đạo cốt, kết nạp thêm dăm chục hội viên mới, công việc cũng nhàn.

Huy Minh – Đại hội Nhà Văn

Huy Minh
Theo blog Huy Minh

Hồi xưa ở cơ quan bà nội Huy Bom có một cô tên là Hiền. Cô sinh ra và lớn lên ở thôn Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Thôn của cô đông đến nỗi trở thành nguyên cả một xã, sát biển, lại chật chội tới mức chẳng có nhà vệ sinh gì, nên chiều chiều bà con cứ hay dàn hàng ngang ra phóng uế xuống biển. Có điểm đặc biệt trong đội hình phóng uế này là bà con chỉ lấy mũ nón che mặt, còn phần dưới không che, vì quan niệm là mặt người mới khác nhau chứ chim bướm thì ai cũng giống nhau thôi.

Cô Hiền đẹp lắm. Một vẻ đẹp vừa sắc sảo vừa mặn mà. Cô hay mặc đồ satin bóng bẩy mượt mà, mà hồi ấy satin còn hiếm, nên lại càng đẹp. Có một ông xưng là nhà thơ chết mê chết mệt cô Hiền. Để tán tỉnh cô, ông hoành tráng đi vào cơ quan bà nội, đọc thơ và nói những lời hoành tráng. Nhà thơ thì đọc thơ và nói những lời hoành tráng chẳng khó khăn gì, nhưng để ghi thêm điểm trước mặt người đẹp, ông đeo một lúc hai đồng hồ, tay phải một chiếc tay trái một chiếc. Bà nội hôm nào về nhà cũng kể về mối tình si của ông nhà thơ, và bữa nào cũng bò lăn ra cười. Việc tán cô Hiền không thành, ông nhà thơ đi đâu không rõ. Một thời gian sau ông lại nổi đình nổi đám trong một bối cảnh khác. Số là hồi đó ở Thanh Hóa có nhà máy xi măng Bỉm Sơn oách lắm. Giám đốc là một ông tên là Trạch, họ gì quên rồi. Sau khi vào xin quảng cáo, ông Trạch không cho, nhà thơ quay ra cửa đọc với lại một vần thơ ứng khẩu: “Chạch kia mày ở dưới bùn / Cớ sao mày lại chui luồn xi măng?” Chỉ trong giây lát, ông Trạch bị biến thành con chạch, đau. Về sau, nhà thơ ra Hà Nội mua được một chiếc Lada, ông nhờ người lùi hộ đít xe ra đường, rồi dù chưa học lái bao giờ, ông vẫn nhảy lên vần vô lăng phóng thẳng một mạch về Thanh Hóa. Thế mà không đâm chết ai thì kể cũng tài.

Từ bé mình đã hay được nghe những mẩu chuyện về đời hoạt động của các vĩ nhân tỉnh lẻ như vậy.

Thôi nói vào việc chính.

Đại hội nhà văn toàn thể đang diễn ra ầm ĩ. Nghề văn thì đúng ra cũng là nghề bình thường như các nghề khác thôi; Hội nhà văn thì đúng ra cũng là hội bình thường như các Hội khác thôi. Khổ nỗi nghề văn ở Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam lại không bình thường một chút nào. Trên đất nước yêu văn chương, số người làm văn, làm thơ đông lắm, chỉ riêng món hội viên hội thơ Đường luật hình như cũng đã có hàng vạn. Như quân Nguyên. Thế mà hội viên Hội nhà văn Việt Nam lại chưa đến con số 1.000. Mình nghe ở bến Vân Đồn là mỗi năm anh Hữu Thỉnh chỉ xét kết nạp khoảng 1/5 số đơn xin vào hội, khoảng 20 người gì đó. Ít thế mà vẫn còn bị kêu là “xét chọn chưa tinh”. Nên bây giờ có tỉnh vẫn chưa có nổi một hội viên Hội nhà văn nào. Tỉnh ủy viên, người Trung ương quản lý, giáo sư, tiến sĩ thì nhiều chứ nhà văn là hiếm lắm nha. Thế là tự nhiên, cùng viết văn như nhau, nhưng tụi Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Vi Thùy Linh trở thành hội viên nên “khác hẳn” tụi viết văn đồng trang lứa khác. Tụi khác chưa được kết nạp tức là mặc nhiên “tầm” văn chương mới chỉ ở mức lìu tìu. Cũng nghe ở bến Vân Đồn là có ông gì làm tới chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, nhưng BCH Hội nhà văn, trên tinh thần bỏ phiếu kín, không xét kết nạp, bởi cho lão văn tài có mỗi vấy ấy vào khác nào ném bọc kít vào giữa hội nghị? Kinh. Anh Quang Lập từng kể là có ông gì được kết nạp, mừng lắm, khi về quê ông đã thắp hương trên bàn thờ tổ tiên, trên đó để chiếc thẻ hội viên Hội nhà văn Việt Nam cùng với nải chuối, con gà.

