Tin cập nhật: Phản ứng sau lời tuyên bố của ông Mark Toner về vụ Cù Huy Hà Vũ

On the net

Quyền Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ – Ông  Mark Toner

Thông cáo báo chí

BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ

Văn phòng Phát ngôn viên

Dành cho đăng tải ngay

ngày 4/4/2011

2011/524

Tuyên bố của Mark Toner – Quyền phó phát ngôn viên

Việt Nam:  Việc kết án nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ

Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc kết án 7 năm tù giam ngày 4/4 đối với nhà hoạt động Cù Huy Hà Vũ về tội “tuyên truyền chống chính phủ”. Chúng tôi cũng lo ngại về việc tiến hành phiên toà rõ ràng đã thiếu trình tự chuẩn mực, và việc tiếp tục giam giữ một số cá nhân đã tìm cách quan sát phiên toà một cách ôn hoà.

Việc kết án ông Vũ đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Việt Nam về nền pháp trị và cải cách. Không cá nhân nào đáng bị bỏ tù vì thực hiện quyền tự do ngôn luận.

Chúng tôi thúc giục chính phủ Việt Nam thả ngay lập tức Cù Huy Hà Vũ và tất cả các tù nhân lương tâm khác.

Bản tiếng Anh đọc tại đây

Một tuyên bố can thiệp công việc nội bộ Việt Nam

Ngày 5/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga đã trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước tuyên bố của Quyền Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên quan đến phiên tòa xét xử Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4.

Cù Huy Hà Vũ tại phiên tòa. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Bà Nga nói: “Đây là một tuyên bố can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết tại Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam.

Theo vietnamplus

Không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam

KTĐT – Ngày 5/4/2011, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước tuyên bố của Quyền Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liên quan đến phiên tòa xét xử Cù Huy Hà Vũ ngày 4/4/2011, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói:

“Đây là một tuyên bố can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Việt Nam là một Nhà nước pháp quyền. Việt Nam xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.

Tại Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, được quy định rõ trong Hiến pháp và trong các văn bản pháp luật khác, được tôn trọng và thực thi trên thực tế. Không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam”.

Theo Bộ Ngoại giao/Chinhphu.vn

Bản dịch: Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2010 – Phần nói về Việt Nam

On the net

Báo cáo về tự do tôn giáo quốc tế năm 2010

Do Cục Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 17/11/2010

Việt Nam

Hiến pháp quy định quyền tự do tôn giáo; tuy nhiên Chính phủ vẫn tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của nhiều nhóm tôn giáo.

Trong khoảng thời gian báo cáo này tường trình, việc tôn trọng quyền tự do tôn giáo và hành đạo tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề nghiêm trọng, trong đó bao gồm một số vụ việc chính quyền địa phương sách nhiễu và sử dụng vũ lực chống lại các nhóm tôn giáo tại một số khu vực và chậm trễ trong việc cấp đăng ký cho các chi hội Tin lành. Chính phủ đã triển khai thêm các biện pháp nhằm thực hiện Pháp lệnh Tôn giáo và Tín ngưỡng năm 2004 và các chính sách tôn giáo ban hành năm 2005 (gộp lại thành khung pháp lý của Chính phủ). Chính phủ cũng hỗ trợ xây dựng các nhà thờ, nhà nguyện, chùa chiền và các cơ sở đào tạo để tăng cường giáo dục cho hàng ngàn tăng ni, linh mục, nữ tu và mục sư. Các giáo đoàn mới đã được đăng ký tại nhiều tỉnh trên khắp 64 tỉnh thành trên cả nước. Chính phủ cũng cho phép các tổ chức tôn giáo mở rộng các hoạt động từ thiện. Thủ tướng Nguyễn Minh Triết đã hội kiến với Giáo hoàng Benedict XVI tại Tòa thánh Vatican. Việt Nam và Tòa thánh Vantican thống nhất sẽ bổ nhiệm một Đại diện không thường trú của Vatican tại Việt Nam, coi đây là động thái đầu tiên để tiến đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện giữa hai bên. Các giáo hội công giáo, các hội thánh Tin Lành và các giáo đoàn nhỏ hơn cho biết việc tụ họp và hành đạo nhìn chung đã được cải thiện, Chính phủ đã nới lỏng hạn chế về bổ nhiệm các chức sắc tôn giáo mới. Chính phủ cũng cho phép các Phật tử, tín đồ Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo và Tin Lành được tổ chức các buổi lễ tôn giáo lớn trên cả nước, một số sự kiện có đến trên 100.000 người tham gia.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong giai đoạn báo cáo này tường trình nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là ở cấp huyện và xã. Những vấn đề này bao gồm việc chậm trễ, trong một số trường hợp thậm chí còn không thực hiện việc đăng ký cho các giáo đoàn Tin Lành ở miền Bắc và Tây Bắc, nguyên nhân là do việc áp dụng không đồng bộ các thủ tục đăng ký. Sau năm năm trì hoãn việc đăng ký, đến nay chính quyền trung ương vẫn chưa chấp thuận bản dịch Kinh thánh bằng tiếng H’mông. Chính phủ vẫn duy trì vai trò chủ đạo trong việc kiểm soát tất cả các tôn giáo đã được chính thức công nhận. Các nhóm tôn giáo phải chịu những hạn chế khắt khe nhất khi tham gia vào các hoạt động mà Chính phủ cho là thách thức quyền lực của Đảng Cộng sản. Chính phủ tiếp tục không cho Phật tử Hòa Hảo và đạo Cao Đài đăng ký và ngăn chặn việc tham gia vào các giáo phái này do họ đã và đang ủng hộ các lực lượng chống lại Chính phủ. Chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất không được công nhận cho biết Chính phủ tiếp tục giám sát chặt chẽ các hoạt động của giáo hội và hạn chế việc đi lại của các chức sức giáo hội. Cũng có những trường hợp trong đó Chính phủ có tham gia hoặc cho phép sử dụng bạo lực chống lại các nhóm tôn giáo, trong đó có các vụ bạo lực đối với cộng đồng tín đồ phật giáo tại Làng Mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, sử dụng bạo lực quá mức khi phá hủy thánh giá làm bằng bê tông tại khu vực tranh chấp tại giáo xứ Đồng Chiêm. Tại giáo xứ Cồn Dầu, những người biểu tình chống lại việc thực hiện thỏa thuận đóng cửa nghĩa trang giữa chính quyền và giáo hội công giáo đã bị tạm giữ do bị buộc tội khuấy động bạo lực và bị đối xử hà khắc.

Trong khoảng thời gian báo cáo này tường trình, ít xảy ra các vụ bạo động xã hội có liên quan đến lý do tôn giáo, tín ngưỡng hay hành đạo. Nhiều tín đồ Công giáo và Tin Lành cho biết những người theo đạo Thiên Chúa bị phân biệt đối xử không chính thức khi ứng cử vào các vị trí trong Chính phủ.

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh nói chung đều duy trì đối thoại thường xuyên với các quan chức cấp cao cũng như các quan chức chuyên trách của Chính phủ nhằm thúc đẩy hơn nữa tự do tôn giáo. Các quan chức Hoa Kỳ cũng gặp gỡ và tiếp xúc thường xuyên với các chức sắc tôn giáo, kể cả các nhà hoạt động tôn giáo nằm trong danh sách theo dõi của Chính phủ. Ngoại trưởng Clinton và các quan chức khác của Bộ Ngoại giao đều bày tỏ quan ngại về tự do tôn giáo và kêu gọi cải thiện hơn nữa quyền tự tôn giáo. Tự do tôn giáo cũng là một vấn đề trọng tâm được đề cập đến trong Đối thoại Nhân quyền song phương Mỹ – Việt năm 2009.

Phần I: Các tôn giáo

Việt Nam có diện tích 127.000 dặm vuông với dân số khoảng 89,6 triệu người. Ước tính cho thấy có khoảng hơn một nữa dân số trên danh nghĩa theo Đạo Phật. Giáo hội Công giáo chiếm 7% dân số. Một số tổ chức của đạo Cao Đài chiếm 2,5 – 4% dân số, giáo phái Hòa Hảo chiếm 1,5 -3%, các hệ phái Tinh Lành chiếm 1-2% dân số, và Hồi giáo chiếm chưa đến 0,1% dân số. Hầu hết công dân còn lại đều tự nhận mình không theo tôn giáo nào, mặc dù nhiều người trong số họ vẫn giữ các tín ngưỡng truyền thống như thờ cúng tổ tiên và các anh hùng dân tộc.

Nhiều Phật tử theo trường phái kết hợp của Phật giáo Đại thừa, Đạo Lão và Nho giáo, hay còn được gọi là “tam giáo”. Ban Tôn giáo Chính phủ ước tính có khoảng 10 triệu người (11% dân số) theo Phật giáo Đại thừa, phần lớn là người Kinh (nhóm đa số của đất nước, còn được gọi là người Việt). Số lượng Phật tử ở một số vùng cao ít hơn, mặc dù việc người Kinh di cư đến các vùng này đang phần nào làm thay đổi sự phân bố tín đồ. Chỉ riêng ở thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 1000 chùa đang hoạt động. Cộng đồng người Khmer thiểu số ở miền Nam theo Phật giáo dòng Nam Tông có hơn 570 ngôi chùa. Với số lượng khoảng hơn 1 triệu người, họ hầu hết sống tập trung ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.

Năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công nhận chính thức ra đời, trên cơ sở sáp nhập tất cả các tổ chức Phật giáo Đại thừa, Nam Tông và Tiểu thừa lại với nhau. Tất cả các nhóm Phật giáo trong Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đều có đại diện tính theo tỷ lệ trong hàng ngũ lãnh đạo và trong tổ chức. Trên thực tế, các vị sư sãi dòng Nam Tông thường họp riêng để quyết định các vấn đề giáo lý, giáo dục và đưa ra những yêu cầu của cộng đồng này trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chính phủ yêu cầu tất cả các vị sư sãi, kể cả các vị sư người Khmer theo Phật giáo dòng Nam Tông phải được công nhận và hoạt động dưới sự quản lý của tổ chức Phật giáo được Chính phủ bảo trợ là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Về lý thuyết, Ban Tôn giáo Chính phủ có trách nhiệm quản lý số lượng tăng ni sinh, mặc dù số lượng các học viện Phật giáo ở cấp địa phương và tỉnh ngoài bốn học viện tương đương cấp đại học đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Kể từ khi sáp nhập tất cả các tổ chức Phật giáo vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chính phủ không công nhận tính hợp pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Có một số tổ chức có ảnh hưởng của Phật giáo mới được công nhận, mặc dù họ không thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong số này, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội có số lượng thành viên đông nhất với hơn 1,3 triệu Phật tử.

Ước tính cả nước có khoảng 8 triệu tín đồ Công giáo, còn theo con số thống kê của Chính phủ là 6,28 triệu người. Các tín đồ Công giáo sinh sống trên khắp mọi miền đất nước nhưng tập trung đông nhất ở các tỉnh miền Nam xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, một vài nơi ở Tây Nguyên và ở một số tỉnh thành ở phía Đông Nam Hà Nội. Trong những năm gần đây, Công giáo đã được khôi phục lại, nhiều nhà thờ đã được xây mới hoặc cải tạo lại, số lượng người muốn trở thành linh mục hoặc tu sĩ ngày càng gia tăng. Cả nước có 3 tổng giám mục, 44 giám mục và gần 4.000 linh mục tại 26giáo phận. Có trên 10.000 nơi thờ tự, trong đó có sáu chủng viện và hai cơ sở đào tạochức sắc tôn giáo. Theo Tòa thánh Vatican, số lượng chủng sinh chuẩn bị được thụ phong linh mục trong năm năm vừa qua đã tăng hơn 50%, hiện lên tới khoàng 1.500 người.

Theo Chính phủ, có khoảng 2,3 triệu tín đồ Cao Đài, trong khi con số do các chức sắc của đạo Cao Đài công bố là khoảng 3,9 triệu người. Các nhóm Cao Đài hoạt động sôi nổi nhất ở tỉnh Tây Ninh nơi tọa lạc “Tòa thánh” Cao Đài, ngoài ra còn có ở Thành phố Hồ Chí Minh và ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Đạo Cao Đài bao gồm nhiều giáo phái khác nhau, lớn nhất là phái Tây Ninh, chiếm hơn 40% dân số toàn tỉnh. Đạo Cao Đài là tôn giáo dung hợp các yếu tố của nhiều đức tin khác nhau.

Theo con số thống kê của Chính phủ, có 1,3 triệu tín đồ Hòa Hảo, trong khi con số do các chi nhánh ở hải ngoại thống kê lên đến 3 triệu người. Các tín đồ Hòa Hảo tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, nơi mà trước năm 1975 giáo phái Hòa Hảo nổi lên với tư cách là một lực lượng xã hội, chính trị và quân sự. Ban Trị sự Hòa Hảo được Chính phủ công nhận được thành lập năm 1999. Một số ít tín đồ Hòa Hảo theo các chi phái khác đối lập với Ban Trị sự Hòa Hảo chẳng hạn như Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy và Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Truyền thống.

Hai hội thánh Tin Lành lớn nhất được chính thức công nhận là Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc nhỏ hơn. Các hội thánh khác cũng đã chính thức được công nhận gồm có Hội thánh Báp-tít Ân điển Nam phương, Hội thánh Cơ đốc Truyền giáo, Hội thánh Mennonite miền Nam, Hội thánh Trưởng Lão Việt Nam, Hội thánh Báp-tít Việt Nam (Báp-tít miền Nam), Hội thánh Cơ đốc Phục lâm Việt Nam và Liên hữu Cơ đốc Việt Nam. Ngoài ra còn có các hệ phái Tin Lành khác như Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam (đã đăng ký chính thức) và Hội thánh Giám lý Liên hiệp Việt Nam và các hội thánh khác đã đăng ký ở địa phương nhưng chưa đăng ký ở cấp độ quốc gia. Ước tính số tín đồ Tin Lành dao động từ 1 triệu theo thống kê của Chính phủ đến trên 2 triệu theo ước tính của các giáo hội. Giai đoạn từ năm 1996 đến năm 2000 là giai đoạn số tín đồ Tin Lành tăng mạnh nhất. Một số tín đồ cải đạo mới thuộc các nhà thờ tại gia không đăng ký. Theo tính toán của các tín đồ, có đến 2/3 tín đồ Tin Lành là người dân tộc thiểu số, trong đó có các nhóm thiểu số vùng Tây Bắc (H’mông, Dao, Thái và các dân tộc khác) và ở Tây Nguyên (Ê-đê, Gia-rai, Sê-đăng, Mơ-nông và các dân tộc khác).

Số lượng tín đồ Hồi giáo khá ít ỏi, ước tính chỉ khoảng 60 đến 80 nghìn người, các nhà thờ Hồi giáo có mặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, phía tây tỉnh An Giang và các tỉnh duyên hải phía Nam. Chính phủ ước tính có khoảng 73.000 người theo đạo Hồi. Cộng đồng người Hồi giáo chủ yếu là người dân tộc Chăm, tuy nhiên ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang còn có một số tín đồ người Kinh và người di cư từ Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Ấn Độ. Khoảng 40% tín đồ Hồi giáo theo dòng Sunni, 60% còn lại theo dòng Bani, một dòng đạo Hồi riêng biệt của người Chăm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ.

Ngoài ra còn có một số cộng đồng tôn giáo nhỏ hơn, lớn nhất trong số này là cộng đồng người Hindu. Có khoảng 50.000 người Chăm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ theo một nhánh của đạo Hindu. Khoảng 4.000 người Hindu khác sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số là người Chăm nhưng phần lớn là người Ấn Độ hoặc thế hệ con cháu lai Việt – Ấn.

Ước tính có khoảng 7.200 tín đồ theo đạo Baha’i, chủ yếu tập trung ở miền Nam. Mặc dù đạo Baha’i có mặt tại Việt Nam từ trước năm 1975 nhưng từ năm 1975 đến năm 1992 đạo này bị cấm hành đạo công khai và chỉ được công nhận ở cấp độ quốc gia với tư cách là một tôn giáo mới vào năm 2008. Tháng 5/2010, hội Baha’i tổ chức đại hội toàn quốc lần thứ 3 với hơn 300 đại diện từ 73 giáo đoàn đã đăng ký.

Có khoảng 1000 tín đồ của Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô (hay còn gọi là giáo phái Mormons) sống rải rác trên cả nước. Giáo hội có hai giáo đoàn được công nhận ở cấp địa phương tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Có 55 giáo đoàn với khoảng 3.000 tín đồ thuộc phái Chứng nhân Giê-hô-va đang hoạt động tại 18 tỉnh thành trên cả nước. Có 32 địa điểm thờ tự được đăng ký ở cấp độ địa phương. Phần lớn các giáo đoàn đặt tại phía Nam, một nửa số tín đồ tại Thành phố Hồ Chí Minh và 500 tín đồ tại Hà Nội.

Thành phố Hồ Chí Minh có một nhà thờ Do Thái phục vụ khoảng 150 tín đồ Do Thái tại thành phố. Mặc dù hầu hết tín đồ đều là những người nước ngoài định cư nhưng giáo đoàn vẫn tiếp tục phát triển.

Có ít nhất 14 triệu người, chiếm khoảng 17% dân số hoặc hơn được cho là không theo một tôn giáo có tổ chức nào cả. Chính phủ không xếp những người chỉ đi chùa vào ngày lễ là tín đồ Phật giáo. Theo định nghĩa này, số người không theo đạo có thể cao hơn nữa và có thể lên đến 50 triệu người. Không có số lượng thống kê mức độ tham gia các nghi lễ tôn giáo, nhưng con số này được cho rằng vẫn đang tiếp tục tăng lên kể từ đầu thập niên 1990.

Các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Về mặt lịch sử, các dân tộc này có những truyền thống tín ngưỡng khác biệt với người Kinh. Ngày càng có nhiều người dân tộc H’mông, Dao, Giarai, Ê-đê, Mơ-nông, Thái và Sê-đăng ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên cải đạo sang đạo Tin Lành.

Phần II: Mức độ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Chính phủ

Khung pháp lý/chính sách

Hiến pháp, các văn bản pháp luật và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2003 về tôn giáo đều quy định quyền tự do theo hoặc không theo tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên cả trong chính sách và thực tế vẫn còn tồn tại các hạn chế. Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo 2004 (Pháp lệnh) là văn bản pháp luật cơ bản quy định về hoạt động tôn giáo. Pháp lệnh quy định công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo tôn giáo nào và nghiêm cấm việc xâm phạm quyền tự do đó. Tuy nhiên, Pháp lệnh cũng nhấn mạnh việc “lợi dụng” tự do tín ngưỡng tôn giáo nhằm mục đích “phá hoại hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước” là phạm pháp và cảnh báo sẽ đình chỉ các hoạt động tôn giáo nếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến các truyền thống văn hóa của dân tộc.

Pháp lệnh quy định Chính phủ có quyền quản lý và giám sát các tổ chức tôn giáo. Các giáo đoàn phải được chính thức công nhận hoặc đăng ký, và phải được các chính quyền “thích hợp” ở cấp thấp hơn chấp thuận hoạt động và lãnh đạo của từng giáo đoàn tôn giáo. Việc thành lập các chủng viện, tổ chức và tuyển sinh vào các lớp học tôn giáo cũng phải được các chính quyền địa phương chấp thuận. Việc bổ nhiệm linh mục hoặc các chức sắc tôn giáo khác phải được sự chấp thuận của chính quyền khi có sự liên quan của các tổ chức tôn giáo nước ngoài cấp cao, chẳng hạn như Tòa thánh Vantican. Pháp lệnh nghiêm cấm ép buộc cải đạo. Pháp lệnh quy định các tổ chức tôn giáo chỉ cần thông báo với các cấp chính quyền phù hợp về các hoạt động thường niên hoặc về việc phong chức hay thuyên chuyển giáo sĩ mà không cần phải được sự chấp thuận của chính thức của chính quyền như trước đây. Pháp lệnh cũng khuyến khích các nhóm tôn giáo tổ chức các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực y tế và giáo dục, hai lĩnh vực trước đây bị hạn chế.

