Tài liệu: Sự thật về cái chết của Stalin

On the net

Sự thật về cái chết của Stalin

Gần 50 năm sau ngày mất của Stalin, sự thật mới được trả lại đúng như nó đã diễn ra. Những người chứng kiến nay khẳng định Stalin mất vào đêm 1, rạng ngày 2.3, chứ không phải như lâu nay được công bố chính thức là đêm 4, rạng ngày 5.3.1953.

Gennadi Colomensev là ai?

Gennadi Nicolaevich Colomensev sinh năm 1923 tại làng Kratovo trong gia đình một nhân viên đường sắt. Ông từng làm việc tại Tổng cục bảo vệ (GUO). Thoạt đầu ông làm nhân viên đội 6, đảm bảo cấp dưỡng và phục vụ những người đứng đầu Nhà nước. Trong hệ thống đó, ông làm việc khoảng 38 năm, từ thời Stalin đến thời Gorbachev. Ông đã làm chỉ huy bếp ăn đặc biệt, đảm bảo những cuộc chiêu đãi, các bữa ăn của các vị lãnh đạo Đảng.

Theo công bố chính thức vẫn được coi là “chính sử” lâu nay, ngày 1.3.1953 tại nhà nghỉ ở Volynsky, Stalin trải qua cơn đột quỵ nhồi máu, nhưng phải qua đêm 4.3, ngày 5.3 Stalin từ trần. Tất cả những gì trái với điều “TASS được quyền tuyên bố” này, đều bị coi là “phụ sử”, thậm chí bị bưng bít, không ai biết đến.

Tại sao phải “lùi” ngày mất của Stalin?

Nay, một trong những người từng chứng kiến chuyện này đã nói ra sự thật. Gennadi Colomensev, người chỉ huy Căn cứ đặc biệt chuyên cấp dưỡng cho các nguyên thủ quốc gia, kể lại chuyện của người bạn ông, Ivan Orlov, người quản lý nhà nghỉ của Stalin ở Volynsky.

Theo lời G. Colomensev, Orlov đã kể về chuyện này: “Mỗi lần tới nhà nghỉ này, Stalin có thói quen uống trà rồi sau đó về phòng mình, đóng cửa lại. Không ai được vào nếu không có chuông gọi. Vào đêm Người ra đi, đã không có một tiếng chuông nào. Đến sáng, thời gian xích dần tới: 10 giờ,11 giờ… vẫn yên ắng. Đội cảnh vệ rất lo lắng. Họ gọi đến Tổng cục… không có, gọi đến Cục 9. Họ cùng nhau mở cửa: Stalin nằm trên nền nhà, cạnh chiếc đi-văng, nơi Người thường ngủ. Người đã nằm chết trên nền nhà”.

Có nghĩa là lúc ấy Người đã chết thật rồi?

Chết thật rồi!

Người ta nói rằng mấy ngày sau Người mới chết…

“Không, không đâu, lúc ấy Người đã chết hẳn rồi. Tất cả những lời bàn tán và những thông tin trên báo chí đều vô lý. Người đã chết hẳn rồi. Hết!”.

G. Colomensev kể: Orlov cho tôi biết chuyện cơ mật này chỉ vì tình bạn bè, khoảng một tháng sau khi chôn cất xong Stalin.

Tại sao đội phục vụ Stalin phải ra đi?

Colomensev kể tiếp: “Khi Stalin chết, Beria (phó CT thứ nhất HĐBT LX (Chính phủ), Ủy viên ĐCT BCH TW, Bộ trưởng Nội vụ (Công an) đã cho cả đội phục vụ Stalin “chuyển công tác”. Mỗi người đi mỗi ngả! Bà quản gia duy nhất, Valia Istomina, được cho về hưu! Bà ấy chính là người đã lau rửa thân thể Stalin trước khi đặt Người vào quan tài. Hồi thiếu nữ bà ấy có tên Zhmychkina. Hai người em của bà ấy làm việc tại đội 6 trên căn cứ 501, mà sau này tôi làm chỉ huy.