Tức là, trong 10 năm ngồi ghế Chủ tịch 2 khóa, anh Hữu Thỉnh đã tiết chế triệt để việc xét ai thành nhà văn, trong khi nhu cầu thì rất lớn. Anh Thỉnh mà làm kinh doanh thì thắng to. Và Hội nhà văn vì thế trở thành một hội rất hay ho, ở chỗ nó chẳng giống hội nghề nghiệp nào trong cả nước.

(Mình mà là anh Thỉnh, mình kết nạp ráo. Cứ in đủ 2 cuốn sách là mình kết nạp. Hội Nhà văn lập tức đông đảo hơn Hội Nhà báo. Có thể làm như thế không sang, nhưng mình đè ngửa hội viên ra bắt mua báo Văn Nghệ, mỗi người một tờ, thế là ít nhất về số lượng, tờ báo ấy trở lại thời hoàng kim của nó. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các cây bút với nhau chỉ còn lại ở tác phẩm của từng tác giả, chứ không phải “em đã là hội viên Hội Nhà văn chưa?”)

Trong hội nhà văn, mình thấy toàn những bác có sừng có mỏ, chả ai chịu ai. Có người mình thích, có người mình không. Có ông viết lách nhạt bỏ mẹ. Mình là người đọc bình thường thì mình thấy thế thôi. Đã thế ông lại còn bị hôi nách nữa, nhưng thôi tiểu tiết ta bỏ qua. Ông Hoàng Hữu Các có lần còn bảo, Hội Nhà văn không cần phải xây toa lét, bởi vì… thôi đi mà hỏi ông Các ấy hehe. Ghê gớm lắm. Trước đại hội, anh Nguyễn Quang Thiều tuyên bố ầm ầm trên báo, anh nói anh yêu nông dân, hiểu nông dân và anh thách tất cả các ông khác trong nước bất kể ngành nghề gì viết nổi một chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn hay được như anh (nếu có người mời thì anh mới viết). Anh Trần Mạnh Hảo thì bảo anh Hữu Thỉnh tham ghế thấy bà cố. Ngược lại, anh Văn Chinh thì bảo, anh Hồ Anh Thái và anh Trần Đăng Khoa có nhiều tội, tội lớn nhất là không trung với anh Hữu Thỉnh. Ngoài ra, anh Trần Đăng Khoa còn có một tội nữa là tự ví tài năng của anh trai mình như Đỗ Phủ, còn mình thì như Lý Bạch. Lại nghe có chuyện chị Vàng Anh to tiếng với anh Trần Đăng Khoa, nhưng do cửa đóng kín nên giới quan sát không nghe lỏm được chị to tiếng về cái gì? Có tin chị Đặng Thanh Hương chuẩn bị về làm Phó TBT báo Văn nghệ, anh Hữu Ước thì có thể lên Phó Chủ tịch hội, không biết tin có chính xác không? Lại có bác yêu cầu phải kết nạp ngay Trang Hạ, Lê Thiếu Nhơn, Lê Anh Hoài, Phạm Xuân Nguyên… vào hội, còn em Vi Thùy Linh thì, phải nói là viết rất hay, với một loạt bài nhiều kỳ là tại sao đã mấy năm nay rồi mà chẳng có ai được kết nạp trẻ hơn em? Vân vân.

Nói chung là theo mình quan sát thì mọi người đều biết Hội nhà văn là một hội ghê gớm và nhìn chung là không hiểu thế nào.