Năm 2005, Thủ tướng ban hành “Chỉ thị về một số công tác đối với đạo Tin Lành” (Chỉ thị), yêu cầu các cấp chính quyền hỗ trợ các giáo hội Tin Lành đã được công nhận xây dựng nhà thờ, đào tạo và bổ nhiệm mục sư, đồng thời chỉ đạo các cấp chính quyền phải giúp đỡ những giáo đoàn chưa được công nhận đăng ký để họ có thể hành đạo công khai, từ đó tiến đến đáp ứng các yêu cầu để được công nhận đầy đủ. Chỉ thị hướng dẫn các cấp chính quyền ở Tây Nguyên và Tây Bắc giúp đỡ các nhóm tín đồ Tin Lành đăng ký các hoạt động tôn giáo và hành đạo tại nhà hoặc tại “các địa điểm phù hợp”, ngay cả khi họ chưa đáp ứng đủ điều kiện để thành lập một giáo đoàn chính thức, chẳng hạn như điều kiện về số lượng tín đồ tối thiểu. Chỉ thị cũng hướng dẫn cán bộ địa phương cho phép các “nhà thờ tại gia” chưa đăng ký được hoạt động nếu họ “cam kết tuân thủ các quy định” và không liên kết với các phong trào chính trị ly khai.

Năm 2005, Nghị định số 22 cũng được ban hành, hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo. Nghị định quy định chi tiết thủ tục để một tổ chức tôn giáo chưa được công nhận đăng ký nơi thờ tự, các giáo sĩ, các hoạt động của tổ chức và từ đó có thể hoạt động công khai. Nghị định cũng hướng dẫn thủ tục để các nhóm này đăng ký để được Chính phủ công nhận chính thức để hưởng thêm các quyền lợi khác. Nghị định quy định cụ thể một tổ chức tôn giáo phải có 20 năm “hoạt động tôn giáo ổn định” ở Việt Nam mới được Chính phủ công nhận chính thức, các hoạt động trong quá khứ cũng được tính để đạt được mức yêu cầu này. Nghị định còn quy định khung thời gian cụ thể để Chính phủ xem xét đơn đề nghị của các nhóm tôn giáo và yêu cầu cán bộ chuyên trách phải giải thích bằng văn bản trong trường hợp bác đơn.

Nghị định 22 cũng quy định các thủ tục các tổ chức tôn giáo và từng giáo đoàn phải thực hiện để được chính thức công nhận. Về nguyên tắc, các giáo đoàn được công nhận sẽ được phép mở cửa, hoạt động và tu bổ lại nơi thờ tự, đào tạo chức sắc và được xin phép xuất bản tài liệu. Để được công nhận chính thức, giáo đoàn đó phải đăng ký ở cấp quốc gia, theo khung pháp lý thì phải trải qua một số thủ tục thì mới đăng ký được ở cấp độ này. Thứ nhất, tổ chức tôn giáo đó phải đệ đơn và được chấp thuận đăng ký ở khu vực hành chính nơi họ hoạt động. Tổ chức đó phải gửi thông tin về cơ cấu, lãnh đạo và hoạt động của mình đến các cấp chính quyền địa phương có thẩm quyền. Chính quyền có 45 ngày để chất vấn hoặc nêu lên các quan ngại. Thời gian xét đăng ký ở cấp quốc gia là 60 ngày. Ban Tôn giáo Chính phủ phải cấp giấy phép trước khi một tổ chức được xem là đã đăng ký. Sau khoảng một năm đăng ký ở cấp độ quốc gia, nhóm tôn giáo đủ điều kiện có thể đệ đơn xin công nhận chính thức về mặt pháp lý sau khi tổ chức hội nghị toàn quốc để bầu ra ban lãnh đạo. Các chức sắc, cơ cấu, hiến chương và hoạt động của tổ chức tôn giáo này phải được Chính phủ thông qua.

Nghị định còn quy định rằng các cấp có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản đối với các đơn xin công nhận chính thức của các tổ chức tôn giáo trong vòng 30, 45, 60 hoặc 90 ngày tùy theo phạm vi của đơn đề nghị. Trong trường hợp bác đơn, văn bản phúc đáp cần nêu rõ lý do, tuy nhiên quy định này có vẻ như không được áp dụng một cách nhất quán. Pháp lệnh không quy định cơ chế cụ thể về việc xem xét lại cũng như lý do từ chối.

Nghị định 22 và Luật Đất đai quy định các giáo hội không được mua đất với tư cách pháp nhân, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh phải cấp đất và chấp thuận việc xây dựng các cơ sở tôn giáo mới. Thường thì một thành viên giáo đoàn sẽ mua đất rồi chuyển nhượng cho tỉnh, đất sau đó được cấp cho giáo hội. Giáo hội cũng phải thông báo cho chính quyền về việc trùng tu hay nâng cấp các cơ sở tôn giáo, tuy nhiên có thể không phải xin phép tùy theo mức độ trùng tu. Nghị định quy định chính quyền phải phúc đáp đơn xin phép xây dựng trong vòng 20 ngày.

Ban Tôn giáo Chính phủ cấp quốc gia có trách nhiệm phổ biên thông tin về khung pháp lý tôn giáo cho các cấp chính quyền ở tỉnh, huyện, thôn, xã để đảm bảo khung pháp lý được áp dụng đồng bộ. Việc thực hiện khung pháp lý ở các cấp chính quyền thấp hơn vẫn còn phức tạp. Trong thời gian báo cáo này tường trình, các chính quyền cấp trung ương và tỉnh đã tổ chức các khóa tập huấn cho các cán bộ ở cấp thấp hơn về các bộ luật mới để họ nắm rõ và tuân thủ đúng theo Pháp lệnh.

Chính phủ không chính thức ưu tiên một tôn giáo cụ thể nào. Hầu hết tất cả các cán bộ cấp cao của Đảng và Chính phủ cũng như phần lớn các đại biểu Quốc hội đều chính thức “không theo tôn giáo nào”. Nhiều cán bộ Đảng và Chính phủ công khai thờ cúng tổ tiên và đi chùa; tuy nhiên chỉ có một số cán bộ đi thăm viếng các chùa Phật giáo hay chùa Cao Đài. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định có hàng chục nghìn hoặc hơn trong số ba triệu Đảng viên theo đạo. Vị thế nổi trội truyền thống của đạo Phật không ảnh hưởng tiêu cực đến quyền tự do tôn giáo của những người khác, kể cả những người không theo tôn giáo nào.

Việc theo tín ngưỡng tôn giáo nhìn chung không ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cá nhân trong đời sống dân sự, kinh tế và thế tục, tuy vậy nó có thể cản trở việc thăng tiến của các quan chức trong Đảng và quân đội. Những người theo đạo thuộc các nhóm tôn giáo khác nhau vẫn giữ các vị trí trong chính quyền địa phương và cấp tỉnh và là đại biểu Quốc hội. Một số tổ chức tôn giáo chẳng hạn như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các chức sắc tôn giáo và các tín đồ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, một tổ chức xã hội chính trị rộng lớn của Đảng Cộng sản. Các quan chức Chính phủ cấp cao thường chúc mừng và đến thăm nhà thờ vào dịp Giáng sinh và Phục sinh cũng như tham dự các hoạt động trong ngày lễ Phật Đản.

Chính phủ chính thức công nhận các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài, Baha’i, Hồi giáo, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội, Minh Lý Đạo Tam tông miếu và Phật đường Nam tông Minh sư Đạo là các tổ chức tôn giáo. Từng giáo đoàn trực thuộc các nhóm tôn giáo đã được công nhận nêu trên cũng phải đăng ký. Một số Phật tử, tín đồ Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài khác không tham gia các tổ chức tôn giáo đã đăng ký hoặc được chính phủ công nhận.

Chính phủ cho phép các vị chức sắc tôn giáo được đi lại vì các mục đích tôn giáo, nhưng khi họ muốn ra nước ngoài tham dự hội nghị hoặc các khóa tập huấn thì phải được chính quyền cho phép. Các tín đồ Hồi giáo được dự lễ hành hương về thánh địa Méc-ca, các chức sắc Phật giáo, Công giáo và Tin Lành nhìn chung được phép ra nước ngoài học tập và dự hội nghị. Các chức sắc Công giáo thường xuyên tới Vatican để tham vấn. Các chức sắc tôn giáo không chính thức khác thường xuyên ra nước ngoài.

Chính phủ yêu cầu tất cả các ấn phẩm tôn giáo đều phải thông qua Nhà xuất bản Tôn giáo hoặc các nhà xuất bản thuộc sự quản lý của Chính phủ ấn hành sau khi Chính phủ đã duyệt nội dung ấn phẩm. Từ năm 2006 đến năm 2008, Nhà xuất bản Tôn giáo đã xuất bản gần 1.800 đầu sách và các ấn phẩm khác với tổng cộng 4,5 triệu bản. Số liệu này chưa được cập nhật tính đến thời gian báo cáo. Kinh thánh, kinh phật và các ấn phẩm tôn giáo khác đã được xuất bản và phát hành công khai. Kinh thánh được xuất bản bằng tiếng Việt, Trung Quốc, tiếng Ê-đê, Giarai, Banar, Mơ-nông và tiếng Anh. Kinh thánh cũng được xuất bản bằng tiếng dân tộc Bana, Ê-đê, K’hor và Giarai, tuy vậy Chính phủ vẫn chưa phê duyệt việc xuất bản Kinh thánh bằng tiếng H’mông. Từ năm 1994, sau khi được Chính phủ cấp phép, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam đã phân phối 50.000 cuốn Kinh bằng tiếng Việt, tiếng K’hor và tiếng Ê-đê.

Điều 35 của Nghị định quy định các nhóm truyền giáo nước ngoài phải được phép của Chính phủ khi truyền đạo và hoạt động đó phải được một tổ chức tôn giáo quốc gia hoặc địa phương bảo trợ. Nghị định không cho phép hoạt động truyền giáo công khai ngoài các trung tâm thờ tự được công nhận. Một số nhà truyền giáo đã đến Việt Nam bất chấp lệnh cấm chính thức và tiến hành các hoạt động truyền giáo không chính thức.

Việt Nam không có ngày lễ tôn giáo quốc gia.

Chính phủ không cho phép giảng dạy tôn giáo ở các trường học công nhưng lại cho phép giới tăng lữ dạy ở các trường đại học những bộ môn họ có đủ trình độ chuyên môn. Các hòa thượng được giảng dạy tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – trường chính trị chính của Đảng Cộng sản, những người theo Công giáo được giảng dạy ở các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên họ không được mặc lễ phục khi giảng dạy và không được xưng là người tu hành. Các nhóm Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo và Phật giáo được thuyết giảng về tôn giáo cho trẻ em. Hoạt động giảng dạy công giáo được phép tiến hành vào cuối tuần hoặc các buổi tối ở hầu hết các khu vực và đã gia tăng trong những năm gần đây. Các Phật tử Nam Tông người Khmer và các tín đồ Hồi giáo người Chăm thường xuyên tổ chức các lớp học tôn giáo và ngôn ngữ ngoài giờ học chính khóa tại các chùa và nhà thờ của họ. Các nhóm tôn giáo không được phép điều hành các trường tư ngoại trừ các trường mầm non. Thần học không được giảng dạy chính thức ở trường học.

Việc có theo đạo hay không không được ghi trên chứng minh thư nhân dân và hộ khẩu gia đình. Trên thực tế, nhiều người theo đạo lựa chọn không ghi tôn giáo của mình trên chứng minh thư, và do vậy Chính phủ coi họ là những người không theo đạo. Mặc dù có thể thay đổi mục tôn giáo trên chứng minh thư nhưng những người cải đạo thấy rằng các thủ tục chuyển đổi thường rất phức tạp hoặc lo sợ chính quyền phạt. Chính phủ không quy định ghi tôn giáo trong hộ chiếu.

Các biện pháp hạn chế tự do tôn giáo

Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo được quy định trong hiến pháp vẫn được giải thích và thực hiện một cách không đồng bộ. Các hành động của Chính phủ và trở ngại từ bộ máy công quyền đã hạn chế quyền tự do tôn giáo.

Số lượng các cá nhân và các nhóm tôn giáo được Chính phủ cho phép hành đạo nhìn chung tăng lên, hầu hết các nhóm tôn giáo cho biết việc tụ họp để hành đạo đã dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, Chính phủ yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký mọi hoạt động và sử dụng yêu cầu này để hạn chế và cản trở tín đồ tham gia các nhóm tôn giáo chưa được công nhận, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt nam thống nhất và một số nhóm Tin Lành, Hòa Hảo và Cao Đài.

Do thiếu quy trình pháp lý đúng đắn và kiểm soát nên các hoạt động tôn giáo có thể bị phụ thuộc vào các quan chức địa phương. Trong một số trường hợp, các quan chức địa phương đã thông báo với các chức sắc tôn giáo rằng các bộ luật của quốc gia không được áp dụng trong địa bàn của họ. Trong một số trường hợp, các nhóm Tin Lành đã được công nhận và chưa được công nhận đã vượt qua được các sách nhiễu từ phía chính quyền địa phương, hay lật ngược lại các quyết định tiêu cực sau khi khiếu nại lên chính quyền ở cấp cao hơn.

Hàng trăm điểm nhóm thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc vẫn đang chờ chính quyền giải quyết đơn đăng ký của mình. Lý do khiến việc đăng ký bị chậm trễ hoặc bị bác đơn thường là do các cản trở về mặt hành chính, chẳng hạn như khai mẫu chưa đúng thủ tục hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ. Chính quyền địa phương cũng đưa ra các quan ngại mơ hồ về vấn đề an ninh và nói rằng quyền lực chính trị của họ có thể bị đe dọa, hoặc rằng sẽ xảy ra xung đột giữa những tín đồ truyền thống và những người mới cải đạo sang Thiên chúa giáo.

Ở nhiều tỉnh thành, các hội thánh Tin Lành bị yêu cầu phải nộp danh sách tất cả những người hành đạo và coi đây là một thủ tục trong quá trình đăng ký, mặc dù khung pháp lý tôn giáo không yêu cầu phải cung cấp thông tin này. Thông lệ này dường như đang ngày càng lan rộng. Trong một số trường hợp, chính quyền đã bỏ yêu cầu này khi bị các nhóm đăng ký phản đối, trong một số trường hợp khác thì vẫn được giữ nguyên và khiến cho quá trình đăng ký bị chậm lại.

Ở tỉnh Đắc Lắc, gần 90 “điểm nhóm” của Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam vẫn chưa được đăng ký mặc dù các công chức Chính phủ cho biết một nửa trong số này sẽ nhận được đăng ký vào cuối năm 2010.

Vẫn còn các trở ngại khác đối với sự phát triển và hoạt động đào tạo tôn giáo. Các nhóm tôn giáo được chính thức công nhận còn gặp phải một số khó khăn khi xin giấy phép hoặc xuất bản tài liệu giảng dạy, mở rộng cơ sở đào tạo, truyền bá tín ngưỡng, xây dựng nơi thờ tự và mở rộng đào tạo tăng lữ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các giáo đoàn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tiếp tục nới lỏng các hạn chế này so với những năm trước.

Không có quy định chính thức nào ngăn cấm việc cải đạo, tuy nhiên các thủ tục phức tạp trong quá trình cấp chứng minh thư mới với tôn giáo mới đã khiến một số cá nhân cải đạo không thay đổi chứng minh thư.

Những tín đồ thuộc các nhóm tôn giáo không chính thức không được công khai phát ngôn về tôn giáo của mình, tuy nhiên một số tín đồ vẫn tổ chức đào tạo tôn giáo và hành lễ mà không bị sách nhiễu. Tín đồ thuộc các tổ chức tôn giáo đã đăng ký được phép công khai tín ngưỡng của mình và có thể thuyết phục những người khác theo tôn giáo của họ nhưng chỉ ở các địa điểm đăng ký thờ tự. Chính phủ kiểm soát tất cả các hình thức tụ họp nơi công cộng, tuy nhiên một số buổi tụ họp tôn giáo quy mô lớn vẫn được cho phép tổ chức.

Chính phủ vẫn tiếp tục cản trở các hoạt động từ thiện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và hạn chế việc đi lại của một số chức sắc của Giáo hội, tuy vậy Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn đang điều hành nhiều chùa mà không bị hạn chế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã tổ chức một số sự kiện lớn kỷ niệm lễ Phật Đản, hầu hết đều diễn ra suôn sẻ. Pháp chủGiáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đến Huế và có bài thuyết pháp trong một dịp lễ với hơn 700 phật tử tham dự. Tháng 4, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất gồm 40 hòa thượng đã phản đối Giáo hội Phật giáo Việt Nam và yêu cầu Chính phủ phải hoàn trả lại toàn bộ tài sản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và kêu gọi thành lập một bộ máy dân chủ ở Hà Nội. Như trong báo cáo của các năm trước, các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị buộc phải hạn chế đi lại, mặc dù họ vẫn được tiếp đón các nhà ngoại giao nước ngoài đến thăm và được gặp gỡ các thành viên khác trong Giáo hội cũng như giữ liên lạc với các hội đoàn ở nước ngoài; tuy nhiên, những hoạt động này vẫn bị giám sát chặt chẽ. Tháng 3, một người nước ngoài sau khi phỏng vấn Hòa thượng Thích Quảng Độ để thực hiện một bộ phim đã bị tạm giữ và bị cảnh sát thẩm vấn. Các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở cấp tỉnh trên khắp khu vực phía Nam cho biết họ vẫn bị các nhà chức trách địa phương theo dõi. Hoà thượng Thích Quảng Độ, Pháp chủGiáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất khẳng định ông được phép rời khỏi chùa để đi khám bệnh một hoặc hai lần mỗi tháng và có thể gặp gỡ những người khác bên ngoài chùa.

Chính phủ tiếp tục theo dõi và cản trở hoạt động của một số nhóm tôn giáo có hoạt động chính trị. Theo Hiến pháp, một số điều khoản an ninh quốc gia và đoàn kết dân tộc được đề cao hơn luật và các quy định về tự do tôn giáo, Chính phủ đã viện dẫn các điều khoản này nhằm cản trở các cuộc tụ họp tôn giáo và nỗ lực phổ biến tín ngưỡng tôn giáo cho các nhóm dân tộc thiểu số của các tín đồ.

Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 1997 quy định hình phạt cho các tội danh mơ hồ như “cố tình phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” bằng cách “gây chia rẽ giữa những người theo đạo và không theo đạo”. Chính phủ tiếp tục hạn chế các hoạt động có tổ chức của các nhóm tôn giáo độc lập và các cá nhân bị coi là mối đe dọa đối với quyền lực của Đảng.

Năm 1999, Chính phủ đã thành lập và công nhận một cơ quan chính thức của đạo Hòa Hảo là Hội đồng Trị sự Hòa Hảo. Một số chức sắc trong cộng đồng Hòa Hảo, bao gồm một số chức sắc thời kỳ trước năm 1975 đã công khai chỉ trích Hội đồng này là quỵ lụy Chính phủ. Các nhóm Hòa Hảo bất đồng đã thành lập hai giáo hội nhỏ hơn là Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Truyền thống và Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy. Những tín đồ này phải chịu một số hạn chế về hoạt động tôn giáo và chính trị từ năm 1975, một phần là do Đảng Cộng sản vẫn quan ngại các hoạt động vũ trang chống đối của họ từ thời thực dân Pháp còn cai trị và lo ngại tôn giáo này có liên quan đến các nhóm bất đồng chính kiến.

Chính phủ vẫn lo ngại một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang điều hành một “Giáo hội Đề-ga” tự phong, tổ chức bị cho là kết hợp hoạt động tôn giáo và chính trị và kêu gọi cộng đồng thiểu số ly khai. Sự nghi ngờ này đã làm phức tạp và chậm trễ quá trình đăng ký của các giáo hội khác trong khu vực. Hội Thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và các nhà thờ tại gia ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Rai, Kon Tum, Bình Phước và Đắc Nông vẫn bị chính quyền giám sát chặt chẽ do lo ngại họ sẽ liên kết với các nhóm ly khai ở nước ngoài.

Nhà xuất bản Tôn giáo vẫn chưa giải quyết đề nghị đã đưa ra từ lâu là cho phép in Kinh thánh bằng tiếng H’mông. Sự chậm trễ này là do Chính phủ hiện chỉ công nhận bản Kinh bằng tiếng H’mông cổ, thứ tiếng mà ngày nay đã không còn thông dụng và người H’mông thường không đọc được. Bản dịch mới sử dụng ngôn ngữ H’mông hiện đại hơn.

Chính phủ cho phép, trong một số trường hợp còn khuyến khích các cơ quan tôn giáo được chính thức công nhận liên kết với các nhóm theo cùng tôn giáo ở nước ngoài; Tuy nhiên, Chính phủ ngăn chặn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tiếp xúc với những Phật tử ủng hộ họ ở nước ngoài. Việc tiếp xúc giữa một số nhóm Tin Lành chưa được công nhận và các tín đồ ủng hộ họ ở nước ngoài đôi khi bị ngăn cản nhưng các hoạt động này vẫn diễn ra thường xuyên, kể cả đào tạo, hỗ trợ tài chính và cung cấp tài liệu tôn giáo. Chính phủ vẫn chỉ trích việc những tín đồ Tin Lành “Đề-ga” li khai ở Tây Nguyên với những người ủng hộ ở hải ngoại.