Đó là một căn cứ đặïc biệt chuyên đảm bảo cấp dưỡng cho các vị lãnh đạo Đảng và Chính phủ và những vị khách nước ngoài quan trọng. Có phòng thí nghiệm đặc biệt chuyên dụng để kiểm tra tất cả các sản phẩm. Và người ta còn nói rằng, ở đó họ có thể đầu độc một người nào đó, một điều phi lý hoàn toàn. Điều này 100% được loại bỏ. Tôi đã thử nếm tất cả. Thấy không! Tôi vẫn sống đến tận bây giờ. Tôi biết Stalin là người không nghiện rượu. Ở hầu hết các cuộc tiếp đón và chiêu đãi của Stalin, tôi thường có mặt ngay từ đầu, chưa bao giờ tôi thấy Người dù say, dù chỉ hơi hơi. Người chỉ cho phép mình uống hai chum nhỏ cô nhắc loại Gruzia. Chúng tôi chuyên mua cho Người loại rượu nhà tự làm của 3 người nông trang Gruzia. Tôi nhất định phải thử uống trước để tránh tai họa.

Những kỷ niệm khó quên

Tôi đã nhìn thấy Stalin rất nhiều lần. Lần gặp đầu tiên tôi đang mang chiếc quần xà lỏn, không nghĩ rằng mình đang đứng trước vị lãnh tụ. Lần cuối cùng tôi gặp Stalin lúc Người đến Kavkaz nghỉ vào mùa hè năm 1951. Ba người chúng tôi đang câu cá, và đang còn mặc quần xà lỏn, bất ngờ Stalin bước tới, nói: “Chào các “ngư dân”! Được mẻ cá nào chưa?”. Suốt đời tôi không thể quên được ánh mắt của Người lúc đó. Đôi mắt ấy không to, màu nâu sẫm, có những chấm lốm đốm. Khuôn mặt Người đầy đặn, có một vài nốt rỗ hoa to. Bộ ria mép đã có những sợi bạc. Trong chân dung, bộ ria lại luôn đen, mà ở đây đã có ánh bạc.

Chuyện kể của G.N. Colomensev đặc biệt gây ấn tượng đoạn về cái chết của Stalin. Đến tận bây giờ, “chính sử” vẫn cho rằng đội bảo vệ đã tìm thấy Người trong trạng thái nửa bất tỉnh.Và sau đó Người đã chết một cách khó khăn và kéo dài (chết dần) từ mùng 1 – mùng 5.3.1953.

Quả thật trong tất cả những thông báo chính thức và không chính thức đã được ban hành về sự từ trần của vị lãnh tụ có quá nhiều điều không ăn khớp. Chẳng hạn, một loại tư liệu cho biết: Stalin chết bệnh tại căn hộ ở Moskva; loại khác lại cho rằng Stalin mất tại nhà nghỉ ở Volynsky. Một nhóm người (Sepilov, Volkogonov…) lại xác nhận: Stalin đã từ trần vào buổi sáng, người khác (Ragzinsky) lại nói vào buổi tối.

Trong các sách lịch sử, những việc này được ghi nhận và đem giảng dạy: việc bổ nhiệm lãnh đạo mới của đất nước diễn ra vào ngày 6.3; trong nhật ký tài liệu lưu trữ, văn bản nêu việc bổ nhiệm được tiến hành từ ngày 3-5.3, cứ như Stalin còn sống và ký các văn bản.

Tại sao Stalin phải “chết lùi” lại vài ngày? Các nhà sử học giải thích: đó là thời gian cần thiết để các vị đứng đầu Nhà nước lúc đó có thời gian phân chia quyền lực.

Những lý giải đó đang được chứng minh. Hồi tưởng của giáo sư y tế Myasnicov: “Malenkov (CTHĐBT kế vị sau Stalin) cho chúng tôi hiểu rằng ông ta hy vọng các biện pháp y học sẽ có thể kéo dài sự sống của người bệnh thêm một thời gian vừa đủ. Tất cả chúng tôi hiểu rằng, ông nói về thời hạn cần thiết để tổ chức chính quyền mới và chuẩn bị dư luận xã hội”.

Thế tại sao chính sử lại viết rằng Stalin chết từ từ trong khắc khổ, kéo dài vài ngày?