Xôn xao đại hội trước sau gì thì cũng chỉ là chuyện ai sẽ làm Chủ tịch, ai sẽ vào Ban chấp hành. Tình hình này thì mình nghĩ anh Hữu Thỉnh vẫn sẽ là Chủ tịch. Bởi vì ở Trển sẽ xét việc ai sẽ trị được “tụi” nhà văn nói chung. Anh Thỉnh trị được thì anh Thỉnh cứ làm. 5 năm nữa, nếu hội không thay đổi gì, dù đã hơn 80 tuổi thì anh Thỉnh vẫn cứ tiếp tục làm Chủ tịch, mặc kệ anh Trần Mạnh Hảo có viết thêm một bài nữa kể tội anh Thỉnh tham ghế như bà cố hay không. Chống gậy, bắt tay, tặng hoa hội viên, thế thôi. Tiên phong đạo cốt, kết nạp thêm dăm chục hội viên mới, công việc cũng nhàn.

Thử xem mình đoán có đúng không hehe.

Tin đồn đoán: Ông Hữu Thỉnh tiếp tục giữ chức chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam?

On the net

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Tin cần kiểm chứng?

Nhà thơ Hữu Thỉnh năm nay 68 tuổi, đã liên tục giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ 3 nhiệm kì, kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Có nhiều khả năng là ông sẽ tiếp tục giữ chức này trong nhiệm kì mới. Cũng theo một nguồn tin từ thân hữu của talawas, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đã ký quyết định bổ nhiệm ông Hữu Thỉnh vào chức vụ này từ một tuần nay, dù vấn đề nhân sự Ban Chấp hành trong Đại hội Nhà văn Việt Nam lần này được coi là rất “nóng”.

Tin Talawas.

Đối thoại giữ nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ  Bùi Minh Quốc (Đà Lạt)

HỮU THỈNH : Về việc lên tiếng về Hoàng Sa Trường Sa, tôi đã nghe anh Quốc nói nhiều lần, tôi cũng đã báo cáo cấp trên nhưng cấp trên bảo Hội Nhà văn không lên tiếng.

BÙI MINH QUỐC : À, ra thế…

HỮU THỈNH : Cái vụ “Chuyện kể năm 2000”, tôi là người bênh vực anh Bùi Ngọc Tấn, nghe tin tôi vội chạy lên thì người ta đã ký lệnh nghiền mất rồi, tôi xuống ngay Hải Phòng gặp anh Tấn, anh Tấn đề nghị để tớ đi thăm Trung Quốc, tôi ủng hộ ngay mặc dù về thủ tục rất khó vì danh sách đoàn đi đã xong xuôi rồi chỉ còn 6 ngày nữa là đi, nhưng tôi đã cố gắng giải quyết tốt.

Cũng như với anh Hữu Loan, anh ấy có bị giam lỏng đâu, anh ấy tự ý bỏ biên chế về quê đấy chứ, thế nhưng anh Quốc không biết chứ, tôi và anh Nguyễn Hoa đã phải cố gắng như thế nào để làm lương cho anh Hữu Loan, lương chuyên viên đấy, kết quả là anh ấy được truy lĩnh lớn đấy.

Rồi việc giải thưởng nhà nước, chính tôi đã đề nghị anh Hữu Loan phải được trao giải cùng với các anh Hoàng Cầm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán nhưng giải này phải Chủ tịch nước ký, ở trên có người nhất định không đồng ý trao giải cho anh Hữu Loan.

Cũng như đối với anh Bùi Minh Quốc, khi in kỷ yếu Hội Nhà văn, nhiều người, có cả những ủy viên trung ương yêu cầu phải gạch tên Bùi Minh Quốc, Trần Độ, tôi không chịu, sách đã in rồi, anh em bảo lấy giấy dán chỗ ấy lại, tôi bảo cứ để nguyên.

Cũng như cái việc anh Quốc bị quản chế, vì những lý do ngoài văn chương, tôi đã xin cho anh giảm được thời hạn mấy chục ngày, anh có biết đâu, nói chung là anh Quốc thiếu thông tin…

BÙI MINH QUỐC : Đúng là tôi thiếu thông tin về các việc ấy vì các anh có thông tin cho tôi đâu, nhưng điều quan trọng nhất, việc quản chế tôi là phi lý, giảm được có 19 ngày, mà cũng vì sắp Tết rồi, hết hạn đúng ngày mùng 1 Tết, tôi đã sẵn sàng chấp nhận đúng ngày mùng 1 Tết lên phường làm thủ tục kết thúc quản chế kia mà. Vấn đề tôi yêu cầu là Ban chấp hành Hội phải thực hiện trách nhiệm của mình, phải xông vào tìm hiểu đầu đuôi vì sao tôi bị quản chế, việc này đúng hay sai và Hội phải có tiếng nói.