Các cơ quan truyền thông của nhà nước công khai chỉ trích các chức sắc tôn giáo, trong đó có Tổng giám mục Giáo phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt và Thiền sư Thích Nhất Hạnh do bất đồng với chính quyền địa phương về vấn đề quyền sử dụng đất đai hoặc các chính sách tôn giáo. Cụ thể, các tờ báo của Đảng Cộng sản đã đưa tin cáo buộc Thiền sư Thích Nhất Hạnh có quan hệ tình dục bất chính với một vị sư nữ. Họ cũng tuyên bố là Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt là “không yêu nước” và “chống đối Chính phủ”. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã gửi thư đến Tòa thánh Vantican yêu cầu thuyên chuyển Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt về nước. Đến tháng 5, đơn của Tổng giám mục Ngô Quang Kiệt gửi Vantican xin từ chức vì lý do sức khỏe đã được chấp thuận.

Việc giải quyết các yêu cầu hoàn trả tài sản cho tất cả các giáo hội bao gồm Giáo hội Công giáo, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chính quyền cấp tỉnh đã hoàn trả lại một số tài sản của các tổ chức tôn giáo bị tịch thu sau năm 1975 nhưng chỉ với một lượng rất ít ỏi, các tài sản còn lại hiện vẫn đang được tiếp tục thương lượng giải quyết. Rất nhiều cơ sở đất đai bị tịch thu trước kia là trường học và bệnh viện, hiện tại đã được sáp nhập vào hệ thống trường học và bệnh viện công.

Vấn đề đất đai còn trở nên phức tạp hơn do yếu tố lịch sử và tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt là khi Chính phủ đã đặt ưu tiên việc phát triển nhanh chóng. Rất nhiều cá nhân và hầu như tất cả các tổ chức tôn giáo hoạt động từ trước năm 1975 đều vướng phải các vụ tranh chấp đất đai chưa được giải quyết xuất phát từ việc quốc hữu hoá tài sản của tư nhân sau chiến tranh. Một số vụ tranh chấp còn phức tạp hơn do một số mảnh đất của các chùa Phật giáo lại được giao cho giáo đoàn Công giáo sử dụng trong thời kỳ thực dân Pháp cai trị. Năm 2009, Chính phủ và Giáo hội Công giáo đã nhất trí trao trả lại bốn mảnh đất nhưng các tài sản khác hiện vẫn chưa được giải quyết.

Ở tỉnh Nghệ An, các cán bộ địa phương đã bán một phần đất của Nhà thờ Cầu Rầm cũ để xây khu căn hộ phức hợp. Năm 1968, khu vực này bị đánh bom, đến năm 1996 thì chính quyền tỉnh thu hồi lại nhà thờ và lấy làm khu tưởng niệm để “lưu giữ và bảo tồn cho thế hệ tương lai về di tích tội ác của Đế quốc Mỹ”. Tháng 5 năm 2010, hàng ngàn tín đồ Công giáo đã tổ chức Thánh lễ tại đây để biểu tình phản đối việc chính quyền bán đất để xây dựng khu cao ốc.

Tháng 5 năm 2010 tại Đà Nẵng, đã xảy ra xung đột giữa cảnh sát và các tín đồ Công giáo tại một nghĩa trang ở xã Cồn Dầu. Trước đó chính quyền đã sử dụng quyền hạn của mình để thu hồi khu đất và phát triển khu vực này thành khu nghỉ dưỡng sinh thái. Sáu giáo dân được báo cáo là bắt đầu cuộc xung đột với cảnh sát đã bị bắt giữ và đang chờ đưa ra xét xử vào cuối năm. Đã có những báo cáo cho thấy những người này đã bị đối xử rất khắc nghiệt. Bản tường trình về vụ việc này cũng rất khác nhau, ngay cả giữa bản của các giáo dân và các chức sắc Công giáo.

Tháng 3 năm 2010, các phương tiện truyền thông đại chúng của nhà nước đã công bố hai chức sắc của nhóm Hòa Hảo chưa được công nhận ở Cần Thơ là Đặng Thành Định và Đặng Văn Nghĩa phạm tội chống lại Chính phủ và đã bị bắt giữ. Hai chức sắc này đứng đầu một chi hội tôn giáo lớn với 700 tín đồ và vẫn tiếp tục phát triển. Các cán bộ địa phương cũng đã hành động theo công bố trên. Cũng trong tháng 3, sáu tín đồ đạo Hòa Hảo Thuần túy, một nhóm tôn giáo có liên quan cũng thông báo rằng họ bị công an tỉnh Đồng Tháp hành hung và phạt vì hành lễ.

Tháng 1/2010 tại Hà Nội, hàng trăm cảnh sát đã phá dỡ cây thánh giá bằng bê tông đặt trên đỉnh một quả đồi lớn gần giáo xứ Đồng Chiêm. Ở dưới chân quả đồi này là một nghĩa trang Công giáo.

Tháng 11/ 2009 tại Đà Lạt, chính quyền đã phá dỡ một phần nghĩa trang Công giáo xây dựng năm 1964 và đến năm 1980 thì bị chính quyền tịch thu. Giáo hội đã nhiều lần đề nghị chính quyền trao trả lại nghĩa trang cho giáo hội sử dụng làm cơ sở đào tạo các linh mục địa phương, nhưng chính quyền lại chuyển đổi mảnh đất thành một công viên văn hóa. Tương tự, chính quyền đã phá dỡ Tu viện Dòng thánh Phaolô ở Vĩnh Long và biến diện tích đất này thành quảng trường. Giám mục Thomas Nguyễn Văn Tân ở Vĩnh Long đã chỉ trích mạnh mẽ hành động này và cho biết ông chỉ được biết về quyết định phá dỡ này sau khi đọc được thông tin đăng tải trên một tờ báo địa phương.

Tháng 9/2009 tại tỉnh Quảng Bình, một số giáo dân bị bắt giữ do bị cáo buộc liên quan đến các cuộc biểu tình tại Nhà thờ Tam Tòa cũ đã được thả. Cũng trong tháng 9, chính quyền đã hoàn tất việc phục hồi tháp chuông chính bị hư hại trong các cuộc đánh bom năm 1968.

Tháng 9/2009, một nhà thuyết pháp người dân tộc thiểu số và Hội thánh Truyền giảng Phúc âm ở tỉnh Phú Yên đã bị cảnh sát cấp huyện và xã khiển trách vì đã dẫn đầu giáo hội điều hành một trường học Kinh thánh trái phép. Tháng 7/2009, các giáo hội của Hội thánh Phúc Âm Ngũ tuần ở tỉnh Nghệ An cũng gặp phải những khó khăn tương tự khi cán bộ và cảnh sát địa phương đóng cửa một chi hội của cộng đồng dân tộc thiểu số và ngăn cản việc truyền bá đạo Phúc Âm cho các dân tộc thiểu số khác.

Tháng 7/2009, Chính phủ đã phê duyệt việc phá dỡ Tu viện dòng Chúa Cứu thế tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tu viện này được xây dựng năm 1959, nhưng đến năm 1978 thì bị Chính phủ tịch thu. Các giáo dân theo dòng Chúa Cứu thế ở địa phương đã kiến nghị đòi trả lại tu viện nhưng chính quyền đã không đưa ra bất kỳ một hồi đáp nào.
 
Các tín đồ Tin Lành cũng gặp phải các vấn đề về đất đai. Chính phủ chỉ trả lại một phần nhỏ các tài sản đã bị tịch thu cho các tổ chức Tin Lành đã được công nhận, các tranh chấp khác vẫn chưa được giải quyết. Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam vẫn tiếp tục đòi trả lại hơn 250 khu đất, các hệ phái khác cũng đang tích cực đòi lại các khu vực đã bị tịch thu trước năm 1975 ở miền Nam.

Tương tự, tháng 4/2010, một thánh thất Cao Đài ở tỉnh Ninh Thuận cũng bị phá dỡ để xây dựng trường mẫu giáo. Thánh thất này được xây dựng năm 1950, đến năm 1987 thì Chính phủ đóng cửa. Sau đó thánh thất này được sử dụng làm tòa nhà văn phòng tạm thời của chính quyền trong vòng hai năm trước khi đóng cửa. Các tín đồ Cao Đài địa phương đã nhiều lần đề nghị quan chức tỉnh trả lại nhưng đều thất bại.

Mặc dù Pháp lệnh Tín ngưỡng và Tôn giáo khuyến khích các tổ chức tôn giáo tổ chức các hoạt động từ thiện trong lĩnh vực giáo dục và y tế, nhưng mức độ giám sát của chính quyền đối với các hoạt động này khác nhau tùy theo từng địa phương. Ở một số vùng, đặc biệt là miền Nam, các linh mục và nữ tu Công giáo đã mở các nhà trẻ, các trại trẻ mồ côi, các trung tâm dạy nghề, cơ sở y tế và tham gia vào nhiều chương trình nhân đạo khác. Tuy nhiên hoạt động mà không có cơ sở pháp lý cũng đã khiến giáo hội gặp phải một số khó khăn nhất định. Hai trung tâm này không thể xin được giấy khai sinh hợp pháp cho các trẻ em mà Giáo hội chăm sóc, cũng không thể đưa các em vào học ở các trường công. Các hoạt động từ thiện của các nhóm tôn giáo ở miền Bắc còn tương đối bị hạn chế hơn nữa.

Cảnh sát thường xuyên ngăn cản những người hành lễ từ các thánh thất và các cơ sở có liên quan đến Giáo hội Phật giáo Hòa hảo Thuần túy ở An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Cần Thơ, nhất là vào những ngày lễ như Tết nguyên đán, kỷ niệm ngày mất của giáo chủ khai sáng nên Phật giáo Hòa Hảo.

Một số tín đồ người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên – đặc biệt ở những vùng bị nghi là có liên quan đến “Giáo hội Đề-ga” tiếp tục bị ngăn cản không cho tụ họp hành đạo. Báo cáo về các vụ việc xảy ra đã giảm đáng kể so với những năm trước và có vẻ như phản ảnh sự thiên vị cá nhân ở cấp địa phương chứ không phải do chính sách của chính quyền trung ương. Trong một số vụ, cán bộ địa phương có liên quan đã xin lỗi và bị khiển trách hoặc bãi nhiệm.

Cũng như những năm trước đây, có dấu hiệu cho thấy các cán bộ tỉnh khiển trách cán bộ địa phương vì sách nhiễu các nhà thờ tại gia do vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng về đạo Tin Lành. Trong một số vụ việc xảy ra ở tỉnh Trà Vinh, có tin là chính quyền địa phương gây khó khăn cho các nhóm tôn giáo gửi đơn đăng ký. Các hội thánh Tin Lành khác ở Hà Giang, Quảng Ngãi, Long An, Bình Dương và Đồng Nai cũng cho biết họ bị các cán bộ địa phương gây khó khăn khi nộp đơn.

Lạm dụng tự do tôn giáo

Báo cáo về các trường hợp lạm dụng tự do tôn giáo vẫn giữ ở mức độ tương tự so với năm ngoái. Một số tín đồ tôn giáo tiếp tục bị đàn áp hoặc sách nhiễu, đặc biệt là những người chưa đăng ký hoặc chưa được công nhận về mặt luật pháp. Trong một số vụ việc, cán bộ địa phương hạn chế các cuộc tụ họp của các giáo hội, đóng cửa các nhà thờ tại gia và buộc các tín đồ phải cải đạo.

Khung pháp lý về tôn giáo vẫn chưa được triển khai đồng bộ, đặc biệt là ở Tây Bắc và Tây Nguyên. Nhiều mục sư và linh mục cho biết công an và các nhà chức trách khác đã không tuân thủ đầy đủ các bộ luật sửa đổi. Một số tín đồ Tin Lành ở những vùng này cho biết cán bộ địa phương thường lấy lý do pháp luật để ngăn chặn hoặc làm phức tạp hóa việc đăng ký.

Một số nhà thờ tại gia nhỏ có liên hệ với Liên đoàn Truyền giáo Phúc âm tiếp tục cho biết họ gặp khó khăn ở một số địa bàn thuộc tỉnh Điện Biên. Trong những năm vừa qua, công an đã tích cực giải tán các cuộc tụ họp của các tín đồ, chính quyền địa phương từ chối không đăng ký các điểm nhóm và gây áp lực buộc các tín đồ phải cải đạo.

Ông Nguyễn Thành Năm phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng đã bị thẩm vấn và đánh đập vô cớ hai lần trong thời gian bị cảnh sát tạm giam khi đang chuẩn bị cho tang lễ của cụ bà Hồ Nhu và đem chôn cất tại một nghĩa trang Công giáo. Cán bộ địa phương trước đó đã công bố họ đã thỏa thuận với các chức sắc Công giáo về việc không tiếp tục cho chôn cất tại nghĩa trang này nữa và sẽ sử dụng đất để xây dựng khu du lịch sinh thái. Các giáo dân phản đối bị cho là là đã tấn công cảnh sát để vào nghĩa địa khi lực lượng này ngăn chặn việc chôn cất và đã dẫn đến tình hình bạo lực.

Tháng 5 và tháng 6 hai nhà thờ tại gia ở tỉnh Long An và Tiền Giang có liên quan đến Hội thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo chưa được công nhận cho biết họ đã bị cán bộ và công an địa phương cắt ngang khi đang hành lễ.

Hai hội thánh Tin Lành ở Huế là Hội thánh Tin lành Liên hiệp truyền giáo và Hội thánh Phúc âm đấng Christ cho biết họ đã bị sách nhiễu bốn lần trong khoảng thời gian từ tháng 12/2009 đến tháng 6/2010; cảnh sát và các quan chức địa phương đã nhiều lần đóng cửa các buổi lễ và buộc tội các mục sư là vi phạm quy định của pháp luật về việc “tụ tập bất hợp pháp”. Các nhà thuyết giáo và giáo dân được ghi nhận là đã bị cảnh sát thẩm vấn và các quan chức địa phương từ chối công nhận giáo đoàn nhỏ của họ do hệ phái của họ chưa được chính quyền công nhận. Cả hai hội thánh đã nộp đơn xin đăng ký nhưng đều bị từ chối.

Tháng 5/2010, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tại Đà Nẵng đã bị cảnh sát cấm tổ chức lễ kỷ niệm lễ Phật Đản để tưởng nhớ ngày sinh của Đức Phật tổ. Khoảng 300 tín đồ đã không được phép vào chùa Giác Minh để dự lễ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng các vụ việc can thiệp của các quan chức chính quyền đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất trong giai đoạn này nhìn chung đã giảm xuống; tuy nhiên cảnh sát đã tăng cường theo dõi trong giai đoạn tổ chức các hoạt động kỷ niệm lễ Phật Đản. Cảnh sát đã giám sát lễ kỷ niệm ngày 28/5 tại chùa Giác Hoa và Liên Trì nhưng không tiến hành hành động can thiệp nào. Các chức sắc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất cho biết số lượng các tín đồ tham dự lễ kỷ niệm thấp hơn so với bình thường do sự có mặt của cảnh sát. Một số tín đồ cho biết họ bị cảnh sát thẩm vấn sau lễ kỷ niệm tại chùa Liên Trì. Ngược lại Hòa thượng Thích Quảng Độ, Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã đến chùa Quốc An ở Huế và có một bài thuyết giáo trước 700 giáo dân ở đây về tầm quan trọng của ngày sinh của Đức Phật mà không gặp phải khó khăn gì. Các nhân viên an ninh không can thiệp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã dựng một sân khấu lớn và treo khẩu hiệu của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất trong chùa mà không có sự cố nào xảy ra.

Tháng 5/2010, một linh mục của đạo Cao Đài không được công nhận tại Tây Ninh bị buộc tội “vu không cán bộ đang thi hành nhiệm vụ” theo thông tin của báo Công an Nhân dân thuộc Bộ Công an. Linh mục này bị bắt tháng 11/ 2009 sau khi chỉ trích một số sỹ quan cảnh sát về những hành động đối với giáo dân của hệ phái Cao Đài chưa được công nhận. Vị linh mục này trong năm 2008 đã dẫn đầu một cuộc phản đối của 300 giáo dân của hệ phái Cao Đài chưa được công nhận đến Tòa thánh Cao Đài để tố cáo lãnh đạo đương nhiệm của tổ chức này và yêu cầu tòa thánh được công nhận này trả lại tài sản, bao gồm Thánh thất Cao Đài cho hệ phái không được công nhận.

Tại Đà Nẵng, trong tháng 5, các chức sắc tôn giáo cho biết cảnh sát và quan chức địa phương đã hai lần đến giáo đoàn của Hội thánh Liên hiệp Trưởng lão để ngăn chặn các buổi lễ với lý do hội thánh chưa được công nhận trên toàn quốc. Hội thánh này đã nhiều lần xin được đăng ký nhưng không thành công. Đầu tháng 7/2009, cảnh sát đã thẩm vấn năm mục sư của hội thánh và cáo buộc họ truyền bá đạo trái phép. Báo Công an Đà Nẵng cũng đã đưa tin về vụ việc này và cho biết họ đã thu hồi 9 cuốn sách tôn giáo và đang tiếp tục điều tra vụ việc.
 
Cũng trong tháng 5, một mục sư người nước ngoài thuộc Cộng đồng Tin lành Báp-tít Hàn Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bị cảnh sát thẩm vấn và bị yêu cầu chấm dứt hỗ trợ cho Hội thánh Tin Lành Báp-tít Liên hiệp Việt Nam chưa được công nhận. Cảnh sát đe dọa sẽ hủy thị thực của mục sư này, tuy nhiên việc đó đã không xảy ra.

Tháng 5, tại Hải Phòng, hàng chục người đã bị tạm giữ vì tham gia vào một buổi lễ cầu nguyện Tin lành tại gia tại một sân vận động trong trung tâm thành phố.

Trong tháng 4, các đại diện của pháp môn Làng Mai có trụ sở tại Pháp đã gặp đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp để thảo luận về các hoạt động của pháp môn Làng Mai tại Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cũng đã hai lần đề nghị gặp lãnh đạo của pháp môn Làng Mai là Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhưng không được đáp ứng. Tháng 1/2009, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã kêu gọi Chính phủ Việt Nam thả tất cả các tù nhân chính trị, giải tán lực lượng “cảnh sát tôn giáo”, và thành lập “Giáo hội Phật giáo độc lập” không có liên hệ với chính trị. Bạo lực đã nổ ra vào tháng 6/2009 khi một nhóm dân phòng đã tấn công trung tâm thiền tự và khu ký túc xá của Làng Mai ở Tu viện Bát Nhã tại Lâm Đồng. Vụ tấn công này xảy ra trước sự có mặt của cảnh sát mặc cảnh phục và thường phục, tuy nhiên họ đã không làm gì để ngăn chặn sự việc này. Các nhà sư ở tu viện Bát Nhã, những người phản đối sự có mặt của pháp môn Làng Mai trong chùa đã cô lập, cắt điện và nước của các tăng sinh Làng Mai từ tháng 6 đến cuối tháng 9. Ban Tôn giáo Chính phủ đã chỉ thị cho chính quyền địa phương trục xuất các tăng sinh Làng Mai ra khỏi chùa, không ngăn chặn được vụ tấn công và trừng phạt những ai tham gia và dường như đứng về một phía trong cuộc tranh chấp này. Ngày 27/9, một nhóm người lớn, với sự phối hợp và được cho là có cả sự tham gia của cảnh sát mặc thường phục, đã đánh và trục xuất khoảng 150 nhà sư của pháp môn Làng Mai ra khỏi Tu viện Bát Nhã. Các nhà sư này sau đó tạm trú tại chùa Phước Huệ gần đó. Ngày 28/9, khoảng 200 ni cô của Làng Mai cũng bị trục xuất và đến trú tại chùa Phước Huệ. Vào tháng 11, hai chùa ở Đồng Nai và Lâm Đồng đã nộp đơn cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ để cho phép các chùa này được bảo trợ cho các nhà sư và ni cô Làng Mai. Ban Tôn giáo Chính phủ đã từ chối đề nghị này và cho biết Làng Mai đã “không tuân thủ pháp luật” và “gây mất đoàn kết” trong các phật tử, chỉ thị cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng buộc các nhà sư và ni cô phải giải tán và trở về nhà trước ngày 31/12/2009. Đến cuối tháng 12, các nhà sư và ni cô của pháp môn Làng Mai đã tự nguyện rời khỏi chùa. Một nhóm gồm 21 nhà sư và ni cô thuộc pháp môn Làng Mai cũng đã bị trục xuất khỏi một chùa ở Khánh Hòa vào ngày 29/11. Hàng trăm nhà sư và ni cô đã rời Việt Nam trong tháng 12/2009 sau khi bị chính quyền sách nhiễu ở một số tỉnh. Lãnh đạo của các tăng sinh người Việt của Làng Mai đã bị chính quyền Hà Nội theo dõi. Trong lúc bản báo cáo này đang được hoàn tất, nhiều tăng sinh Làng Mai đã rời Việt Nam đi Thái Lan và hiện vẫn đang ở đấy.