Hồi tưởng đó liên quan đến một người giống Stalin như đúc đã được Lavrenty Beria ủy thác đóng vai vị lãnh tụ đang chết dần. Những người gần gũi hằng ngày với Stalin như bà quản gia Valia Istomina không phát hiện ra (hoặc làm ra vẻ không phát hiện ra?) sự đánh tráo.

Tài liệu Đại hội ĐCS LX lần thứ 19 đã ghi nhận cuộc tranh giành quyền lực diễn ra vào năm 1952 trầm trọng như thế nào. Chính Stalin 73 tuổi, lúc đó đã không nói thẳng ai sẽ kế vị sau mình. Sự ra đi đột ngột của Người là một cú sốc cho những người “bạn” như Beria, Malenkov, Khrusev và Bulganin cũng như cho chính những người bạn chiến đấu “bị ruồng bỏ” như: Molotov, Kaganovich, Mikoyan, Zykov…

Ưu thế rõ ràng đã thuộc về bộ tứ “những người bạn” cùng với những người cuối cùng đến gặp Stalin. Chính họ được đội bảo vệ Stalin thông báo về những gì đã xảy ra.

Trước tiên đó là những người của Khrusev và Bulganin; có thể có cả Bộ trưởng An ninh Quốc gia (MGB) Ignachev. Họ là những người phân chia những cương vị chủ chốt lãnh đạo đất nước.

Việc Stalin “đang hấp hối” thúc đẩy quyết định chính thức về việc bổ nhiệm lãnh đạo mới. Tối 5.3, lúc 20 giờ 40 phút, kết thúc phiên họp của BCH TW, HĐBT và Đoàn CT XVTC Liên Xô. 21 giờ 50 phút, khi các nhà lãnh đạo mới đến “thăm và báo cáo” với Stalin tại nhà nghỉ, nơi Stalin “vẫn còn sống” và “đang hấp hối”. Màn kịch này được “đạo diễn” để chứng minh rằng ban lãnh đạo mới đã được Stalin “phê duyệt” vào phút chót, dù lúc đó Người “đang rất mệt”.

“Những người bạn” chia quyền lực như thế nào?

Kèm theo đây là trích đoạn từ biên bản của kỳ họp toàn thể BCH TW ĐCS LX, HĐBT LX và Đoàn CT XVTC LX vào ngày ngày 5.3.1953. Có hai điểm được chú ý. Một là, nếu tin vào giả thiết của G.Colomensev (giả thuyết Stalin chết ngay đêm mùng 1.3), tại thời điểm diễn ra những lời tuyên bố sau đây, thì Stalin đã chết được 4 ngày rồi. Hai là, một vài đoạn văn được trích dẫn đã định sẵn toàn bộ lịch sử Liên Xô tiến lên phía trước tới 30 năm.

“Đ/c Khrusev làm Chủ tịch Đại hội. Đ/c Khrusev giới thiệu Bộ trưởng Bộ Y tế Liên Xô Trechyakov thông báo tin tức về trạng thái sức khỏe của đồng chí I.V. Stalin.

Sau đó, giới thiệu lời Beria. Đ/c Beria nói Bộ chính trị đã bàn luận kỹ lưỡng bối cảnh đang tạo ra trong nước ta liên quan tới việc lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ vắng đồng chí Stalin. Bộ chính trị cho rằng cần thiết phải bổ nhiệm Chủ tịch HĐBT LX. Bộ chính trị đưa ra đề nghị bổ nhiệm đ/c Malenkov G.M giữ chức Chủ tịch HĐBT Liên Xô.

Sau đó đ/c Khrusev giới thiệu lời đ/c Malenkov. Đ/c Malenkov theo nhiệm vụ được giao của Bộ chính trị đưa ra những đề nghị sau đây:

1. Bổ nhiệm các Phó chủ tịch thứ nhất HĐBT LX là các đ/c Beria L.P., Molotov V.M., Bulganin N.A., Kaganovich L.M. (nhiều tiếng hô từ các chỗ ngồi: “Đúng! thông qua”).

4. Hợp nhất Bộ An ninh Quốc gia LX và Bộ Nội vụ LX thành một bộ – Bộ Nội vụ LX. Bổ nhiệm Bộ trưởng Nội vụ LX: đ/c Beria L.P.