HỮU THỈNH : Anh Bùi Minh Quốc góp ý thì cứ góp ý nhưng sao lại nặng lời xúc phạm nhau, anh bảo chúng tôi mạo danh hội viên để mưu đồ vị kỷ theo lệnh của một thế lực nào đó, làm gì có thế lực nào, chúng tôi là do hội viên bầu lên, chúng tôi làm việc theo chính danh sao lại bảo là chúng tôi mạo danh mưu đồ vị kỷ, anh Quốc không được xúc phạm chúng tôi như thế.

BÙI MINH QUỐC : Anh Thỉnh nên đọc kỹ lại câu tôi viết trong bài phát biểu tôi vừa trao cho thư ký đoàn đại hội, đây là tôi nói về việc có tình hình nhiều hội viên, nhất là những hội viên đã trải qua chiến đấu và kiên định con đường giữ vững bản ngã tư duy độc lập cảm thấy chán Hội, muốn ra khỏi Hội. Họ ra bằng cách lặng lẽ bỏ sinh hoạt, đấy, ra khỏi Hội mà không tuyên bố công khai dứt khoát. Họ chỉ lẳng lặng bỏ sinh hoạt Hội thì tất nhiên các quan chức làm việc Hội nhân danh Hội là nhân danh cả những hội viên bỏ sinh hoạt một cách lặng lẽ đó, và lấy gì đảm bảo trong các quan chức ấy không có người nào không mưu đồ vị kỷ, bản kiểm điểm của Ban chấp hành chẳng đã nêu có ủy viên Ban chấp hành mấy năm không làm việc Hội đó sao, vậy tôi nói thế thì có gì là xúc phạm ?

HỮU THỈNH : Anh Bùi Minh Quốc từng tham gia chiến đấu thì tôi cũng có quá trình chiến đấu vào sinh ra tử, mà anh Quốc lại cứ cố ý ráo riết đòi bỏ cái tổ chức chính trị, sao lại bỏ chính trị đi, chính trị của chúng ta là chính trị yêu thương con người, anh Quốc hãy yêu thương các hội viên đang ngồi đây, hãy yêu thương 920 hội viên trong Hội ta…

BÙI MINH QUỐC : Chính trị yêu thương con người thì trước hết phải yêu thương những người bị áp bức, yêu thương các ngư dân của ta, và với các nhà văn chiến sĩ yêu thương con người thì trước hết phải chiến đấu cho tự do, tự do là giá trị cao quý nhất của mỗi con người.

Tôi yêu cầu các ý kiến của anh Hữu Thỉnh và của tôi phải đăng lên báo Văn Nghệ để chúng ta cùng tiếp tục thảo luận, các ý kiến của chúng ta chẳng có gì là bí mật cả, nên tôi yêu cầu báo Văn Nghệ có trách nhiệm phải đăng.

Đà lạt, 20/06/2010

BMQ

( Trích tham luận của nhà thơ Bùi Minh Quốc tại Đại hội tại đại hội nhà văn khu vực Miền Đông Nam Bộ và Đồng bằng SCL tổ chức ngày 16/6/2010 tại Bến Tre; phần đối thoại do nhà thơ Bùi Minh Quốc ghi…)

Chuyện lạ: Trần Mạnh Hảo cướp diễn đàn Đại Hội nhà văn – Chỉ tại cái micro câm?

On the net

Trần Mạnh Hảo đăng đàn diễn thuyết dù micro bị tắt

Sáng 5/8, hội trường Đại hội Hội Nhà văn hầu như không còn chỗ trống. Các đại biểu tranh nhau, thậm chí giành lấy micro để phát biểu với mong muốn chung: bầu ra ban chấp hành mới, mà như nhà văn Đỗ Chu nói, thì chỉ ở mức “tạm bằng lòng” cũng đã là một thắng lợi.

Đại hội Hội nhà văn khóa VIII diễn ra trong ba ngày, từ 4 đến 6/8 tại Hội trường Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau ngày làm việc đầu tiên (4/8) – Hội nghị các nhà văn Đảng viên – diễn ra khá yên ả, nghị trường của các cây bút bắt đầu nóng lên trong ngày thứ hai, với nội dung được quan tâm và cũng gây tranh cãi nhất – chuyện bầu Ban chấp hành (BCH) khóa mới.