Hội thánh Tin lành Luthran của Hoa Kỳ và Việt Nam đưa ra cáo buộclà một giáo đoàn gồm 200 giáo dân ở Bình Phước đã bị cảnh sát sách nhiễu và ngăn không cho tổ chức các buổi lễ kỷ niệm lễ Phục Sinh.

Trong giai đoạn từ tháng 7/2009 đến tháng 3/2010, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, người đứng đầu Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn ở Thanh Hóa cho biết ông đã liên tục bị cảnh sát địa phương và cảnh sát tỉnh sách nhiễu và đánh đập tại một vài điểm nhóm của hội thánh ở Thanh Hóa. Các quan chức địa phương đã ngăn chặn các buổi tụ tập của Hội thánh, bắt giữ và xâm phạm thể chất đối với chức sắc và thành viên của Hội thánh, trong đó có Mục sư Tôn và gia đình. Mặc dù Mục sư Tôn đã nhiều lần đề nghị nhưng các quan chức địa phươngvẫn không tiến hành điều tra hoạt động của các quan chức an ninh và những người được thuê để tiến hành các vụ tấn công này. Mục sư Tôn là người có quan hệ thân thiết với hai nhân vật bất đồng chính kiến là Lê Thị Công Nhân và Đỗ Nam Hải và cũng là một thành viên của Khối 8406.

Tháng 1/2010 sau khi cảnh sát tháo dỡ cây thánh giá bê tông lớn ở giáo xứ Giáo xứ Công giáo Đồng Chiêm, hàng trăm giáo dân đã biểu tình phản đối. Cảnh sát đã giải tán đám đông bằng hơi cay và đánh đập hàng chục người. Tổng Giáo phận Hà Nội đã ra một bản tuyên bố gọi việc làm của cảnh sát là “báng bổ” và “dã man”. Tổng Giám mục Kiệt đã đến thăm những người bị thương. Sau vụ việc này, giáo dân đã dựng một cây thánh giá tương tự bằng tre nhưng sau đó cây thánh giá này cũng bị cảnh sát dỡ bỏ. Hai tuần sau khi vụ việc xảy ra, một tu sĩ Công giáo thuộc giáo xứ Thái Hà ở Hà Nội đã bị cảnh sát đánh đến bất tỉnh sau khi cố gắng đi vào khu vực giáo xứ gần khu vực cây thánh giá bị dỡ bỏ. Tháng 1, một nhóm các nữ tu và giáo dân từ Thành phố Hồ Chí Minh hành hương đến giáo xứ cũng bị cảnh sát sách nhiễu và ngăn không cho vào. Sáu giáo dân tham gia các cuộc phản đối ban đầu đã bị bắt giữ và sau đó đã được thả. Chính quyền cho rằng cây thánh giá đã được dựng lên mà không được phép trên đất quân sự và đã không được tháo dỡ khi được yêu cầu. Chính quyền cũng cho biết không có giáo dân nào bị thương trong việc dỡ bỏ thánh giá và những người bị bắt giữ trước đó đã tấn công cảnh sát.

Tháng 1/2010 ở Phú Yên, hai nhà thuyết giáo thuộc Hội thánh truyền giảng Phúc âm, Ksor Y Du và Kpa Y Ko bị bắt giữ với lý do có liên hệ với Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Sắc tộc bị áp bức (FULFO) và chống lại chính phủ. Sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Sắc tộc bị áp bức đã tiến hành chiến dịch du kích vũ trang nhằm thiết lập một nhà nước của người Thượng độc lập tại Tây Nguyên. Ksor Y Du đã bị còng tay và lôi đi bằng xe máy đến một đồn cảnh sát. Trả lời các câu hỏi của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán Mỹ về các vụ bắt giữ này, các quan chức của Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết cả hai người này trước đó đã phạm tội “vượt biên trái phép” và đã phải chịu án ba năm tù. Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết cả hai người đã có mối liên hệ từ lâu với Mặt trận Thống nhất Giải phóng các Sắc tộc bị áp bức, thậm chí sau khi được ra tù chưa đầy hai năm trước đó và đã bị “các thế lực thù địch lôi kéo” vào kế hoạch khuyến khích phong trào ly khai bằng việc gieo rắc chia rẽ giữa các cộng đồng dân tộc. Cả hai hiện đang bị giam giữ chờ ngày xét xử vào thời điểm bản báo cáo này đang được hoàn thành.

Tại Đồng Nai, tranh chấp giữa đại diện của Tòa thánh Cao Đài được công nhận và giáo đoàn không được công nhận đã dẫn đến việc giáo đoàn này bị trục xuất khỏi một điểm nhóm trước đó thuộc kiểm soát của giáo đoàn này. Tháng 12/2009, các thành viên của hội đồng trị sự của Tòa thánh được thừa nhận đã trục xuất các giáo dân và tài sản của họ khỏi một địa điểm hội họp trước sự có mặt của chính quyền và cảnh sát. Lãnh đạo của tòa thánh được công nhận chính thức thừa nhận sự có sự chia rẽ và cho biết trước đó giáo đoàn không được công nhận đã được yêu cầu giải tán và trả lại tài sản nhưng điều này đã không được thực hiện. Tháng 1/2010, giáo đoàn này đã bị trục xuất.

Tháng 1/2010 tại Vĩnh Long, người đứng đầu Hội thánh Truyền giảng Phúc âm đã tổ chức một lớp giảng kinh thánh trong 2 tuần cho 19 mục sư tại một nhà nguyện ở xã Tân Phú của huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Lớp học bị ngăn chặn nhiều lần bởi các quan chức địa phương, những người đã chỉ đạo các học viên phải rời lớp học vì hội thánh này chưa được đăng ký trên toàn quốc. Các mục sư từ chối không rời đi và cảnh sát đã ép buộc các mục sư đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Các thành viên đã bị giữ lại để thẩm vấn trong ngày hôm đó và buổi tối được đưa quay trở lại nhà nguyện để tham gia buổi tố giác các chức sắc của hội thánh vì đã vi phạm pháp luật trong việc tụ tập bất hợp pháp và chống lại cán bộ chính quyền. Người chủ nhà nguyện đã bị phạt 53 đô-la Mỹ (1 triệu đồng) và người đứng đầu hội thánh được chỉ thị là không cho người ngoài biết về việc này.

Tháng 12, một giáo đoàn của Hội thánh Tin Lành Báp-tít Liên hiệp Việt Nam mới thành lập ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang bị chính quyền sách nhiễu và bị yêu cầu chấm dứt các buổi lễ vì giáo đoàn này chưa được đăng ký trên toàn quốc. Giáo đoàn này đã nhiều lần xin đăng ký nhưng đều bị từ chối.

Tháng 11, cảnh sát đã đến Hội thánh Tin Lành Liên hiệp Truyền giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh và chỉ thị cho các chức sắc của hội thánh dỡ bỏ cây thánh giá tại tòa nhà của hội thánh và chấm dứt các cuộc họp tại đây. Hội thánh đã nhiều lần xin đăng ký từ năm 2006 nhưng các quan chức địa phương vẫn liên tục từ chối.

Tháng 8/2009 tại Thành phố Hồ Chí Minh, các quan chức địa phương và cảnh sát đã ngăn chặn một buổi lễ của Hội Thánh Báp-tít Tình Thương và đe dọa sẽ phạt các giáo dân và buộc tội mục sư đã truyền bá đạo Tin Lành trái pháp luật và chỉ thị phải chấm dứt các buổi cầu nguyện cho đến khi giáo đoàn được đăng ký. Mục sư của giáo đoàn cho biết ông đã hai lần đăng ký nhưng không có phản hồi gì từ chính quyền địa phương.

Tháng 8/2009, Hiệp hội Thông công Tin Lành các dân tộc Việt Nam tại Kiên Giang cho biết là một số đối tượng côn đồ ở địa phương đã thường xuyên hành hung theo lệnh của cảnh sát tỉnh. Cảnh sát địa phương thường xuyên thẩm vấn chức sắc của hội thánh. Hội thánh đã nộp đơn xin đăng ký từ tháng 8 nhưng các quan chức đã từ chối với lý do hội thánh không đáp ứng đủ điều kiện để đăng ký.

Tháng 7/2009, các nhà thờ thuộc Hội thánh Truyền giáo Ekklesia Phục Hưng tại Hà Nội và Hội Thánh Báp-Tít Thiên Ái tại Hưng Yên đã bị các quan chức và cảnh sát sách nhiễu và bị đe dọa không được tụ tập lại nếu không sẽ bị bắt giữ.

Tháng 7/2009, một mục sư của Hội thánh Truyền giảng Phúc âm tại tỉnh Đắc Lắc đã bị đấu tố công khai và bị kết án 3 tháng “cải tạo lại tại địa phương” vì đã tổ chức đào tạo cho các chức sắc tôn giáo người dân tộc thiểu số tại nhà. Bản án yêu cầu ông phải tham gia các khóa học chính trị và cần có sự cho phép của chính quyền trước khi đi đâu. Khoảng 120 người, phần lớn là quan chức địa phương và cảnh sát đã tham dự phiên xét xử này; phiên xét xử sau đó được phát sóng trên truyền hình. Mục sư này trước đó đã xin được cấp phép tiến hành lớp đào tạo nhưng đã bị từ chối. Cảnh sát cũng đã ngăn chặn các buổi lễ, tịch thu sách thánh ca và bắt giữ mục sư và một số giáo dân để thẩm vấn.

Tháng 1/2009, Lau Nhia Po bị bắt vì đã giết mẹ của mình vì bà cải đạo theo Thiên chúa giáo và sau này đã được thả. Sau thời gian đi tù và được thả, Lau Nhia Po cũng được cho là đã giết một tín đồ Thiên chúa giáo khác vì lý do tôn giáo. Sau khi các nhà ngoại giao nước ngoài liên tục đề nghị điều tra, tháng 7/2009 Lau Nhia Po đã bị bắt, bị kết tội và kết án 5 năm tù tại tỉnh Hà Giang.

Các cá nhân và hội thánh liên quan đến Mục sư Nguyễn Công Chính, trong đó có Hiệp hội Thông công Tin lành các dân tộc Việt Nam và Hội thánh Tin Lành Lutheran tiếp tục gặp phải khó khăn từ các quan chức chính quyền do sự phản đối kịch liệt của Mục sư Chính đối với chính quyền và chủ nghĩa cộng sản. Phía chính quyền nói rằng Mục sư Chính đã sử dụng địa vị của mình để tiến hành các hoạt động chính trị.

Ngày 5/4/2009, tương tự như những trường hợp bạo lực trước đó nhằm vào người dân tộc thiểu số Khmer theo đạo Tin Lành tại Trà Vinh của những người Khmer khác, một mục sư Tin lành thuộc Hiệp hội Thông công Tin lành các dân tộc Việt Nam ở Trà Vinh đã bị giết hại, được cho là do những người Khmer khác gây ra. Chính quyền cho rằng nạn nhân không phải là người theo đạo và chết trong tai nạn giao thông. Tuy nhiên một vài nguồn tin khác khẳng định nạn nhân là một mục sư và đã bị đánh đến chết sau khi tiến hành các hoạt động truyền giáo. Một số nguồn tin cho biết bạo lực do các lãnh đạo Phật giáo ở địa phương xúi giục và được sự chấp thuận của các quan chức địa phương. Hầu như tất cả những tín đồ Tin lành trong tỉnh đều bị sách nhiễu hoặc gặp khó khăn khi tổ chức các buổi lễ. Chính quyền đã không truy tố những đối tượng gây ra cái chết của vị mục sư này.

Tháng 11/2008 các cán bộ xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang đã đe dọa sẽ phạt các giáo dân ba đô-la Mỹ (50.000 đồng) và những người trợ tế 29 đô-la Mỹ (500.000 đồng) mỗi người nếu vẫn tiếp tục tổ chức các buổi lễ.

Mặc dù có những tiến triển, một số thành viên của Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn ở xã Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vẫn cho biết các cơ quan của địa phương như hội phụ nữ và các cơ quan về xóa đói giảm nghèo vẫn tiếp tục từ chối quyền tiến hành các buổi cầu nguyện và yêu cầu phải bỏ đạo như là điều kiện để nhận được sự trợ giúp.

Ở Tây Nguyên, các giáo đoàn của Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam ở một số huyện của tỉnh Đắc Lắc cho biết có việc chậm tiến triển trong việc đăng ký các điểm nhóm mới. Tháng 11/2008, một nhà thờ tại gia tại tỉnh Đắc Lắc đã đồng ý với yêu cầu của chính quyền địa phương chấm dứt hoạt động của một trường đào tạo kinh thánh tại gia cho các mục sư.

Linh mục Công giáo Phạm Văn Lợi tiếp tục sống trong những điều kiện tương tự như bị quản thúc tại gia vì đức tin chính trị và những nỗ lực của ông trong việc thành lập các tổ chức chính trị, mặc dù không có lời buộc tội chính thức nào đối với ông. Ban Tôn giáo Chính phủ cho rằng Cha Lợi không bị quản thúc tại gia và chính quyền không hạn chế các hoạt động tôn giáo của ông. Phong trào của các chức sắc và tín đồ Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Cao Đài, Công giáo, Hòa Hảo và Tin Lành vẫn thỉnh thoảng bị hạn chế và giám sát bởi cảnh sát.

Cưỡng ép cải đạo

Nghị định 22 quy định “Nghiêm cấm việc ép buộc công dân theo đạo hoặc bỏ đạo…”. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đạo Tin Lành cũng quy định nội dung tương tự. Mặc dù các quan chức Chính phủ khẳng định việc ép buộc cải đạo hoặc từ bỏ tín ngưỡng là bất hợp pháp, những văn bản trên là những văn bản pháp luật đầu tiên khẳng định rõ quy định này. Các nguồn tin cho biết ở Tây Nguyên và vùng Tây Bắc tình trạng ép buộc từ bỏ tín ngưỡng tiếp tục giảm bớt. Chỉ có một số ít vụ việc xảy ra ở tỉnh Kon Tum, Trà Vinh ở miền Nam và tỉnh Điện Biên, Lào Cai ở phía Bắc.

Cán bộ địa phương ở một số làng vùng Tây Bắc tiếp tục thuyết phục hoặc cưỡng ép các tín đồ đạo Tin Lành người H’mông cải đạo. Chính quyền địa phương khuyến khích các già làng, trưởng bản gây sức áp lực với gia đình, con cháu họ từ bỏ Thiên chúa giáo và quay lại với tín ngưỡng truyền thống.

Tháng 6/2010, tại làng Pha Xom, xã Xa Dung huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, trưởng làng đã yêu cầu một số hộ gia đình Tin Lành đến tháng 12/2010 phải cải đạo, nếu không sẽ bị làng trục xuất. Các tín đồ cho biết họ còn bị phạt 10,5 đô-la Mỹ (200.000 đồng).

Tháng 12/2009, cán bộ huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên đã gây áp lực đối với 10 gia đình theo đạo Thiên chúa ở làng Ho Kaw, xã Nam Sơn phải quay lại với tín ngưỡng truyền thống. Ba tín đồ Tin Lành người H’mông là Sung Cua Po, Sung A Sinh, và Hang A Xa không chịu từ bỏ đạo Cơ đốc đã bị công an vô cớ bắt giữ, còng tay và đánh dập nhằm cưỡng ép họ cải đạo. Sau vụ hành hung, hầu hết các tín đồ Công giáo trong làng đã không tiếp tục hành đạo nữa do chịu sức ép từ gia đình và cán bộ địa phương. Một điều vô lý nữa là họ phải nộp phạt 15 kg thịt lợn và rượu thì mới được thả ra. Cũng trong tháng 12, chính quyền và công an địa phương còn bắt Po và vợ họp với các thành viên khác trong họ tộc nhằm tiếp tục gia tăng sức ép bắt họ phải quay trở lại với tín ngưỡng truyền thống. Bị công an tiếp tục đe dọa, Po đã ký đơn từ bỏ đạo Thiên chúa. Sau đó họ vẫn tiếp tục bị chính quyền và họ tộc ngược đãi, đến tháng 3/2010, Po và gia đình đã bỏ nhà ra đi, từ đó đến nay không có tin tức gì.

Đầu tháng 1/2009, lãnh đạo Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc ở tỉnh Lào Cai cho biết cán bộ xã Bản Mè đã yêu cầu họ phải từ bỏ tín ngưỡng, nếu không sẽ bị trừng phạt.

Tháng 12/2008, một chức sắc thuộc giáo đoàn Tin Lành cán bộ huyện Sìn Hồ, xã Nậm Hăn, tỉnh Lai Châu đã gây sức ép đối với một người trợ tế và 32 gia đình phải từ bỏ đạo.

Những cải thiện và diễn biến tích cực về tôn trọng quyền tự do tôn giáo

Tình hình tự do tôn giáo tiếp tục được cải thiện trong khoảng thời gian báo cáo tường trình. Ở nhiều địa phương, các tín đồ Công giáo, Tin Lành, đạo Hòa Hảo và đạo Cao Đài cho biết các hoạt động tôn giáo và hành lễ đã diễn ra nhiều hơn trước. So với những năm trước đây, Chính phủ tiếp tục nới lỏng các hạn chế đối với hầu hết các nhóm tôn giáo và tăng số lượng các tôn giáo được công nhận cấp quốc gia. Phần lớn sự thay đổi này xuất phát từ việc tăng cường thực hiện các điều khoản sửa đổi trong khung pháp lý về tôn giáo được đưa ra năm 2004 và 2005, và do Chính phủ có thái độ tích cực hơn đối với các nhóm thuộc đạo Tin Lành. Nhiều nhóm tôn giáo kể cả đã được công nhận và chưa được công nhận, đặc biệt là các nhóm Tin Lành ở Tây Bắc và Tây Nguyên cho biết nhìn chung tình hình của các tín đồ tiếp tục được cải thiện, cả về số lượng đăng ký và số lượng tín đồ tham gia hành lễ.

Hàng nghìn chức sắc của các giáo đoàn Công giáo, Phật giáo và đạo Tin Lành đã được đào tạo với sự chấp thuận của Chính phủ, cụ thể là đã có tới trên 100 mục sư đạo Tin Lành đã được đào tạo trong thời gian mà báo cáo tường trình. Chính quyền trung ương vẫn tiếp tục tập huấn, thông tin và khuyến khích chính quyền địa phương tuân thủ các quy định trong khung pháp lý về tôn giáo, tuy nhiên việc thực hiện khung pháp lý này vẫn chưa đồng bộ.

Trong giai đoạn báo cáo này tường trình, Chính phủ đã cho phép tổ chức các buổi lễ tôn giáo lớn, ví dụ như các buổi lễ Công giáo thường niên tại nhà thờ La Vang. Số lượng người tham dự lễ Giáng sinh và Phục sinh trên khắp cả nước đông hơn hẳn so với năm trước. Các buổi lễ Phật Đản lớn cũng được tổ chức ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác. Các cuộc hành hương truyền thống như lễ hội đền Hùng, các lễ Phật giáo ở Huế và ngày sáng lập đạo Hòa Hảo và ngày giỗ của giáo chủ đạo Hòa Hảo cũng được tổ chức mà không xảy ra sự vụ nào.

Năm giáo đoàn lớn cùng với hội Thông công Tin Lành Việt Nam đã tổ chức một cuộc mít tinh lớn ngoài trời nhân dịp lễ Giáng Sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm giáo đoàn này gồm có hai giáo đoàn đã được công nhận là Hội thánh Báp-tít Ân điển Nam phương và Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần và ba giáo đoàn tại gia chưa đăng ký (Liên Hiệp Nhà thờ Giáo hội Trưởng lão, Hội thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo và Hội Thánh Phúc Âm toàn vẹn). Có khoảng 40.000 người tham dự buổi lễ, tại đó những người tham dự được kêu gọi bày tỏ đức tin Thiên chúa giáo của mình. Buổi lễ đã diễn ra suôn sẻ và được các hãng báo chí do chính phủ kiểm soát đưa tin theo chiều hướng tích cực. Buổi lễ Giáng sinh tổ chức ở Hà Nội cũng đã thu hút được 12.000 người tham gia. Đây là hai buổi tụ họp lớn nhất của các tín đồ Tin Lành từ trước đến nay. Các buổi lễ Giáng sinh quy mô lớn khác cũng được tổ chức tại Nam Định, Đà Nẵng với khoảng 4.000 đến 5.000 người tham dự. Các buổi lễ nhỏ hơn cũng được tổ chức công khai ở các thành phố khác trên cả nước.
 