5. Bổ nhiêm đ/c Molotov làm Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô.

6. Bổ nhiệm nguyên soái Liên Xô, đ/c Bulganin N.A. giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng và Nguyên soái LX đ/c Vasilevsky A.M và nguyên soái LX đ/c Zykov G.K giữ chức Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng LX.

13. Thông qua thành phần sau đây của Đoàn chủ tịch BCH TW ĐCS LX: các ủy viên Đoàn chủ tịch BCH TW – là các đ/c Stalin I.V., Malenkov G.M., Beria L.P., Malotov V.M., Volosilov K.E., Khrusev N.S., Bulganin N.A., Kaganovich L.M., Mikoyan A.I., Perbukhin M.G.

16. Khẳng định điều cần thiết để đ/c Khrusev tập trung trong công việc ở BCH TW, và do đó ông thôi giữ chức Bí thư thứ nhất Đảng bộ Moskva.

17. Các đ/c Ponomarenko P.K và Ignatov N.G. thôi giữ chức Bí thư TW vì chuyển sang công việc lãnh đạo trong HĐBT LX và đ/c Breznhev L.I chuyển sang làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Bộ Hải quân.

Sau đó đ/c Malenkov thông báo: Bộ chính trị giao nhiệm vụ cho các đ/c Malenkov, Beria và Khrusev áp dụng các biện pháp để những văn kiện và giấy tờ của đ/c Stalin có hiệu lực, cũng như các tài liệu lưu trữ được thực hiện trong trình tự cần thiết.

Đ/c Khrusev hỏi: các đ/c có câu hỏi nào không? (Những tiếng hô đồng thanh từ các vị trí: “Đồng ý và thông qua các đề nghị của Bộ chính trị”).

Đ/c Khrusev tuyên bố bế mạc hội nghị.

Lễ an táng thứ hai cho Stalin

Vào năm 1961, tướng Nicolai Zakharov lãnh đạo Cục 9 KGB, một đơn vị không chỉ bảo vệ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà còn làm những việc được “giao phó thật khó sử và đầy trách nhiệm”.

Sau Đại hội ĐCS Liên Xô lần thứ 22, Zakharov lãnh đạo “chiến dịch đưa thi hài Stalin” ra khỏi Lăng. Theo công việc, chính ông đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài “người cha nhân dân”. Tướng Nicolai Zakharov kể lại việc này diễn ra như thế nào.

Những năm sau Đại hội Đảng 20 là thời kỳ kinh hoàng biết bao. Sự phê bình tệ sùng bái cá nhân vẫn đang tiếp diễn, nhưng tính tích cực của các nhà hùng biện chưa nổi rõ như vài năm sau đó. Sự sợ hãi dường như bất ngờ giảm sút sau tấm chấn song, nhưng chưa biến mất hẳn trong những tầng lớp trên của xã hội. Đất nước cần thiết phải vượt qua “nỗi sợ hãi quay về” với quá khứ. Và khi đó N.S. Khrusev đã quyết định đưa Stalin ra khỏi Lăng.

Chiếc quan tài dành cho “người cha nhân dân”

Tướng Nicolai Zakharov kể: Chúng tôi cùng với Tư lệnh Bộ đội bảo vệ Lăng, trung tướng Bengeninyu đã biết về một quyết định được chuẩn bị từ trước. N.S. Khrusev gọi chúng tôi đến và nói:

Xin được nói ngay rằng, hôm nay có khả năng đưa ra quyết định về việc an táng lại Stalin. Vị trí đã được ấn định. Tư lệnh Lăng biết chỗ đào huyệt, N.S. Khrusev bổ sung thêm. Bằng quyết định của Đoàn Chủ tịch BCH TƯ ĐCS Liên Xô, một phái đoàn gồm 5 thành viên đã được thành lập, đứng đầu là Shvernik: Mzhavanadze – Bí thư thứ nhất TƯ ĐCS Gruzia, Dzhanvakhishvily – CTHĐBT Gruzia, Shelepin – CTKGB, Demichev – Bí thư thứ nhất Thành ủy Moskva và Dyugai – Chủ tịch BCH Hội đồng Moskva. Tiếp theo, Shvernik tập hợp chúng tôi lại và gợi ý tổ chức bí mật việc an táng lại như thế nào.

(Theo Quốc tế)

Việt Báo (Theo_VietNamNet)