Sau khi thông qua quy chế đại hội, báo cáo kiểm điểm của BCH khóa VII… các nhà văn bắt đầu thảo luận sôi nổi, thậm chí là sôi sục, khiến đoàn chủ tịch gặp không ít khó khăn trong việc điều hành. Nhà văn tranh nhau phát biểu, ngay cả khi người trước chưa kịp hết lời. Có đại biểu, sau nhiều lần giơ tay nhưng chưa được ý kiến, đã gọi thẳng tên người điều hành thảo luận để “đòi hỏi”: “Thưa anh Hữu Ước, đã hai lần anh bỏ qua tôi rồi ạ”. Thậm chí, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo, sau khi đòi mic bất thành, đã lên đứng trước cử tọa “nói vo”. Nhưng hội trường quá rộng và ồn ào, nên ý kiến của anh không đến được với nhiều người. Cuối cùng, khi có micro, anh lên thẳng sân khấu, phát biểu: “Tôi thấy đây không phải là đại hội Hội nhà văn, vì mọi người chỉ chăm chắm bầu ai là chủ tịch”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, điều anh nói là không phù hợp, bởi đó là nội dung chính của ngày làm việc hôm nay.

Bỏ qua thái độ có phần thái quá của một số đại biểu và không khí hội nghị lắm lúc thiếu trật tự, thì phần lớn nhà văn thực sự quan tâm đến việc chọn ra BCH mới – những người giữ trọng trách điều hành tổ chức nghề nghiệp lớn nhất của các cây bút Việt Nam trong 5 năm tới.

Tường thuật từ đại hội: Chỉ tại cái micro câm?

Trần Mạnh Hảo đứng tại chỗ nhưng bị mất điện micro cầm tay. Hảo bước lên bục nói được 1 câu thì bị cắt. Trần Mạnh Hảo kịp nói một câu ĐH chỉ chăm chăm bầu cử ĐH nhà văn bị đánh tráo khái niệm. (bị tắt micro). Hảo nói hãy mời Hữu Ước xuống, không biết viết văn. Vỗ tay và không có tiếng nên Hảo cầm cái micro đi đi lại lại trước mặt CTĐ.

Hữu Việt nói to: Làm thế với nhà văn không được

Không khí bị nóng rực. Tình hình đại hội căng thẳng. Bản web tường thuật không kịp và không đủ thời gian đưa ảnh lên. (có 1 minh làm cả mà)

Có lúc Tô Nhuận Vĩ phát biểu . Phạm Ngọc Cảnh nói: Không nghe được cái cóc khô gì, nói to lên

Giờ giải lao rất nhiều nhà văn phản ứng về việc cắt micro khi Hảo phát biểu. Không khí tự do ngôn luận có chiều hướng bị hãm phanh. Nhưng có lẽ do lỗi kĩ thuật chứ không phải do chủ trương..

Sau giải lao nhà thơ Hữu Thỉnh nói nên có văn hóa hội trường và ông nhắc bộ phận phục vụ đảm bảo âm thanh tốt. Rút kinh nghiệm vụ hỏng micro của Trần Mạnh Hảo.

Góc nhìn: Thơ gởi Hội nhà văn

On the net

Lê Vĩnh Tài – Lịch sử của nỗi lo âu

Từ thế hệ này đến thế hệ kia
Các ông Vua thơ thay nhau biến mất
Thay nhau xuất hiện
Vị trí của họ dĩ nhiên là khả kính
Và cũng nhiều khả nghi
Có ông Vua thơ muốn lặp lại trật tự
Để lấy lại sự kính trọng của các thần dân
Cá biệt cũng có ông cù lần
Nên ổng không biến mất
Mà thi sĩ tiêu tùng
Thi sĩ phải rút lui
Không dám thí mạng cùi
Khi không thể làm vật hy sinh
Cho một nạn dịch đen tối
Cũng có kẻ hân hoan
Mệnh mang điên loạn
Vì nạn dịch nào cũng sinh ra những người
muốn được truyền ngôi
Chứ không phải thí mạng cùi
Rất uổng
Tưởng làm bẩn những gì tinh khiết
Tưởng làm đau
Và luôn miệng nhắc
Nếu các anh muốn làm thi sĩ
Hãy làm đi
Chứ đừng vì