Các tín đồ Công giáo cũng tổ chức các buổi lễ Giáng sinh và Phục sinh quy mô lớn ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các khu vực khác ở phía Nam với hàng nghìn người tham dự ở mỗi sự kiện. Một số tỉnh ở vùng Tây Nguyên bị hạn chế gắt gao cũng đã lần đầu tiên được tổ chức lễ Giáng sinh. Tương tự như lễ Giáng sinh, hàng ngàn tín đồ đạo Tin Lành và giáo dân tham dự lễ Phục sinh trên khắp cả nước, bao gồm cả khu vực Tây Nguyên.

Tháng 11, hơn 100.000 giáo dân trên khắp cả nước đã tụ họp tại Hà Nam, một tỉnh lân cận Hà Nội để khai mạc năm thánh và kỷ niệm 350 năm thànhh lập hàng giáo phẩm của giáo hội tại Việt Nam. Buổi lễ có sự tham gia của Hồng y Etchegaray, Phó niên trưởng Hồng Y Đoàn, Hồng y Vingt-Trois, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp, và Hồng y Bernard Francis Law ở Vantican cùng với Hồng y Phạm Minh Mẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh, 30 giám mục từ toàn bộ 26 giáo phận và 1.200 linh mục từ phía Bắc.

Tháng 1, hơn 70.000 tín đồ Hòa Hảo đã mừng lễ đản sinh của giáo chủ sáng lập Huỳnh Phú Sổ tại An Hòa Tự, tỉnh An Giang gần nhà của tổ tiên giáo chủ.

Tháng 10/2010, hơn 100.000 tín đồ đạo Cao Đài đã tụ họp tại Tòa thánh thuộc tỉnh Tây Ninh để lễ Đức Phật Mẫu và Cửu thiên huyền nữ tại điện Diêu Trì. Các chức sắc đạo Cao Đài cũng đã thảo luận về các hoạt động nhân văn để có thể hỗ trợ các gia đình khó khăn ở nơi đây.

Tháng 12, Chính phủ đã hỗ trợ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 2000 nữ tu từ hơn 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã tham dự sự kiện này. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu khai mạc hội thảo. Chính phủ cũng cho phép trưng bày xá lị Ấn Độ tại tỉnh Ninh Bình. Phó chủ tịch nước, các thứ trưởng và nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã tham dự lễ rước xá lị từ Ấn Độ về Việt Nam bằng chuyên cơ.

Trong giai đoạn báo cáo này tường trình, Chính phủ tiếp tục cho đăng ký các tổ chức tôn giáo mới. Chính phủ đã công nhận thêm 7 tổ chức tôn giáo mới, đưa tổng số tổ chức tôn giáo được công nhận lên 34. Các tổ chức này trực thuộc 11 tôn giáo đã được công nhận (Phật giáo, Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành, Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh Độ Cư sĩ Phật hội, Tứ Ân Hiếu nghĩa, Phật đường Nam tông Minh sư đạo, Minh Lý Đạo, Minh Lý Đạo Tam tông miếu và Đạo Baha’i). Chính phủ cũng cho đăng ký cấp quốc gia với hai tổ chức tôn giáo gồm một nhóm tôn giáo tách biệt là Bửu Sơn Kỳ Hương và một hệ phái Tin Lành là Hội thánh Liên Hữu Cơ đốc. Ngoài ra, khoảng 60 giáo đoàn thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc đã đăng ký với chính quyền địa phương. Tổng số có khoảng 200 giáo đoàn thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc đã được đăng ký.

Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc tiếp tục phát triển ở Tây Bắc và đặc biệt là ở tỉnh Điện Biên. Mặc dù trong giai đoạn báo cáo này tường trình, các cán bộ địa phương và tỉnh chỉ cho một số ít giáo đoàn ở Điện Biên và Sơn La đăng ký, nhưng hầu hết các giáo đoàn đang chờ đăng ký cũng đều được tổ chức các buổi lễ và hoạt động tôn giáo mà không xảy ra vụ việc nào.

Hầu hết các giáo đoàn thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và các điểm nhóm ở Tây Nguyên đều đăng ký được hoạt động với cán bộ địa phương và được phép hoạt động mà không gặp phải nhiều sách nhiễu. Tất cả các giáo đoàn của Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và các điểm nhóm ở tỉnh Gia Lai đã đăng ký với cán bộ địa phương. Trong thời gian báo cáo tường trình, các giáo hội và nhà thờ tại gia cho biết tình hình ở Tây Nguyên nhìn chung đã được cải thiện, cụ thể là ở các tỉnh Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Nông. Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam cho biết 12 giáo đoàn Tin Lành mới thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và 16 điểm nhóm mới ở Tây Nguyên và tỉnh Bình Phước đã được đăng ký. Tại Gia Lai, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam cho biết tất cả các giáo đoàn đã được đăng ký với tổng số là 49 giáo đoàn và hơn 230 điểm nhóm. Mỗi giáo đoàn có thể có nhiều điểm nhóm.

Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam cũng mở thêm một số giáo hội mới ở tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc và Đắc Nông. Họ cũng tiếp tục tổ chức các lớp học kinh thánh để đào tạo cho các vị mục sư truyền đạo tại khu vực để từ đó được chính thức công nhận là mục sư. Thụ phong các mục sư mới là bước quan trọng để công nhận chính thức các nhà thờ mới, chỉ riêng ở tỉnh Đắc Lắc, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam đã đào tạo và thụ phong hàng trăm mục sư truyền đạo mới.

Chính phủ đã cho phép xây dựng mới gần 50 nhà thờ Tin Lành và 25 nhà nguyện, trong đó có nhiều nhà thờ và nhà nguyện ở khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên. Ở tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông, lần đầu tiên Chính phủ cho phép Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam xây dựng hai nhà thờ lớn với sức chứa 1.000 người ở Buôn Ma Thuột vào tháng 3 và ở Đắc Nông vào tháng 11. Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc cũng xây dựng một nhà thờ cho giáo đoàn của người dân tộc Dao ở tỉnh Lạng Sơn. Giáo hội Công giáo cũng xây dựng mới nhiều nhà nguyện ở vùng Tây Nguyên và nhiều nhà thờ trên cả nước. Năm 2009, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết có trên 190 cơ sở thờ tự đã được xây dựng mới, nhiều nơi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng các cơ sở mới.

Tháng 11, Hội thánh Báp-tít Ân điển Nam phương đã kỷ niệm 50 năm hoạt động ở Việt Nam. Cựu Chủ tịch Giáo hội Báp-tít Nam phương tại Hoa Kỳ và hiện là đại diện của Ủy Ban Quan hệ Phúc Âm toàn cầu của Hội đồng trị sự Giáo hội Báp-tít Nam phương đã tham dự lễ kỷ niệm và có bài phát biểu quan trọng. Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản và Ban Tôn giáo Chính phủ, ông Welch đã ca ngợi những bước tiến của Chính phủ trong việc mở rộng tự do tôn giáo. Tháng 9, Hội thánh Liên hữu Cơ đốc Việt Nam với trên 200.000 tín đồ đã tổ chức Đại hội đồng đầu tiên với sự tham dự của hơn 1.000 mục sư và giáo dân, một nửa trong số họ đến từ khu vực Tây Bắc. Tại Hội nghị, giáo hội đã bầu ra Hội đồng trị sự mới và thông qua bản Hiến chương.

Công an và các quan chức đã hợp tác với các chức sắc nhà thờ tại gia ở một số vùng để thông báo cho họ các quy định về tôn giáo. Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều khóa tập huấn chung cho các cán bộ cấp tỉnh, huyện và các chức sắc tôn giáo về các quy định mới về tôn giáo để đảm bảo họ sẽ “thực hiện nhất quán các quy định này”. Ban Tôn giáo Chính phủ đã mời một tổ chức phi chính phủ ở Mỹ là Viện Liên kết Toàn cầu cùng tham gia khóa tập huấn ở tỉnh Lào Cai. Nguồn tin từ Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc ở Tây Bắc khẳng định chính quyền cho phép hầu hết các giáo đoàn chưa đăng ký được hành đạo tại gia và gặp gỡ nhau công khai theo Chỉ thị 2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng bày tỏ họ sẵn sàng cho phép các tổ chức và cá nhân tôn giáo đào tạo các lãnh đạo tôn giáo thế hệ kế cận. Các chương trình giảng dạy quy mô lớn cho các tín đồ Công giáo, Phật tử và Tin Lành đã được mở rộng. Hội thánh Báp-tít Việt Nam tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo về thần học hệ chính quy bốn năm. Hội thánh Báp-tít cũng tổ chức các khóa học thần học ở các khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng. Đã có hơn 100 mục sư trên toàn quốc tham gia chương trình này, sau khi kết thúc, các mục sư sẽ nhận được bằng cử nhân về thần học.

Kể từ khi được chính thức công nhận năm 2007, Hội Truyền giáo Cơ đốc đã đào tạo được hơn 210 nhà truyền giáo. Do hầu hết các mục sư truyền giáo trong giáo hội là nông dân người dân tộc thiểu số nên Hội Truyền giáo Cơ đốc đã thiết kế một chương trình đào tạo bán thời gian ở Đà Nẵng với thời lượng 10 ngày/tháng và kéo dài trong năm tháng. Năm 2009 và 2010, Hội Truyền giáo Cơ đốc cũng tổ chức một số khóa bồi dưỡng cho nhiều mục sư tham gia chương trình trên. Ban Tôn giáo Chính phủ đã tiến hành đăng ký chương trình học, hỗ trợ xây dựng bài giảng, cung cấp diễn giả và ngân quỹ để hỗ trợ hoạt động đào tạo. Mười hai mục sư tham gia khóa đào tạo trực tuyến của một học viện thần học ở California đã nhận được bằng thạc sỹ thần học, trong đó có hai mục sư tiếp tục theo học lên cao hơn và nhận được bằng tiến sỹ cũng ở học viện trên. Hội Truyền giáo Cơ đốc cũng tổ chức một chương trình đào tạo thần học hệ chính quy 4 năm với 30 sinh viên theo học, dự kiến họ sẽ tốt nghiệp cử nhân trong năm 2010.

Trong thời gian báo cáo này tương trình, Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam tiếp tục đào tạo và thụ phong cho nhiều mục sư mới trong đó có cả các mục sư ở khu vực Tây Nguyên. Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc cũng tổ chức nhiều hoạt động đào tạo phong phú cho hàng trăm mục sư truyền đạo người dân tộc thiểu số (H’mông và Dao).

Trong thời gian báo cáo này tường trình, Giáo hội Công giáo đã thụ phong cho năm giám mục mới: Ban Mê Thuột, Phát Diệm, Xuân Lộc, Quy Nhơn, Hưng Hóa và Vinh. Giáo hội cũng đã thăng chức hoặc điều chuyển bốn giáo mục khác. Giáo hội Công giáo cho biết Chính phủ tiếp tục nới lỏng kiểm soát đối với việc phong phẩm, bổ nhiệm của Giáo hội, nhiều học viên mới được thu nhận và đã được thụ phong linh mục. Chính phủ không còn hạn chế số lượng học viên tuyển vào các đại chủng viện hàng năm. Giáo đoàn công giáo điều hành 7 chủng viện với 1.500 học viên, các chương trình đào tạo đặc biệt cho các học viên lớn tuổi hơn cũng được xây dựng. Nhu cầu nhập học hiện rất cao và thường thì phải mất vài năm mới được tuyển vào chủng viện này. Tất cả các học viên đều phải được chính quyền địa phương chấp thuận thì mới được nhập học và họ phải đăng ký với chính quyền trước khi được thụ phong linh mục. Tất cả các học viên khi kết thúc khóa học đều được thụ phong. Giáo hội thừa nhận rằng hiện họ không đủ khả năng để mở thêm các đại chủng viện mới nhằm đáp ứng đủ số lượng linh mục để phục vụ số giáo dân đang ngày càng tăng.

Năm 2008, Giáo hội đã mở một trung tâm mục vụ ở Thành phố Hồ Chí Minh để đào tạo các trợ tế và những người đảm nhận các vị trí không cần thụ phong. Nhu cầu nghiên cứu thần học đã vượt quá dự tính và trung tâm hiện đang hoạt động hết công suất. Chính phủ cũng tiếp tục cho phép các linh mục được đi đào tạo tại nước ngoài. Hiện có đến 1.200 linh mục đang hoạt động tại nước ngoài trong tổng số 5.200 linh mục của Việt Nam. Giáo hội Công giáo ước tính Việt Nam là nước đưa linh mục ra nước ngoài nhiều thứ ba trên thế giới, sau Philipin và Ấn Độ.

Trong thời gian báo cáo này tường trình, Chính phủ đã hoàn trả năm tài sản lớn cho Giáo hội Công giáo, gồm có chủng viện Trì Chính ở giáo xứ Phát Diệm, chủng viện Hoàng Nguyên và Sở Kiện ở tổng giáo phận Hà Nội, một trung tâm mục vụ ở giáo phận Đà Lạt và nhà thờ Khoái Đồng ở giáo phận Bùi Chu. Trước đó vào năm 2008, Chính phủ đã trả lại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang ở tổng giáo phận Huế, đây là một trong những tài sản mang tính lịch sử quan trọng nhất của Giáo hội trên cả nước.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam có bốn học viện, tám trường cao đẳng, 30 trường trung cấp và 25 trường sơ cấp đào tạo về Phật học cho hàng nghìn phật tử và tăng ni trên cả nước. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết cả nước ước tính có khoảng 50.000 tăng ni. Học viện cấp đại học lớn nhất tại Hà Nội có khoảng 1.500 tăng ni đang theo học. Tháng 5, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khởi công xây dựng một ngôi chùa Phật giáo và trung tâm đào tạo mới ở ngoại ô Hà Nội, chi phí xây dựng chùa khoảng 120 tỷ đồng (tương đương 6,3 triệu đô-la Mỹ).

Năm 2008, các khóa học toàn thời gian lần đầu tiên đã được tổ chức tại cơ sở đào tạo bậc đại học ở Cần Thơ, chuyên giảng dạy về Phật Giáo Nam Tông. Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer này được Giáo hội Phật giáo Việt Nam mở ra từ năm 2007. Chính phủ đã cấp đất đai để xây dựng và mở rộng hơn nữa học viện này. Trong thời gian bản báo cáo tường trình, học viện đã tuyển sinh 240 học viên và dự kiến khóa học sẽ tốt nghiệp vào năm 2011. Ngoài ra, Chính phủ còn mở rộng trường trung học ngôn ngữ Pali ở tỉnh Sóc Trăng và tiếp tục cung cấp tài liệu giảng dạy cho các nhà sư Khơ-me Krom để hỗ trợ cho các viện đào tạo ngôn ngữ Pali tại các chùa chiền trên toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ chi trả học phí cho các nhà sư Khơ-me đang theo học tại tất cả các trường đại học trên toàn quốc như đã làm với người dân tộc thiểu số Khơ-me. Trường đã đào tạo 823 học viên và số lượng học viên hiện đang theo học là 150. Cả học viện và trường trung học này đều tuyển sinh hết chỉ tiêu và tổ chức các kỳ thi tuyển sinh đầu vào cạnh tranh.

Nhiều mục sư của các giáo đoàn Tin Lành như Hội thánh Cơ đốc Phục Lâm, dòng Mennonite, các hệ phái Báp-tít, Hội Truyền giáo Cơ đốc Việt Nam và Phúc âm Ngũ tuần không muốn gia nhập Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam hoặc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc do khác biệt về tín lý. Các Giáo đoàn trên và một số giáo đoàn khác cho biết họ được công khai hành đạo và được chính quyền địa phương thừa nhận, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Mặc dù vẫn có một số trường hợp ngoại lệ nhưng nhìn chung mức độ sách nhiễu của chính quyền đối với các giáo hội tại gia chưa được công nhận trực thuộc các hệ phái nằm ngoài Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam và Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc tiếp tục giảm. Chính Phủ đã tiến hành đối thoại về thủ tục đăng ký và công nhận với các chức sắc của một số hệ phái Tin Lành như Hội thánh Giám lý Liên hiệp Việt Nam, Giáo hội các thánh hữu ngày sau của Chúa Giêsu Kitô và phái Chứng nhân Giê-hô-va.

Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Bắc tiếp tục phát triển ở khu vực Tây Bắc, đặc biệt là ở tỉnh Điện Biên và Sơn La. Mặc dù trong giai đoạn báo cáo này tường trình cán bộ tỉnh chỉ cấp đăng ký cho một số ít giáo đoàn Tin Lành, nhưng các giáo đoàn ở hai tỉnh này cho biết các hạn chế đã được nới lỏng, họ có thể hành đạo, tổ chức các hoạt động tôn giáo khác mà không gặp phải trở ngại nào. Cũng như năm trước, các giáo đoàn này đã tổ chức lễ Giáng sinh và Phục sinh mà không gặp khó khăn nào, đây là một tiến bộ rõ rệt so với các năm trước đây. Cộng đồng Do Thái cũng tổ chức nghi lễ cắt bao quy đầu cho trẻ em đầu tiên ở Việt Nam.

Mặc dù vẫn có các cuộc biểu tình xung quanh vấn đề tranh chấp đất đai trong thời gian bản báo cáo tường trình nhưng mối quan hệ giữa Giáo hội tôn giáo và Chính phủ vẫn tiếp tục được cải thiện. Tháng 12/2009, lần đầu tiên Chủ tịch nước có chuyến công du đến Vantican gặp gỡ Giáo hoàng, Tòa thánh Vantican gọi đây là “một giai đoạn mới cho mối quan hệ song phương với Việt Nam”.
 
Các chức sắc công giáo thường xuyên viếng thăm Tòa thánh Vantican để tham vấn. Tháng 6/2009, 30 giám mục Công giáo đã yết kiến Giáo hoàng và mời Giáo hoàng sang thăm Việt Nam trong năm 2010. Chính phủ cũng tạo điều kiện để tổ chức Hội thảo của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam với sự tham dự của 40 giám mục và linh mục từ Bangladesh, Ấn Độ, Nhật Bản, Ma Cao, Malaysia, Philipin, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Khác với những năm trước đây, các giáo dân ở tỉnh Sơn La được phép công khai tổ chức lễ Phục sinh và Giáng sinh cho hàng ngàn giáo dân tại một số nhà thờ tại gia lớn, một linh mục được được phép hành lễ. Vị linh mục này cũng được tổ chức cho rước lễ tại một điểm nhóm chưa đăng ký vào mỗi ngày thứ bảy với hơn 100 tín đồ Công giáo thường xuyên tham dự.

Ngày 23-24/6/2010, Chính phủ và Tòa thánh Vantican đã tổ chức cuộc họp vòng 2 của “Nhóm Công tác hỗn hợp Việt Nam – Vantican” ở Roma về việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Hai bên ghi nhận những bước phát triển đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực của đời sống Công giáo ở Việt Nam, lập kế hoạch cho các vòng đối thoại tiếp theo. Hai bên nhất trí sẽ cử Đặc Phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam. Chính phủ duy trì đối thoại thường xuyên với Vantican về hàng loạt vấn đề như lãnh đạo giáo hội, hoạt động có tổ chức, các vấn đề đất đai và đối thoại liên tôn giáo.

Tháng 5/2010, hơn 2.000 vị tăng ni và Phó Thủ tưởng Chính phủ, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và các tu viện đã tham dự Đại lễ Phật Đản. Các quan chức chính phủ cấp cao và hàng nghìn tín đồ cũng tham dự các buổi lễ quy mô lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Ninh Thuận, Hậu Giang và An Giang.

Tháng 5/2010, Phó Thủ tướng kiệm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm công bố kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao Phật giáo Thế giới tại Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 11/2010 tại Hà Nội. Các cuộc họp liên quan khác sẽ được tổ chức ở Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh và tỉnh Ninh Bình.

Tháng 3, nhà truyền giáo Phúc âm người Mỹ nổi tiếng thế giới Luis Palau đã đến thăm Việt Nam, Chính phủ đã cho phép ông tổ chức một buổi truyền giảng Phúc Âm cho trên 500 tín đồ Tin Lành ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho hầu như toàn bộ các giáo đoàn Tin Lành trên cả nước. Hàng trăm tín đồ khác cũng theo dõi trực tiếp buổi truyền giảng qua Internet. Tháng 5, Tổ chức Thông công Doanh nhân Cơ đốc thế giới đã tổ chức hội nghị thường niên lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh, hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 100 doanh nhân, trong đó có nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.

Nhiều nhóm tôn giáo đã mở rộng hoạt động từ thiện và được Chính phủ chấp thuận. Các Phật tử, tín đồ Công giáo, tín đồ đạo Cao Đài và Tin Lành đã tham gia các chương trình viện trờ và đóng góp được tổng cộng trên 15 triệu đô-la. Các lĩnh vực các nhóm tôn giáo tham gia gồm có giúp đỡ người nhiễm HIV/AIDS, cứu trợ thiên tai và hỗ trợ trẻ em mồ côi và trẻ em có nguy cơ cao. Nhiều tổ chức phi chính phủ tôn giáo cũng đã tiến hành nhiều hoạt động từ thiện với sự giúp đỡ, ủng hộ của các nhà tài trợ tư nhân, các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước.

Uỷ ban Bác ái Xã hội Việt Nam trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt nam (Caritas Việt nam) đã tổ chức các khóa tập huấn cho những người làm công tác xã hội để họ hỗ trợ những người bị nhiễm HIV/AIDS và những người bị bạo hành. Ủy ban cũng tổ chức các hoạt động cứu trợ thiên tai như hỗ trợ nạn nhân lũ lụt. Tính đến cuối năm 2009, số tiền Caritas Việt nam đóng góp đã lên đến gần 500.000 đô-la Mỹ (9,2 tỷ đồng) và dự kiến sẽ đóng góp khoảng 1,15 triệu đô-la Mỹ (21,84 tỷ đồng) vào năm 2010. Tháng 3/2009, Tổ chức Cứu trợ Công giáo đã kỷ niệm 15 năm hoạt động ở Việt Nam. Tại Thành phố Hồ Chí Minh và Huế, Giáo hội Công giáo và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã phối hợp hỗ trợ các trung tâm khám chữa bệnh cho những người nhiễm HIV/AIDS và dịch vụ tư vấn cho thanh thiếu niên. Giáo hội cũng có một trung tâm hỗ trợ cho các bà mẹ nhiễm HIV và trẻ em bị lây nhiễm HIV. Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và Giáo hội Công giáo vẫn tiếp tục thảo luận về cách thức để các sáng kiến mới trong lĩnh vực hoạt động xã hội được thông qua.

Tương tự, cán bộ tỉnh Thái Bình cũng khuyến khích các giáo đoàn Công giáo hỗ trợ hoạt động điều trị HIV/AIDS và chăm sóc người tàn tật. Chính quyền Thành phố Hải Phòng khuyến khích Giáo hội Công giáo hỗ trợ điều trị cai nghiện và các chương trình HIV/AIDS. Giáo xứ Công giáo Nam Định cũng đang điều hành một trại trẻ mồ côi. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng tham gia các hoạt động từ thiện trên khắp cả nước, chẳng hạn như các chương trình phòng chống ma túy, chăm sóc trẻ em và các chương trình phòng chống HIV/AIDS. Giáo hội Phật giáo Việt Nam có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh cho người có thu nhập thấp trên khắp cả nước. Thành phố Hà Nội cho phép một số chùa trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được mở các trại trẻ mồ côi dành cho trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em tàn tật và điều trị HIV/AIDS. Các chức sắc Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chính quyền thành phố ủng hộ các hoạt động hỗ trợ người nghèo của họ. Các nữ tu Công giáo và các sư nữ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cùng phối hợp điều hành một cơ sở điều trị HIV/AIDS ở Huế.

Nhiều nỗ lực liên tôn giáo cũng đã được triển khai để thực hiện các chương trình từ thiện. Các Phật tử, các giáo hội Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo và Tin Lành tiếp tục hợp tác trong cuộc chiến chống HIV/AIDS. Tháng 10, VFF, Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đã tổ chức hội thảo quốc gia về chiến lược phòng chống HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân của đại dịch và đã tiến hành tập huấn cho các sư sãi và nữ tu trên toàn quốc. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, các Phật tử và tín đồ Công giáo đã hợp tác chặt chẽ với nhau để cùng hổ trợ các trẻ em đường phố, trẻ mồ côi, người nghèo, bệnh nhân AIDS và nạn nhân của các thảm họa thiên tai. Tổng cộng có đến 115 trung tâm giúp đỡ người tàn tật và người già và 23 trung tâm hỗ trợ các bệnh nhân tâm thần, người nghiện ma túy và bệnh nhân AIDS. Các chức sắc Phật giáo và Công giáo cũng hợp tác với nhau để nâng cao nhận thức về vấn đề bảo vệ môi trường. Tại một cơ sở khám chữa bệnh tại tỉnh Kiên Giang, các bác sỹ Công giáo và Phật giáo cùng với các tín đồ đạo Cao Đài đã cùng nhau sản xuất các loại thuốc nam dược. Các tín đồ Tin Lành đến thăm và tặng quà còn các tín đồ đạo Hòa Hảo thì cung cấp bữa ăn miễn phí cho trên 300 bệnh nhân và người nhà của họ.

Hội đồng trị sự Giáo hội Hòa Hảo tiếp tục tham gia tích cực vào các dự án từ thiện và phát triển ở địa phương, trong đó có dự án xây dựng 800 ngôi nhà cho các gia đình nghèo, bất kể các gia đình đó theo tôn giáo nào. Các tín đồ cũng đóng góp nhiều công sức để điều hành các cơ sở khám chữa bệnh địa phương. Trong năm 2009, họ đã đóng góp hơn 2 triệu đô-la Mỹ (39 tỷ đồng) cho các hoạt động từ thiện và dự định sẽ chi khoảng 1,5 triệu đô-la (29 tỷ đồng) trong năm 2010.

Chủ tịch của Viện Liên kết Toàn cầu, một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đã hội kiến với Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và thảo luận về tầm quan trọng của tự do tôn giáo và để thắt chặt thêm mối quan hệ giữa hai bên. Phái đoàn của Viện Liên kết Toàn cầu cũng gặp gỡ các cán bộ địa phương ở tỉnh Điện Biên và thảo luận về việc mở rộng tự do tôn giáo. Phái đoàn cũng tiếp xúc với một nhà thờ tại gia chưa đăng ký tại đây. Cựu Tổng thư ký Ủy hội Quốc gia các Giáo Hội và cựu nghị sỹ Bob Edgar cũng dẫn đầu một phái đoàn liên tôn giáo đến thăm Việt Nam để tìm hiểu về ảnh hưởng của hậu quả chiến tranh Việt Nam.

Một số thành phố như Cần Thơ, Huế và các thành phố lớn đã tích cực khuyến khích các hoạt động từ thiện liên tôn giáo. Thành phố Cần Thơ đã tổ chức một ngày liên tôn giáo khu vực nhân dịp 5 năm thực hiện Nghị định về tôn giáo và mời các chức sắc của đạo Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Phật giáo và Công giáo tham dự. Tương tự, tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khác cũng tổ chức ngày liên tôn giáo chống đói nghèo, các nhóm tôn giáo khác nhau đã cùng quyên góp tiền để giúp đỡ người nghèo và thực hiện các chương trình đã đề ra.

Chính phủ tiếp tục tuyên truyền chính sách tự do và khoan dung tôn giáo đến tất cả các cơ quan Nhà nước. Tháng 7/2009, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tham dự một Hội nghị của Đảng để rà soát quá trình năm năm thực hiện nghị quyết của Đảng Cộng sản về việc cho phép tăng cường đa dạng tôn giáo. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và ông Trương Tấn Sang đều nhấn mạnh cần phải tăng cường tuyên truyền và phổ biến nghị quyết của Đảng về vấn đề tôn giáo nhằm đảm bảo các bộ luật và quy định về tôn giáo được triển khai đầy đủ. Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục tập huấn cho nhiều cán bộ tuyên truyền cấp tỉnh ở vùng Tây Bắc hơn nữa để phổ biến các chính sách về tự do tôn giáo nhằm giảm nhẹ tình trạng căng thẳng giữa những người theo tín ngưỡng truyền thống và những người đã chuyển sang đạo Tin Lành.

Phần III. Tình hình tôn trọng quyền tự do tôn giáo

Trong thời gian báo cáo này tường trình, ít có các báo cáo về tình trạng phân biệt đối xử hoặc bạo lực vì lý do tôn giáo.

Sự xuất hiện của các phần tử ly khai “Đề-ga” đã làm sự phát triển của đạo Tin Lành ở Tây Nguyên trở nên phức tạp. Nhóm này chủ trương đấu tranh vì một nhà nước tự trị hoặc độc lập cho người thiểu số ở khu vực, đặc biệt là ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Nông và Đắc Lắc. Mối quan hệ giữa phong trào Đề-ga và các tín đồ Tin Lành trực thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam đã trở nên căng thẳng ở một số nơi ở Tây Nguyên. Các nhà hoạt động Đề-ga đã đe dọa các mục sư Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam không được phép hoạt động trong địa phận “Nhà nước Đề-ga” trừ khi họ từ bỏ Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam. Các mục sư Tin Lành khác đã cáo buộc phong trào Đề-ga đang lợi dụng tôn giáo để phục vụ các mục tiêu chính trị.

Các tín đồ Tin Lành người Khmer cho biết họ bị các Phật tử người Khmer Krom ở một số huyện ở tỉnh Trà Vinh sách nhiễu, trả thù và trong một số trường hợp còn phá hoại tài sản và đánh đập. Họ cho biết chính quyền địa phương hầu như không làm gì để ngăn chặn những vụ việc này, thậm chí trong một số trường hợp còn tham gia hoặc kích động gây rối.

Hồng y Phạm Minh Mẫn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức một buổi tọa đàm liên tôn giáo và dạ tiệc Giáng sinh tại tổng giáo phận và mời các chức sắc của giáo hội Tin Lành, Phật giáo, Hồi giáo và đạo Cao Đài đến dự. Hồng y Phạm Minh Mẫn thay mặt Giáo hội Công giáo Việt Nam đã chính thức xin lỗi về các hiểu lầm trước đây và kêu gọi mở ra một thời kỳ mới của đối thoại liên tôn giáo.

Phần IV. Chính sách của Chính phủ Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực và thường xuyên bày tỏ quan ngại về quyền tự do tôn giáo với các nhà lãnh đạo Đảng và các quan chức Chính phủ, kể cả lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Công an, và các cơ quan khác tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh. Đại sứ quán cũng duy trì tiếp xúc thường xuyên với các chức sắc tôn giáo và những người bất đồng chính kiến và định kỳ viếng thăm các chức sắc tôn giáo trên cả nước.

Ngoại trưởng Mỹ Clinton trong các cuộc tiếp xúc với quan chức Chính phủ trong năm ngoái đã kêu gọi cải thiện hơn nữa tự do tôn giáo. Tự do tôn giáo cũng là trọng tâm chính của Đối thoại Nhân quyền song phương Mỹ – Việt năm 2009. Thứ trưởng Ngoại giao, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, Đại sứ Hoa kỳ, Tổng lãnh sự Hoa kỳ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các cán bộ tại Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán cũng thảo luận về các vấn đề về tự do tôn giáo với các quan chức cấp cao, kể cả Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bộ Ngoại giao, Trưởng ban Tôn giáo Trung ương, các Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, các quan chức Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh, các quan chức chính phủ cấp cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh trên cả nước và các quan chức, cán bộ khác, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.

Các quan chức của Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán thường xuyên có các cuộc thăm viếng đến các khu vực trên khắp đất nước, đặc biệt là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long để theo dõi môi trường tự do tôn giáo và thường xuyên nhấn mạnh rằng sự tiến triển trong vấn đề tự do tôn giáo và nhân quyền là nhân tố quan trọng để thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.

Các viên chức của Đại sứ quán Hoa Kỳ thúc giục công nhận nhiều nhóm tôn giáo, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, các nhà thờ Tin Lành tại gia và các nhóm Hoà Hảo và Cao Đài bất đồng. Họ cũng thúc giục Chính phủ trao quyền tự do nhiều hơn nữa cho các nhóm tôn giáo được công nhận và chấm dứt những hạn chế đối với các nhóm không đăng ký. Đại sứ và các viên chức trong Đại sứ quán cũng nêu các vụ việc cụ thể mà Chính phủ sách nhiễu các tín đồ Công giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cộng đồng Phật giáo ở Làng Mai, các giáo hội Hòa Hảo và Cao Đài chưa được công nhận và các giáo hội Tin Lành lên Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công an. Đại sứ cũng đã yêu cầu Chính phủ điều tra các cáo buộc về việc lạm dụng các tín đồ một cách vô lý và trừng phạt các cán bộ có liên quan. Các viên chức Sứ quán cũng kêu gọi cho đăng ký và mở cửa trở lại các nhà thờ tại gia từng bị đóng cửa và giải quyết các tranh chấp đất đai kéo dài một cách hòa bình.
 
Với trường hợp của pháp môn Phật giáo Làng Mai, cán bộ lãnh sự quán đã đến thăm làng Mai và tiếp xúc với người đứng đầu Cộng đồng Làng Mai sau vụ bạo lực ở Tây Nguyên. Đại sứ và Phó Đại sứ cũng đã có trên mười cuộc tiếp xúc với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Ban Tôn giáo Chính phủ kêu gọi sự khoan dung, đề nghị đăng ký cho pháp môn này và chấm dứt tình trạng sách nhiễu. Ngoại trưởng Clinton và các quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao đã bày tỏ quan ngại về việc đối xử với các Phật tử ở Làng Mai trong các cuộc họp cả ở Mỹ và ở Việt Nam.

Đại sứ Mỹ và các viên chức của Đại sứ quán cũng tiếp xúc với các quan chức Chính phủ sau khi cây thánh giá lớn bằng bê tông ở Đồng Chiêm bị phá dỡ và các tín đồ Công giáo bị đánh đập. Đại sứ và Phó Đại sứ đã nhiều lần tiếp xúc với tổng giám mục Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và Ban Tôn giáo Chính phủ để yêu cầu ngừng việc ngược đãi và tìm giải pháp hòa bình cho tranh chấp về đất đai. Các viên chức Đại sứ quán cũng thường xuyên tiếp xúc với các tín đồ ở Đồng Chiêm.

Các đại diện của Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán vẫn giữ liên hệ thường xuyên với chức sắc của tất cả các cộng đồng tôn giáo lớn. Phó Đại sứ Hoa kỳ đã tham dự buổi lễ kỷ niệm 350 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam. Các viên chức Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán cũng thường xuyên tiếp xúc với ban đại diện cấp tỉnh của hơn 25 nhóm Tin Lành ở các hệ phái khác nhau, nhất ở là khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc. Trong thời gian bản báo cáo tường trình, Đại sứ quán và lãnh sự quán đã tổ chức một số cuộc họp bàn tròn về tự do tôn giáo để cập nhật thông tin về tình hình tự do tôn giáo từ các giáo hội Tin Lành đã được công nhận và cả các nhà thờ tại gia chưa được công nhận.

Năm 2010, Đại sứ quán đã đề cử ba quan chức cao cấp của Đảng Cộng sản và một cán bộ thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ tham dự Chương trình Khách mời Lãnh đạo Quốc tế để tìm hiểu về tự do tôn giáo ở Hoa Kỳ. Năm 2010, trong suốt hành trình tàu bệnh viện USNS Mercy đến Việt Nam trong sứ mệnh nhân đạo của mình, Hải quân Hoa Kỳ đã phối hợp các hoạt động với một số tổ chức từ thiện tôn giáo và trao tặng xe lăn do Hội Từ thiện Thánh hữu Ngày sau tài trợ.

Từ năm 2005 đến 2010, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ đã viện trợ trực tiếp 7,6 triệu đô-la (148 tỷ đồng) cho các tổ chức Phật giáo, Công giáo và Tin Lành trên toàn quốc trong các lĩnh vực sau: Hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ em có nguy cơ cao; hỗ trợ và điều trị y tế cho người lớn và trẻ em; trợ giúp y tế cho người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm cả chăm sóc tại gia; các chương trình tái hòa nhập cộng đồng và sống tự lập cho phụ nữ và trẻ em; cung cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân AIDS; tập huấn cho các tình nguyện viên Công giáo và Tin Lành làm việc với người nhiễm HIV/AIDS; tư vấn tại các chùa và chăm sóc cuối đời; và hỗ trợ người lớn và trẻ em khuyết tật tái hòa nhập cộng đồng và dạy nghề cho họ.

Theo Đại sứ quán Hoa Kỳ Việt Nam

Link: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/irfreport2010.html

Góc nhìn: Chống tham nhũng tại Việt Nam – Không tiến, không lùi

On the net

“Không tụt xuống, mà cũng chẳng tiến bộ gì”

SGTT.VN – Việt Nam đứng thứ 116 trong tổng số 178 quốc gia và vùng lãnh thổ được tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đo lường về tham nhũng trong năm 2010.

Như vậy, xếp hạng của Việt Nam năm 2010 đã tăng so với vị trí 120 của năm ngoái nhưng điểm số đo lường tham nhũng lại không thay đổi: 2,7/10 điểm. Điều này cho thấy việc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam “không tụt xuống, mà cũng chẳng tiến bộ gì” như cách nói của ông Matthieu Salomon, cố vấn cao cấp quốc tế của tổ chức Hướng tới minh bạch.

Chống tham nhũng tại Việt Nam – Cần nhìn thẳng vào sự thật

(TBKTSG) – Tại cuộc hội thảo quốc tế về phòng, chống tham nhũng vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng nước ta cho biết: “Tham nhũng tại Việt Nam liên tục giảm trong ba năm qua; từ 2007-2009, thứ tự của Việt Nam năm sau đều cao hơn năm trước (tức nạn tham nhũng giảm dần) trên bảng xếp hạng các nước có chỉ số tham nhũng cao” (Sài Gòn Giải Phóng ngày 24-6-2010).

Thật ra, theo báo cáo công khai vào tháng 11-2009 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), trong bảng xếp hạng chỉ số nhận thức về tham nhũng (CPI) toàn cầu năm 2009, Việt Nam vẫn đứng thứ 120/180 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng một bậc so với năm 2008, tăng ba bậc so với năm 2007 và tăng đến chín bậc so với năm 2006 (chứ không phải liên tục giảm).

Điều đáng nói là trong nhiều năm qua, điểm “trong sạch” của nước ta chưa bao giờ vượt quá con số 2,7/10 trong khi theo đánh giá chung, các nước từ 3 điểm trở xuống là ở mức báo động về tham nhũng.

Trong bảng xếp hạng của TI năm 2009, đứng đầu bảng (trong sạch nhất) là New Zealand với 9,4 điểm, tiếp theo là Đan Mạch 9,3 điểm, Thụy Điển và Singapore đồng hạng ba với 9,2 điểm. Mỹ đứng thứ 19 với 7,3 điểm, Trung Quốc thứ 79 với 3 điểm. Xếp cuối bảng (hạng 180) là Somalia với chỉ 1,1 điểm.

Thực tế của Việt Nam và thế giới cho thấy tham nhũng luôn song hành với đói nghèo và bất công xã hội bởi “chiếc bánh” (GDP) mà cả nước làm ra bị một số ít kẻ tham nhũng “gặm nhấm” một mảng khá lớn, phần còn lại chia cho tất cả những người còn lại nên tất nhiên phải ít đi! Tại những quốc gia có tình trạng tham nhũng ở mức báo động như Việt Nam, lòng tin của người dân vào lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống luôn bị thách thức nghiêm trọng, từ đó tạo nên những nguy cơ khó lường…

Vấn đề đặt ra là cần phải thật sự quyết tâm và có biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả, thiết thực, không hô hào chung chung và lãnh đạo các cấp, các ngành cần phải nêu gương trước. Muốn vậy, trước hết phải nhìn thẳng vào thực trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay chứ không nên né tránh. Có chẩn đúng bệnh, mới hy vọng điều trị được bệnh. Nếu không trị dứt được thì chí ít cũng phải giảm đáng kể như Singapore và một số quốc gia khác đã làm được.

Theo Sagontimes

Link gốc: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/bandocviet/36888/

Góc nhìn: Nhân sự đại hội XI – Nhìn từ Trung Quốc

On the net

Kết cuộc, hàng loạt những quan chức chóp bu trong bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc bị thanh trừng, cả những lão hàng Bộ Chính trị cũng bị kết án, bị tử hình. Còn phía Việt Nam mình, xây dựng được gì và chỉnh đốn được gì?