Mà không chịu đi
Làm thi sĩ
Đất nước nhân dân
Cơm gạo miếng ăn
Tôn giáo thánh thần
Đã rất nhiều lần
Không cần thi sĩ
Ngôi đền của thi sĩ
Vang rền trong Nguyễn Quang Thiều
Cay đắng trong Sara
Dịu dàng trong Bằng Việt
Đau đớn trong Nguyễn Duy
Chết lặng trong Lưu Quang Vũ
Bốc cháy trong Thanh Thảo
Phỏng cả tay Trần Mạnh Hảo
Những ai xâm nhập và đốt cháy ngôi đền?
Tất cả những người
Sợ lửa nên tăm tối
Nên làm thơ hơi vội
Ai rút lui, ai lẩn trốn?
Ai không chịu rút lui và giả vờ lẩn trốn?
Hỗn độn mù mờ
Như thơ giả dại
Duy nhất còn sót lại
Những nhà thơ chưa kịp làm thẻ nhà thơ
Vì ảnh chụp hơi mờ
Những nhà thơ luôn nhận phần thất bại
Không phải thiên tài
Không cần thiên tài
“Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi?”[*]
Chỉ cần đừng trả lời hàng hai
Cái khổ nhất của thi sĩ
Không phải nghèo nàn, ấu trĩ
Mà là phải vượt qua những cái lý
Ù lỳ lâm ly rất bí
Của những kẻ tưởng mình là nhà thơ
Mà thực ra là nhà thờ
Suốt ngày thích công chúng đến tưởng niệm mình
Và góp tiền làm công đức
Cần một ngọn lửa
Rất nhiều ngọn lửa
Ngay cả nhà thơ hay nhà thờ
Cũng cần dọn dẹp
Để con chiên bước vào linh thiêng, bỏ dép
Ngắm các thi sĩ thật đẹp
Bởi không lẽ nhân dân mãi chỉ là đám người cơ cực
Không có quyền lực
Cũng hơi hơi tức
Mẹ khóc rấm rứt
Số phận nhà thơ
Không ai gánh vác mà không gặp tai hoạ
Nên nhà thơ hay xuýt xoa
Mỗi khi tá hoả
Chỉ xin nhà thơ đừng “rũ bùn đứng dậy sáng loà”[**]
Làm chói mắt
Nhân dân không nhìn thấy
________________

[*]thơ Nguyễn Trọng Tạo.

[**]thơ Nguyễn Đình Thi.

Góc nhìn: Nhà văn không tham dự đại hội Hội nhà văn nói gì?

On the net

‘Một thời đã qua’ thời mới chưa tới?

Đại hội toàn thể toàn quốc của Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra trong tuần này, từ 4 đến 6-8.

Điểm đặc biệt của lần họp này là cả 922 hội viên cả nước đều được tham dự, khác với những lần trước chỉ là đại hội đại biểu.

Trong loạt bài của BBC về sự kiện này, có những nhà văn như Nguyễn Phan Hách cho biết ông mong đợi sự kiện này và hy vọng nhân sự lãnh đạo mới là “nhà văn có uy tín” và đồng thời, phải có những “người trẻ, đội ngũ trẻ, những nhân tố trẻ”.

Nhưng cũng có những nhà văn không tham dự, như Nguyên Ngọc, Nhật Tuấn…

Trả lời phỏng vấn của BBC qua điện thoại hôm 3/8, nhà văn Nhật Tuấn, tác giả của Đi về nơi hoang dã (1988) và hiện sống ở Sài Gòn, cho biết lý do không dự đại hội Hội nhà văn lần thứ Tám.

Nhật Tuấn: Tuần trước, tôi có gặp nhà văn Nguyên Ngọc. Nhìn thấy ông như nhìn thấy cả một thời đã qua. Tôi ghé tai ông nói nhỏ: Anh ơi, một thời đã qua rồi.” Nguyên Ngọc nhìn tôi cười cười: “Nhưng mà thời mới chưa tới…”

Vâng, một thời đã qua rồi, cái thời nhà văn còn là “lương tâm thời đại”, “thư ký thời đại”, là bộ phận “nhạy cảm nhất của dân tộc”, cái thời ấy đã qua rồi.

Vào thời đó, nhà văn còn đau đáu những nỗi buồn dân tộc, còn rung cảm với những nỗi đau thời đại và họ “lập ngôn” bằng văn chương chứ ít ai đăng đàn phát biểu hoặc viết bài nghị luận.

Vào thời đó nhà văn đồng thời cũng là tác giả, nhắc tới tên nhà văn thường kèm theo tên tác phẩm. Như Hà Minh Tuân với “Vào đời”, Vũ Bão với “Sắp cưới”, Văn Linh với “Mùa hoa dẻ”…

Nếu văn chương thường được mùa vào thời điểm xã hội được xả xú páp thì ở Việt Nam đã có hai lần như vậy.