Trương Duy Nhất

Trương Duy Nhất – Nhìn từ Trung Quốc

Đang mùa đại hội, nghe thiên hạ đồn đoán về danh sách ai đi ai ở và việc chọn ngôi vị, lại lẩn thẩn muốn viết những dòng này.

Giữa lúc làn sóng bài Hoa đang inh ỏm, chắc chắn bài viết này sẽ bị ném đá dữ dội. Tuy nhiên, bình tâm ngẫm lại, trong hàng núi những ứng xử, mưu mô thâm hiểm của người Trung Hoa, vẫn cần phải nhìn để học họ nhiều điều. Ngay cả quyết tâm “thay đổi hệ thống chính trị” đang được khởi xướng từ chính vị Thủ tướng đương nhiệm họ Ôn cũng là điều đáng để giật mình.

Tôi chưa tin lắm vào sự thay đổi này, bởi chưa chắc ông Ôn Thủ tướng đã làm xoay chuyển được điều gì to tát lắm. Thế nhưng, quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ rất rõ. Đặc biệt là ông nói, ông khởi xướng ngay từ khi còn đương nhiệm. Nó rất khác với các lãnh tụ Việt, chỉ nói hay, chỉ nổ như bắp rang, chỉ vung tay múa chân, chỉ mở miệng kêu gọi dân chủ dân tớ khi đã nghỉ hưu về vườn.

Khi đương chức Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước, nhận thấy tham nhũng đã di căn vào trong máu đảng, nhiễm tới tận thiên triều, Giang Trạch Dân đã mạnh bạo khởi xướng một chiến dịch “trị đảng”. Ông nói “muốn trị quốc phải trị đảng!”. Trong khi đó, phía Việt Nam chúng ta cũng chạy theo mở một chiến dịch nhưng gọi mềm đi là “xây dựng và chỉnh đốn đảng”. Thậm chí khi đó có bài viết của tôi đưa chữ chỉnh đốn lên trước chữ xây dựng bèn bị nhắc nhở.

Kết cuộc, hàng loạt những quan chức chóp bu trong bộ máy đảng Cộng sản Trung Quốc bị thanh trừng, cả những lão hàng Bộ Chính trị cũng bị kết án, bị tử hình. Còn phía Việt Nam mình, xây dựng được gì và chỉnh đốn được gì?

Hơn 30 năm trước, khi quyết định thử nghiệm mô hình đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, nhiều người khuyên can. Nhưng Đặng Tiểu Bình vung tay chém lên… Trời và nói một câu bất hủ: Nếu mất thì chỉ mất mỗi Thẩm Quyến, còn được thì được cả nước Trung Hoa!

30 năm sau, thực tế chứng minh người Trung Quốc được hay mất trong mô hình Thẩm Quyến. Nhìn cách người Trung Quốc lấy lại Hồng Kông, Ma Kao và đang quăng bủa lưới kéo Đài Loan, khiến kẻ thù nhiều lúc cũng phải… vỗ tay!

Nhìn ra cả thế giới, cũng không có dân tộc nào, quốc gia nào dám chấp nhận mô hình “một quốc gia hai chế độ” như Trung Quốc. Ngay từ khi các quốc gia trong phe XHCN còn đủ mạnh làm đối trọng, Trung Quốc đã dám đứng riêng ra, dám bảo họ xây dựng một mô hình XHCN khác, mô hình XHCN mang màu sắc Trung Quốc.

Trung Quốc mỗi ngày một mạnh lên. Vị thế (tất nhiên là cả mưu mô toan tính) của người Tàu khiến ngay cả người Mỹ và thế giới phải kiêng nể, dè chừng. Nhìn vào sự vùng dậy lớn mạnh lên của người Tàu, thấy mỗi giai thời họ đều có được một nhân vật đủ sức khuynh loát, vai trò cá nhân đủ sức làm xoay chuyển thời cuộc. Mỗi một giai đoạn phát triển của đất nước Trung Hoa luôn gắn liền với dấu ấn cá nhân của một con người cụ thể. Điều này ngay cả người Mỹ cũng thua.

Hình như trong tư duy người Tàu, họ chọn vị thuyền trưởng cầm lái trước rồi mới chọn đội ngũ thợ chèo sau. Ví như ngay từ bây giờ, khi Ôn Thủ tướng còn đương quyền, còn đang lớn tiếng hô hào đòi “thay đổi hệ thống chính trị”, thì cả thế giới đã biết gần như chắc chắn người kế vị cầm lái con thuyền Trung Hoa trong giai đoạn hậu Ôn là ai rồi.

Còn người Việt ta làm ngược lại, chọn tốp thợ chèo trước rồi trong cái đám thợ chèo ấy mới so đũa chọn người cầm lái. Cũng vì thế mà cứ mỗi kỳ chọn, trong cái đám đũa kia lại hục hịch đấm đá nhau ỏm tỏi đến loạn cả thiên triều. Để rồi chẳng ông nào chịu ông nào, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, có việc chi cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông. Cứ như Trung Quốc, kiểu vương quyền gia trưởng phong kiến đấy, nhưng lại tránh được loạn quyền, tránh được nạn đấm đá giành tranh nhau trước những kỳ đại hội.

Với Việt Nam, có lẽ sau thời Hồ Chí Minh, ngoài Hồ Chí Minh, duy nhất ông Lê Duẩn có thời được coi là nắm quyền khuynh loát, tiếng nói, quyền uy và vai trò cá nhân sai khiến, lay chuyển được cả một bộ máy.

Để thay chuyển tình thế đất nước, Việt Nam cần có một Hồ Chí Minh 2, hay chí ít cũng phải một nhân vật cỡ Lê Duẩn 2. Chứ nhìn trông vào đội ngũ hiện thời, một đội ngũ làng nhàng chẳng ai hơn ai, có việc chi cũng nhìn qua ngó lại chả ai dám quyết, cũng phải họp để giơ tay lấy số đông, thì chẳng mong đợi có được sự thay chuyển lớn lao nào.

Vì thế, chiếu với 3 điều Talawas đang… trưng cầu dân ý, tôi thấy việc hệ trọng bậc nhất của Việt Nam hiện nay là: không tìm ra được một nhân vật đủ tài năng và bản lĩnh để khuynh loát cái đám đông chuyên nhìn nhau gật gù. Còn hỏi nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì thì đó là một câu hỏi hết sức vớ vẩn. 24 tiếng chưa đủ để xướng danh “tôi là Thủ tướng”!

Và tất nhiên khi đó chỉ cần nhìn trông vào tay thuyền trưởng này, sẽ đoán định được nó đi đến đâu trong những thời khắc 2010, 2020 và 2030, hoặc xa hơn nữa!

Theo blog Trương Duy Nhất

Góc nhìn: Việt Nam cần phải cảnh giác…với ai?

On the net

环球时报社论:不能让美国挑拨中越关系

XÃ LUẬN HOÀN CẦU THỜI BÁO:  KHÔNG THỂ ĐỂ CHO MỸ XÚC XIỂM CHIA RẼ MỐI QUAN HỆ TRUNG-VIỆT

http://internal.dbw.cn/ 2010-07-28 09:23:13

中国与东南亚国家的关系能否稳定,中越关系是关键。中越两国有政治上相互倚重、两党关系比较牢固的大局,但中越南海争端又相对突出,两国曾在西沙交战。几天前希拉里宣布在南海有美国国家利益的讲话,就是在越南发表的。

 

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á có ổn định được hay không là do mối quan hệ Trung Việt đóng vai trò then chốt. Hai nước Trung Việt có  sự tin cậy qua lại về chính trị, quan hệ hai Đảng có được đại cục khá bền chắc, nhưng sự tranh chấp biển Nam Hải (tức Biển Đông – ND) lại tương đối nổi trội, hai nước đã từng giao chiến ở Tây Sa (tức Hoàng Sa – ND). Bài nói của Hillary Clinton mấy ngày trước tuyên bố lợi ích quốc gia của Mỹ ở Nam Hải đã được phát biểu ngay chính tại Việt Nam.

越南是东南亚第二大人口国,经济增长快。越南对中国的态度会影响其它东南亚国家。但换个角度看,越南是东南亚唯一共产党领导的国家,处在西方意识形态的对立面,中国强大与繁荣是越南体制合法性的重要依据。中越两国都有迈过领土争端、友好共荣的战略需求。

Việt Nam là nước đông dân số thứ hai Đông Nam Á, kinh tế tăng trưởng nhanh. Thái độ của Việt Nam đối với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia Đông Nam Á khác. Nhưng nếu xem xét từ góc độ khác, thì Việt Nam là nước do Đảng cộng sản lãnh đạo duy nhất ở Đông Nam Á, ở về phía đối lập với hình thái ý thức của Phương Tây, Trung Quốc lớn mạnh và phồn vinh là chỗ dựa quan trọng mang tính hợp pháp cho thể chế Việt Nam. Hai nước Trung Việt đều đã vượt qua được sự tranh chấp về lãnh thổ, đều có nhu cầu chiến lược đồng phát triển và hữu nghị.

中越最近几十年有过联合抗美的经历,也彼此因领土争端发生了多次交战,但时至今日,两国官方都淡化曾经发生的冲突,越南舆论没有像印度那样对战 争念念不忘。一些煽动“仇华”的知识分子在越南受到压制。两周前,长达1300多公里的中越陆地边界勘界正式生效。而早在六年前,两国就已实施了北部湾海 上划界协定,这是中国与8个有海上边界争议的邻国中唯一一个划界协定。

Hai nước Trung Việt mấy chục năm gần đây đã từng kinh qua liên hợp với nhau để chống Mỹ, và cũng từng nhiều lần giao chiến do phát sinh tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên, nhưng cho đến ngày hôm nay, quan hệ song phương chính thức của cả hai nước đều làm dịu bớt những xung đột từng phát sinh, dư luận Việt Nam không giống như Ấn Độ là cứ mãi ghi tạc trong lòng kí ức về chiến tranh. Một số trí thức kích động “thù Hoa” ở Việt Nam đã bị áp chế. Hai tuần trước, việc phân giới cắm mốc biên giới đường bộ Trung Việt dài tới hơn 1300 km đã chính thức có hiệu lực. Ngay từ 6 năm trước, hai nước đã thực thi Hiệp định phân giới trên biển ở Vịnh Bắc Bộ, đây là hiệp định phân giới duy nhất trong số 8 nước lân cận có tranh chấp đường biên giới trên biển với Trung Quốc.

越南处在一个既与中国紧密、又对美国期待的特殊点上。而拉住越南,不让它投入西方的怀抱,对中国周边大战略有重要意义。

Việt Nam ở vào điểm đặc thù vừa khăng khít với Trung Quốc, lại vừa kì vọng vào Mỹ. Việc kéo Việt Nam lại, không để nước này rơi vào vòng tay Phương Tây mang  ý nghĩa quan trọng đối với đại chiến lược ngoại vi của Trung Quốc.

利用越南破坏中国的周边环境,进而将东南亚打造成阻碍中国崛起的前沿,是美国及一些西方战略家们的长期诉求。今年2月,五角大楼的一份报告就 说,美国遏阻中国在南海咄咄逼人之势,越南是日益重要的战略盟友。西方媒体热衷谈论中越矛盾与争端,却很少突出意识形态对中越两国的粘合。西方舆论常把中 国比喻成“大象”,有可能随时南下“踩平越南”,类似的挑拨在越南民间产生了一定影响。

Lợi dụng Việt Nam để hủy hoại môi trường ngoại vi của Trung Quốc, từ đó đặt Đông Nam Á vào vị trí tiền duyên gây trở ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc là ước muốn bấy lâu nay của Mỹ cùng một vài chiến lược gia Phương Tây. Tháng 2 năm nay, một báo cáo của Lầu Năm Góc nói, Mỹ ngăn chặn thế hung hăng của Trung Quốc ở Nam Hải và Việt Nam là đồng minh chiến lược ngày càng quan trọng. Các phương tiện truyền thông Phương Tây sôi nổi luận bàn về sự mâu thuẫn và tranh chấp giữa hai nước Trung Việt, nhưng lại rất ít khi làm nổi rõ sự kết dính về hình thái ý thức giữa hai nước. Dư luận Phương Tây thường ví Trung Quốc là “con voi lớn”, rất có thể sẽ “dẫm nát Việt Nam” ở  phía Nam vào bất cứ lúc nào, những xúc xiểm chia rẽ tương tự như vậy đã nảy sinh tác động ảnh hưởng nhất định đối với người dân Việt Nam.

西方为了应对中国崛,有可能下更大力气拉拢越南。但这种依据战略需求利用越南的作法,不可能永远持续下去。西方曾利用中国反对苏联,但随着苏联垮台,中国与西方的战略关系很快就发生了变化。越南对此大概也心中有数。

Để ứng phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Phương Tây rất có thể sẽ lôi kéo Việt Nam mạnh hơn. Nhưng cái phương cách dựa vào nhu cầu chiến lược để lợi dụng Việt Nam này không thể tiếp tục được mãi. Phương Tây từng lợi dụng Trung Quốc để chống lại Liên Xô, nhưng cùng với sự sụp đổ của Liên Xô, mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Phương Tây đã thay đổi hết sức nhanh chóng. Việt Nam chắc hẳn cũng có sự tính toán riêng đối với vấn đề này.

中越在南沙群岛上争端的压力,小于西方体制对越南社会造成的压力。中越两国走过的改革开放之路极其相近,两国都有保持国内及周边稳定、专心发展经济的愿望。维护与中国的关系,对保证越南的长久政治环境及经济利益都是至关重要的。

Áp lực giữa hai nước Trung Việt về tranh chấp quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa – ND) nhỏ hơn áp lực của thể chế Phương Tây về việc tạo dựng xã hội Việt Nam. Hai nước Trung Việt cực kì giống nhau khi đi vào con đường mở cửa cải cách, cả hai nước đều có nguyện vọng duy trì sự ổn định trong nước và bên ngoài, chuyên tâm vào phát triển kinh tế. Giữ gìn quan hệ với Trung Quốc là điều hết sức quan trọng đối với việc bảo đảm môi trường chính trị và lợi ích kinh tế lâu dài cho Việt Nam.

越南需要警惕,莫让自己变为美国战略围堵和防范中国崛起的棋子。解决中越领土问题已在两国陆地边界和北部湾有了范例,这些经验与引入美国的力量格格不入。中国不会允许美国在南海随意释放其“国家利益”,希望越南也别在西方的蛊惑释放前动摇。▲

Việt Nam phải cảnh giác, đừng để mình biến thành quân cờ trong chính sách chiến lược ngăn chặn và phòng ngừa Trung Quốc trỗi dậy của Mỹ. Giải quyết vấn đề lãnh thổ Trung Việt đã có được tiền lệ về biên giới đường bộ giữa hai nước và Vịnh Bắc Bộ, những kinh nghiệm ấy hoàn toàn không tương hợp với việc đưa lực lượng của Mỹ vào. Trung Quốc sẽ không cho phép Mỹ tùy tiện buông thả “lợi ích quốc gia” của mình trên biển Nam Hải, hi vọng là Việt Nam cũng chớ có dao động trước sự mơ hồ lẫn lộn của Phương Tây.

NGUỒN: http://internal.dbw.cn/system/2010/07/28/052645585.shtml

Bản tiếng Việt © Gốc Sậy 2010

www.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.wswww.bigoo.ws

Tôi không nghĩ là vì post bài này, mà Gốc Sậy blog bị đánh sập.

Nhiều bác hỏi, vì chưa đọc, nên tôi post lại.
Cũng là để pà-kon “soi xét” hộ xem tôi có PHẠM HÚY không.

Blog Nguyễn Hồng Kiên

Link gốc: http://kiennguyenhong.wordpress.com

Góc nhìn: Bill Hayton – Đảng cộng sản và tương lai nào cho Việt Nam

On the net

Biểu diễn văn nghệ chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)

Bill Hayton là ký giả thường trú của BBC tại Việt Nam vào năm 2006-7. Trong khoảng thời gian này\, ông cũng viết cho các báo The Times, Finantial Times, và Bangkok Post. Mới đây, Yale University Press đã xuất bản cuốn Vietnam Rising Dragon của Bill Hayton, với những nhận xét rất sắc bén của ông về tình hình Việt Nam.

Đây là bản dịch bài “Epilogue” (Lời kết) trong cuốn Vietnam Rising Dragon.

Nguồn: Bill Hayton, Vietnam Rising Dragon, “Epilogue”, Yale University Press, 2010. Trang: 226-8

Bill Hayton – Đảng cộng sản và tương lai Việt Nam

Trong vài năm gần đây, Đảng đã có thể cầm cương giới đặc lợi khi họ đe dọa ổn định an ninh quốc gia nhưng khả năng làm như vậy đang suy yếu. Thành viên của Đảng nhiều dân thành thị hơn, nhiều tiểu tư sản hơn. Các đại gia và xếp lớn địa phương tạo ra những hệ thống bao che biến họ thành những người không thể đụng tới. Giới đặc lợi đang nắm quyền…

Không có điều gì không thể xảy ra kế tiếp tại Việt Nam. Xứ sở này phát triển hay trì trệ, sẽ tùy thuộc vào sự lựa chọn chính yếu của Đảng Cộng sản. Các thành tố cho sự thành công của quốc gia đã sẵn sàng. Vài thứ có thể đo lường được dễ dàng: một dân tộc trẻ trung, số đông có trình độ giáo dục căn bản, và đầu tư ngoại quốc tràn ngập. Những thứ khác kém cụ thể hơn, đặc biệt về tính lạc quan và khả năng tiếp thụ của dân chúng. Nhưng những thành tố này có thể dễ dàng bị hoang phí hay hư hao. Đất nước đang tích trữ những khó khăn – sự vững mạnh của thành phần tinh hoa mới, sự sa sút của nhà nước, việc lạm dụng môi sinh, bất bình đẳng sắc tộc và những điều khác đã trình bày. Tất cả những vấn đề này đều có thể giải quyết được, nhưng càng để lâu, càng trở thành tệ hại. Câu hỏi đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo Đảng có ý chí để giải quyết chúng kịp thời.

Tôi không tin rằng Đảng đang trên đường tiến tới tự do dân chủ, ngay cả hướng về “dân chủ điều khiển”. Cả hai thuật ngữ này đều hàm ý về chủ quyền đối với người dân và không phải là lối suy nghĩ của Đảng. Đảng chuẩn bị cho sự tham dự rộng rãi hơn trong việc quản trị đất nước, đặc biệt ở cấp xã, nhưng không chuẩn bị cho người dân cai trị. Tất cả bằng chứng cho thấy Đảng chú tâm nắm giữ quyền làm chính sách. Công dân có quyền báo động về những lạm dụng hay kém hiệu quả, nhưng không được quy trách các nhà lãnh đạo Đảng hay những người được che chở về việc làm hay vị thế vĩnh viễn của họ. Những nguyên nhân chính của các vấn đề như tham nhũng, ô nhiễm hay tài chính bất ổn thì cứ để mặc cho đến khi chúng trở thành khủng hoảng.

Từ khi được độc lập, Đảng đã duy trì sự kiểm soát trên cả nước qua hệ thống theo dõi và vận dụng. Nhưng khi đất nước trở thành giàu có hơn, hệ thống này trở thành khó duy trì hơn. Lương cao sẽ khiến việc duy trì hệ thống bảo đảm công việc cho mọi người không thể kham nổi và những công dân có lợi tức độc lập có nhiều khả năng hơn để coi thường [hệ thống kiểm soát của Đảng]. Thế hệ dân chúng trẻ hơn, hấp thụ hàng ngàn thứ giải trí hấp dẫn của cuộc sống thành thị, không dễ dàng bị vận dụng bởi các chỉ thị của Đảng. Thiếu các nghĩa vụ truyền thống về theo dõi và vận dụng, Đảng bộ địa phương sẽ sa sút và thẩm quyền bị tàn tạ. Đảng sẽ cần cơ chế mới để giúp quản trị xã hội mới. Đã có một đồng minh chủ yếu trong xã hội Việt Nam trọng truyền thống là nghĩa vụ đối với gia đình và cộng đồng nhưng bù lại phải có nhiều tự trị hơn cho họ.