Lần thứ nhất, sau năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên cầm quyền, ở Việt Nam không khí cởi mở đến độ chỉ trong vòng 10 năm văn học VN đã có Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Nam Cao, Nguyễn Tuân … và cả một nền nghệ thuật ta vẫn gọi là “tiền chiến”. Tiếc thay, sau năm 1945, cái xú páp đã đóng lại rồi. Nhưng cũng còn may, giả thử Đảng CS Đông Dương cướp được chính quyền từ năm 1930, liệu chúng ta có được “Số đỏ”, “Chí Phèo”, “ Thiên Thai “, “Đêm Đông”, “Giọt mưa thu”…?

Đợt xả xú páp thứ 2 cho văn học chính là năm 1989 khi ông Tổng Bí thơ Nguyễn văn Linh lên tiếng cởi trói cho văn nghệ sĩ và lập tức một dòng văn học “phản kháng”, “phản tỉnh” đã ra đời với nhiều tác phẩm của nhiều tác giả mà cho đến nay vẫn là bộ phận sáng giá nhất trong kho lưu trữ văn học.

Rất tiếc cánh cửa mở hé năm 1989 chỉ hai năm sau đã đóng sập lại cho tới ngày nay.

Có thể biết trước cái đại hội nhà văn lần thứ 8 này chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy cái xú páp ấy mở ra nên tôi không tham gia.

Nhật Tuấn

Cái thời đó qua rồi và “cái thời mới” như nhà văn Nguyên Ngọc nói chắc phải chờ tới lần xả xú páp thứ ba thì văn học may ra có cơ hội được mùa.

Có thể biết trước cái đại hội nhà văn lần thứ 8 này chẳng có tác dụng gì trong việc thúc đẩy cái xú páp ấy mở ra nên tôi không tham gia.

BBC: Theo quan điểm của ông, Đại hội Hội nhà văn có tác động, ảnh hưởng gì đến dư luận xã hội hiện nay hay không?

Ai cũng biết Hội nhà văn là hội quần chúng của Đảng, là cơ quan để quản lý tư tưởng, sáng tác của nhà văn. Vào cái thời đã qua như tôi vừa nói, các nhà văn còn có “ý thức công dân”, có trách nhiệm với “lương tâm thời đại”, có đôi chút dũng cảm để “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Vào cái thời đó, Đảng đổ tiền bạc, công sức ra để làm công tác “quản lý nhà văn” là đúng rồi.

Thời nay vai trò “phản biện xã hội” dường như các nhà văn đã nhường cho các luật sư. Chính các luật sư mới là đối tượng Đảng cần phải lưu tâm, lo lắng tới chứ không phải các nhà văn. Ta cứ thử coi Cù Huy Hà Vũ, Lê thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Công Định, Trần Đình Triển…Chính những luật sư đó mới là những người “phản biện” một cách sâu sắc, quyết liệt nhất.

Chính vì lẽ đó, tôi đề nghị Ban tuyên giáo tổ chức lại Hội nhà văn sao cho gọn nhẹ, thiết thực, rút bớt đến mức tối thiểu tiền tài trợ cho Hội. Ban chấp hành cần thiết phải am hiểu văn học Việt Nam để có thể tổ chức những cuộc hội thảo, định đúng giá trị những tác phẩm hiện nay còn nằm trong vùng “nhạy cảm” như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Miền hoang tưởng” và “Trư cuồng” của Nguyễn Xuân Khánh, “Đi về nơi hoang dã” của Nhật Tuấn, “Đêm thánh nhân” của Nguyễn Đình Chính, “Người dẫn đường thọt chân” của Bùi Việt Sỹ, “Ngửa mặt kêu trời” của Tô Hoàng, vân vân…Mặt khác, cần kịp thời phát hiện những tài năng mới để quảng bá cho bạn đọc.

BBC: Xin hỏi ông nghĩ gì về thế hệ nhà văn trẻ gần đây?

Sau đại chiến lần thứ Hai, thế giới phục hưng, văn học nghệ thuật nở rộ những trào lưu “hiện đại” như chủ nghĩa hiện sinh, siêu thực, biểu hiện, cấu trúc…Tiếc thay khi đó văn nghệ sĩ miền Bắc lại kéo nhau lên rừng để học “đề cương văn hoá Diên An”, còn người đọc thì được giáo dục một thứ thẩm mỹ “văn hoá công nông” hoàn toàn xa lạ với thế giới bên ngoài.

Do mất cái gốc đó, nên sang thời kinh tế thị trường những thể nghiệm “hậu hiện đại” vừa khó được công chúng tiếp nhận vừa giống như trò nhăn mặt bắt chước Tây Thi đau bụng thời xưa. Tài năng lớn để có thể cho ra đời kỳ hoa dị thảo thì chưa thấy nhưng đã xuất hiện những tài năng trẻ thực sự như Nguyễn Ngọc Tư, Lynh Bacardi, Bùi Chát, Lý Đợi, Đinh thị Như Thuý…

Hy vọng họ sẽ vượt qua được cơn hồng thuỷ của sự dối trá đang diễn ra làm đảo lộn các giá trị để cho ra đời những kỳ hoa, dị thảo.

Góc nhìn: Nhà văn nói chuyện Hội nhà văn – Hoàng Ngọc-Tuấn phỏng vấn Nguyễn Viện

On the net

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)…”

Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?

Nguyễn Viện: À, cảm tưởng rõ nét nhất của tôi là: Lại một đống tiền thuế của nhân dân bị vơ vét chia chác nhau trong phong trào vơ vét triệt để chưa từng có như hiện nay.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng: “Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”

Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?

Nguyễn Viện: Xem các bác đấu đá nhau từ tiền “event” đến nay thì cũng vui thật. Nhưng tôi cũng thấy lạ ở chỗ là: mọi chuyện nhân sự ở đất nước ta đều đã có Ban Tổ chức Đảng từ trung ương xuống đến các địa phương “qui hoạch”, “cơ cấu” cả rồi thì ồn ào, căng thẳng làm gì nhỉ?

Đồng ý với phát biểu của nhà văn Tạ Duy Anh, tôi nghĩ chỉ nên xem đây là một “trò mèo” như những trò mèo khác.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam , lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.

Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?

Nguyễn Viện: Theo tôi, chưa bao giờ như lúc này Đảng và Nhà nước lại quan tâm đến văn chương như vậy, mặc dù đa số những phát biểu chính thức trong hệ thống đều cho rằng văn chương hiện nay xa rời hiện thực xã hội (tất nhiên cái hiện thực xã hội này cũng phải coi lại nó là hiện thực kiểu gì: kiểu của nông dân đi đòi đất, công nhân biểu tình và những cuộc xuống đường của những thành phần xã hội khác, bất công xã hội, tham nhũng thối nát… hay hiện thực theo mô hình của Ban Tuyên giáo?).

Sự quan tâm của Đảng dành cho văn chương chính là vì chưa bao giờ như hôm nay Đảng mất quyền kiểm soát đối với văn chương, đặc biệt là văn chương ngoài luồng và những thứ chữ nghĩa trên internet.

Có lẽ vì thế mà tất cả các nhà văn hội viên cả nước đều được tham dự đại hội, thay vì chỉ là đại hội đại biểu như những lần trước.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường” , nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có: 1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc; 2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất; 3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ; 4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.

Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?

Nguyễn Viện: Tôi thấy chỉ có mỗi câu này là ông Phạm Tiến Duật nói đúng: “tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng”. Không bình luận thêm.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà” , cái nguồn của “văn học dân tộc” , nằm ở cái chỗ đó?

Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?

Nguyễn Viện: Cái logic này đúng quá. Chúng ta đừng quên rằng: Tiêu đề của báo Văn Nghệ (diễn đàn chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam) là “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa” và trong điều lệ của Hội Nhà văn có câu: “Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng” thì về nguồn là về cái nơi đẻ ra Đảng Cộng sản là đúng rồi. Họ cần phải làm cái thứ văn nghệ “báo hiếu”. Tôi chẳng thắc mắc gì.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn” , đăng trên Trangha’s Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và… tiền.

Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?

Nguyễn Viện: Bí mật cung đình hay “ngôi đền lớn” thì không thể biết hết được. Tuy nhiên, theo tôi nên coi thái độ và cách ứng xử của ông Hữu Thỉnh trong trường hợp này là rất tiêu biểu cho bản sắc cầm quyền và cầm tiền hiện nay của… (không biết bao nhiêu phần trăm) các vị vua quan.

Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?

Nguyễn Viện: Tôi chỉ ước một điều thôi: Cái hội ấy (cũng như một số hội khác) biến cho nhanh. Uổng tiền nhân dân quá.

http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=11068