Trong vài thập niên qua, Đảng đã đạt được sự trung thành bằng cách phát triển kinh tế và tạo việc làm. Sản phảm nông nghiệp, công nghệ và kỹ nghệ sản xuất đã bùng phát nhưng đã phải trả giá về môi sinh. Ngư nghiệp bị tàn phá, sông ngòi bị chết vì chất độc phế thải và thành phố bị nghẹt thở vì ô nhiễm. Bây giờ người dân phải trả giá. Cách phát triển hiện tại nói thẳng ra là không thể kham nổi. Nếu những vùng quanh Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trở thành những đô thị kỹ nghệ lớn thì chúng cần có những biện pháp bảo vệ môi sinh chặt chẽ hơn, hay rất giản dị, chúng sẽ trở thành những nơi không thể sinh sống được.

Phát triển đem lại lợi lộc cho các thành phố nhiều hơn cho các vùng nông thôn, và cho người Kinh nhiều hơn các sắc tộc. Vì các vùng xa bị bỏ lại phía sau, và bất bình đẳng sắc tộc gia tăng, các nhóm thiểu số cảm thấy bị tách biệt nhiều hơn. Những khiếu kiện về kinh tế có thể trở thành khiếu kiện về sắc tộc. Tình trạng tại vùng Trung Nguyên đã đáng ngại và có thể sẽ tệ hơn. Tình trạng của các nhóm thiểu số khác, như người Khmer ở Đồng bằng Cửu Long, hay như các nhóm sống ở miền tây Bắc Cao nguyên và miền ven biển nam-trung, trong khi chưa đến nỗi tệ, vẫn có thể dễ dàng trở thành vấn đề chính trị.

Cho đến nay, Đảng đã quản trị đất nước trải qua thời kỳ chuyển tiếp tương đối tốt. Việt Nam đã đi từ chủ nghĩa Stalin sang kinh tế thị trường mà không trải qua tình trạng sát huynh đệ như Yugoslavia hay “sốc trị” (shock therapy) như tại Đông Âu. Nhưng mỗi ngày xã hội trở thành phiền toái thêm và những vấn đề của nó rắc rối hơn. Đảng không thể giải quyết chúng một mình. Gia tăng đương đầu với những vấn đề, như thêm bất bình đẳng và tham nhũng địa phương, thì không phải là kỹ thuật mà là chính trị, và giải quyết chúng cần phải đối phó với thành phần tinh hoa mới. Trong vài năm gần đây, Đảng đã có thể cầm cương giới đặc lợi khi họ đe dọa ổn định an ninh quốc gia nhưng khả năng làm như vậy đang suy yếu. Thành viên của Đảng nhiều dân thành thị hơn, nhiều tiểu tư sản hơn. Các đại gia và xếp lớn địa phương tạo ra những hệ thống bao che biến họ thành những người không thể đụng tới. Giới đặc lợi đang nắm quyền.

Qua trên 70 năm biến đổi, Đảng Cộng sản đã kiến tạo được một đặc tính mạnh mẽ về lãnh đạo quốc gia và trách nhiệm tập thể. Nó đã duy trì được kỷ luật trong hàng ngũ chọn lọc và giữ được sự khác biệt trong phạm vi cân xứng có thể cầm chừng được. Nền dân chủ nội bộ của nó đã cho phép những mối quan tâm khác biệt trong xã hội được thảo luận và tìm ra vài đồng thuận. Câu hỏi lớn nhất đối diện đất nước là liệu Đảng có thể tiếp tục đóng vai trò đó khi xã hội trở thành giàu có hơn và phân chia hơn. Nếu Đảng trở thành công cụ của thành phần kinh doanh chọn lọc rồi các nhóm khác, đặc biệt là công nhân, có thể chọn cách hành động bên ngoài hệ thống Đảng. Hơn nữa, nhiều thế lực mới xuất hiện trong xã hội, bên ngoài Đảng. Nếu Đảng không tìm cách để bao gồm họ trong việc hoạch định đường lối, họ có thể trở thành bất kham.

Không có vấn đề nào vừa kể sẽ được giải quyết trừ khi có áp lực phải làm như vậy, nhưng hệ thống ảnh hưởng dễ dãi lại cản trở sự phân tích nghiêm túc về chúng. Phải chăng số phận của Việt Nam là trở thành một nước khác tại Đông Nam Á bị cai trị bởi một băng đảng độc tài (oligarchy)? Rõ rệt là có thể như vậy nhưng không bắt buộc phải như vậy. Từ lâu Đảng đã hạn chế tự do ngôn luận để khỏi phải đương đầu về quyền cai trị của mình. Nhưng, lâu dần quyền phát biểu đã bị giới hạn vì lợi ích cá nhân của  người ở địa vị cao. Lợi ích cá nhân của họ đã được ưu tiên hơn lợi ích quốc gia. Những ai vẫn còn coi lợi ích quốc gia là ưu tiên cần sự giúp đỡ. Họ cần giới truyền thông có thể tìm ra những sự thật khó chịu, họ cần những con người của công chúng để phổ biến những khiếu kiện và họ cần có thể vận dụng áp lực trên giới lãnh đạo. Để Việt Nam có thể gia nhập hàng ngũ các con hổ kinh tế, nó cần phải được tháo xiềng xích về tự do phát biểu. Nó có thể gây rắc rối trong ngắn hạn nhưng cuối cùng nó sẽ tránh được nhiều gấp bội.

(Đinh Từ Thức dịch)

Nhận định bình luận: Quan hệ Việt Mỹ – Từ góc nhìn Trung Quốc

On the net

Lôi kéo và gây sức ép luôn là phương châm cơ bản của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam từ 15 năm qua. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gần đây đã tổ chức hội nghị liên tịch, triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ và an ninh xã hội.

Không nên chỉ chú ý đến những lời đường mật của Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Hà Nội hồi cuối tháng 7 vừa qua, mà còn phải thấy nước Mỹ và thế lực chính trị do Mỹ nuôi dưỡng đang ngấm ngầm muốn làm gì tại Việt Nam.

Xinhuanet – Việt Nam liệu có liên minh với Mỹ?

(Bài đăng trên mạng XINHUANET của tác giả Lăng Đức Quyền – nguyên Trưởng phân xã Tân Hoa Xã tại Hà Nội, hiện là Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu các vấn đề quốc tế của THX, trực tiếp nghiên cứu vấn đề Việt Nam và quan hệ Trung – Việt)

TTXVN (Bắc Kinh 25/8)

Gần đây báo chí nói rất nhiều và bằng rất nhiều cách liên quan đến khả năng “Việt Nam và Mỹ liên minh với nhau đối phó với Trung Quốc”. Những dư luận như vậy tuy không dựa vào sự thật căn bản nhưng không phải hoàn toàn không có căn cứ.

Những thế hệ già trẻ lưu vong trung thành với chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũ vẫn còn nuôi giấc mộng “khôi phục chế độ”, “về lại quê hương”. Những người này không chỉ cực đoan căm thù Đảng Cộng sản Việt Nam, căm thù Chính phủ, quân đội và nhân dân Việt Nam, những người đó đã đánh đổ chúng, mà còn ghi xương khắc cốt thù hận Trung Quốc là người bạn đã ủng hộ Việt Nam giành thắng lợi trong chiến tranh chống Mỹ. Trước sau những người này vẫn nghĩ ông chủ cũ sẽ giúp họ trở lại nắm chính quyền, “giành lại những gì đã mất trong chiến tranh”. Nếu liên minh dựa vào Mỹ mà từ bỏ những thứ nói trên, liệu họ có còn hướng đi nào khác? Tuy nhiên, đám xác chết với những âm hồn tản mạn có được người Mỹ nhìn nhận trở lại như là “đồng minh” nữa hay khyoong? Có lẽ nhiều lắm cũng chỉ được coi là những tên lính hầu tiểu tốt mà thôi.

Còn có một số người Việt Nam phản bội, bỏ chạy khỏi hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam như Bùi Tín, Phó tổng biên tập cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, điên cuồng chống Cộng, mấy hôm trước còn ra sức kêu gào Việt Nam và “tất cả các quốc gia dân chủ” như Mỹ liên minh với nhau cùng chống lại “mối đe dọa từ Trung Quốc”.

Ở trong nước, Việt Nam cũng không phải không có người hoặc công khai hoặc ngấm ngầm chủ trương rước sói vào nhà. VIETNAMNET, một tờ báo mạng không thuộc dòng chính thống có thế mạnh ở Hà Nội từ đầu năm tới nay đã thông qua phương thức liên lạc, đối thoại với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, đến phỏng vấn một số cựu quan chức ngoại giao cao cấp, tuyên truyền khuyến khích nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ, xây dựng “quan hệ đối tác chiến lược”, thậm chí thảo luận thăm dò khả năng liên kết thành “đồng minh” với Mỹ. Tuy nhiên, những quan chức tuy đã nghỉ hưu nhưng vẫn quan tâm tới chính trị nói trên vừa không đại diện cho Chính phủ của Đảng Cộng sản Việt Nam, vừa không phản ánh được ý nguyện của quảng đại quần chúng nhân dân Việt Nam là những người đã chịu nhiều hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Nhưng tại sao những người này lại ra sức cổ vũ, và lịch sử cũng như bối cảnh cá nhân của họ cũng là vấn đề rất đáng phải tìm hiểu.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam liệu có “liên minh” với Mỹ? Về lâu dài xin tạm gác lại, hãy nghe nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây trịnh trọng tuyên bố và cam kết với thế giới:

– Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 6 tổ chức ở Xinhgapo ngày 31/5/2009, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng (Ủy viên Bộ Chính trị TW ĐCSVN), tuyên bố nguyên tắc và lập trường của Việt Nam trong ngoại giao quốc phòng như sau: “Không liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống lại nước khác, không cho phép nước ngoài xây dựng căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, không chạy đua vũ trang, chỉ từng bước hiện đại hóa quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng để phòng thủ và bảo vệ quốc gia”.

– Ngày 14/8 năm này trong khi bày tỏ thái độ về những “vấn đề nóng” như sự kiện tàu chiến Mỹ tới thăm Việt Nam và quan hệ quân sự Việt – Mỹ, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã chính thức làm sáng tỏ và trình bày rõ như sau: “Một số đài báo phương Tây bình luận ầm ĩ, cho rằng Việt Nam đang tăng cường quan hệ hải quân với Mỹ nhằm ‘cân bằng sức mạnh’ ở Biển Đông. Lối bình luận như trên không có căn cứ, thiếu hiểu biết về chính sách quốc phòng của Việt Nam. Chúng tôi trước sau luôn thực hiện chính sách quốc phòng bảo vệ tổ quốc bằng cách dựa vào sức mình là chính. Chúng tôi luôn giữ quan điểm độc lập tự chủ, không tham gia liên minh quân sự, không dựa vào nước này chống lại nước kia”.

Ở Việt Nam không phải không có sự khác biệt và tranh cãi trong rất nhiều vấn đề lớn, cũng không cần phải ngạc nhiên trước những hiện tượng khác biệt và tranh cãi nói trên. Nhưng các nhà nghiên cứu và những nhà quan sát có trách nhiệm tuyệt đối không thể phóng đại vô hạn độ những thông tin mà một số người cố ý tạo ra với thái độ thiếu khách quan và không nghiêm túc, mà cần nhìn nhận những thông tin chuẩn xác và có độ tin cậy cao. Nếu nhào nặn tô vẽ, dùng tin đồn chuyển tải tin đồn, dẫn dụng phóng đại sẽ chỉ khiến công chúng hiểu sai vấn đề, gây hậu quả xấu cho toàn bộ công tác đối nội đối ngoại, mức độ tai hại sẽ rất khó lường!

Từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 năm 1986 đến nay, Việt Nam đã từng bước thay đổi đường lối đối ngoại liên minh với Liên Xô, “nghiêng hẳn” về Liên Xô mà các nhà lãnh đạo trước đó một thời thực hiện, chuyển sang đường lối ngoại giao “độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”, “làm bạn với các nước trên thế giới”, “tranh thủ môi trường quốc tế hòa bình ổn định”. Năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ giữa hai đảng hai nước, năm 1955 Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Mỹ, gia nhập khối ASEAN, tích cực phát triển quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế trên thế giới.

Gần đây, trong bài phát biểu của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam cùng các bài viết đăng trên các báo lớn có uy tín ở Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh chính sách đối ngoại của Việt Nam: “Thi hành nguyên tắc độc lập, tự chủ, hòa bình và hợp tác, phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, tích cực chủ động hội nhập quốc tế; vừa là bạn đáng tin cậy vừa là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; phấn đấu cho một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.

Trên thế giới, bất cứ quốc gia có chủ quyền nào cũng đều có quyền lựa chọn chế độ xã hội và chính sách đối nội đối ngoại của mình. Các nhà quan sát và nhà bình luận về các vấn đề quốc tế cần quan sát chính sách đối ngoại của một quốc gia một cách nghiêm túc và khách quan, nhận thức rõ đầu đuôi ngọn nguồn, phải trái trắng đen, phân biệt rõ đâu là mạch chính, đâu là mạch nhỏ, đâu là tiếng nói chủ yếu, đâu là tạp âm từ những tiếng nói khác nhau trong nội bộ một quốc gia. Đối với Việt Nam đương nhiên cũng không thể ngoại lệ.

Chính quyền và chế độ xã hội ở Việt Nam hiện nay là do Đảng Cộng sản Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đã lãnh đạo toàn thể nhân dân Việt Nam trải qua mấy chục năm phấn đấu gian khổ bằng xương máu mới giành lại được. “Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” là sự lựa chọn của nhân dân Việt Nam. Mọi nước trên thế giới đều phải tôn trọng sự lựa chọn đó của nhân dân Việt Nam.

Mỹ và Việt Nam từng là “kẻ thù không đội trời chung” đánh nhau suốt mười mấy năm. Dòng thác lớn của thế giới ngày nay là hòa bình, hợp tác, phát triển. Việc “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” của hai “kẻ thù cũ” nói trên không những có lợi cho nhân dân hai nước, mà còn có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực. Trên thực tế, quan hệ Trung – Mỹ từ khi Tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc năm 1972 đến nay về đại thể cũng chẳng giống như vậy đó sao?

Là hai láng giềng núi sông liền một dải, việc người Trung Quốc quan tâm những thay đổi trong quan hệ Việt – Mỹ, và người Việt Nam quan tâm những thay đổi trong quan hệ Trung – Mỹ đều rất đỗi tự nhiên như vậy. Mọi người chúng ta không nên nhìn nhận một số biểu tượng trong quan hệ Việt – Mỹ một cách phiến diện và đơn giản hóa. Nhắm mắt làm ngơ trước sự thay đổi trong quan hệ Việt – Mỹ là điều ngốc nghếch, đánh giá quá mức mức độ quan hệ Việt – Mỹ cũng sẽ gây phức tạp cho chính mình.

Về mặt xử lý quan hệ song phương, Việt Nam và Mỹ có lợi ích chung nhưng mục tiêu và xuất phát điểm không giống nhau. Mọi người gần đây đã thấy một số biểu hiện nổi bật về sự “ấm lên” trong quan hệ Việt – Mỹ, nhưng thử hỏi mọi người có thấy Chính phủ Mỹ, chính khách Mỹ và các báo lớn ở Mỹ có ngừng lợi dụng “dân chủ”. “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” và “tự do báo chí” để ngang ngược công kích Đảng Cộng sản Việt Nam hay Chính phủ Việt Nam hay không? Một số nghị sĩ Quốc hội Mỹ gần đây còn lên tiếng ầm ĩ đòi đưa Việt Nam trở lại danh sách đen với các “quốc gia đi ngược lại tự do tôn giáo” do Chính phủ Mỹ tự đặt ra!

Có một chủ đề vẫn luôn được các nhà lãnh đạo và dòng báo chí chủ lưu của Đảng, của quân đội Việt Nam tuyên truyền từ rất nhiều năm nay là đề phòng và chống lại âm mưu gây “cách mạng màu sắc”, “diễn biến hòa bình và tự diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch. Những vụ án cũng như sự thực về việc can thiệp thô bạo vào các công việc nội bộ của Việt Nam được báo chí chủ lưu công khai đưa tin cũng đủ khiến người ta phải giật mình, hơn nữa đó cũng chỉ là một phần chứ hoàn toàn không phải toàn bộ.

Lôi kéo và gây sức ép luôn là phương châm cơ bản của Chính phủ Mỹ đối với Việt Nam từ 15 năm qua. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam gần đây đã tổ chức hội nghị liên tịch, triển khai công tác bảo vệ chính trị nội bộ và an ninh xã hội.

Không nên chỉ chú ý đến những lời đường mật của Ngoại trưởng Mỹ phát biểu tại Hà Nội hồi cuối tháng 7 vừa qua, mà còn phải thấy nước Mỹ và thế lực chính trị do Mỹ nuôi dưỡng đang ngấm ngầm muốn làm gì tại Việt Nam.

Trở lại chủ đề bài viết qua dòng tựa đề nói trên – Việt Nam liệu có liên minh với Mỹ? Người nhiều tư cách nhất có thể trả lời câu hỏi này là thực thực, là người lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt – Mỹ, mà các vị độc giả cũng không khó để đưa ra được những nhận định và kết luận của riêng mình./.

Nguồn: Anhbasam.com

Cùng suy ngẫm: Niềm tin!

On the net

Lê Dân – Ngã rẽ

Tôi đang loay hoay tìm cho mình một con đường. Có nên tiếp tục sống như một kẻ hèn nữa hay không? Tại sao tôi phải làm ngơ và im lặng trước những sai trái, bất công, tàn bạo? Tại sao ư? Vì những sai trái, bất công, tàn bạo ấy xuất phát từ những kẻ làm ra và thừa hành quyền lực của đất nước. Tôi còn có gia đình, gia đình chính là điểm yếu nhất của tôi, đó chính là lý do khiến tôi sống hèn không dám cất lên tiếng nói của sự thật. Tôi yêu Tổ quốc, tôi yêu Đất nước và tôi yêu Dân tộc tôi hơn bất cứ thứ gì khác. Nhưng điều đó không bắt buộc tôi phải nhất nhất nghe theo Đảng, tin theo Đảng. Nói như thế có kẻ sẽ bảo tôi là lệch lạc về tư tưởng, mờ nhạt về ý chí. Tư tưởng? Đúng tôi đang cố tình làm lệch lạc cái tư tưởng cổ điển, pha tạp và lỗi thời đã nhồi sọ không những riêng tôi, bạn bè tôi mà cả lớp lớp người trên đất nước Việt Nam. Ý chí? Làm gì có ý chí khi con người ta được sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội mà như ông nhạc sỹ Phạm Duy từng nói “đói niềm tin và bội thực tự hào”.

Tôi, một anh chàng sinh viên ngô nghê vừa mới ra trường, đang vật vã trong cơn đói lả để kiếm việc làm. Có lẽ không có gì khiến tôi ân hận hơn việc đã thi vào trường Luật, bởi học luật nên tôi mới thấy rõ hơn những bất công do chính thể nhà nước này mang lại cho những người dân thấp cổ bé họng. Họ làm ra luật pháp nhưng rồi chính họ lại dẫm đạp lên trên luật pháp. Phương thức làm việc của chính quyền là nói một đằng làm một nẻo và phương pháp làm việc là hứa và “ngâm”. Mỗi khi chính quyền dọa nạt mà dân tỏ ra cứng đầu thì dùng chiêu thức đàn áp hay mỹ miều hóa là “cưỡng chế nhà nước” còn chính xác hóa là “cướp và tra tấn có công văn”. Nhà nước là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Xây dựng nhà nước giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh…, đây là những mỹ từ mà tôi (ta) thường xuyên được nghe thấy. Nhưng những thứ đó có thực sự tồn tại không? Câu trả lời là có, dưới chính thể nhà nước hiện tại ở Việt Nam, những khái niệm vừa nêu đối với phần đông dân số thì nó quả là thứ khái niệm xa xỉ, nếu không muốn nói là “chỉ có trong giấc mơ”.

Trước đây, đúng, nhưng chỉ là trước đây thôi, tôi thực sự rất yêu Đảng. Tôi yêu Tổ quốc bao nhiêu thì tôi cũng yêu Đảng bấy nhiêu. Bởi không riêng gì với suy nghĩ của tôi mà còn có rất nhiều người đều nghĩ như tôi rằng yêu Đảng là yêu Tổ quốc và ai đó yêu Tổ quốc thì phải yêu Đảng(???) Còn bây giờ tôi đang băn khoăn đứng giữa ngã ba đường – ngã ba đường của tư tưởng. Tôi từng yêu Đảng bao nhiêu, tự hào bao nhiêu thì giờ đây niềm tin với Đảng trong tôi đã vơi cạn đi bấy nhiêu. Gia đình tôi, một gia đình thuần nông bình thường như bao gia đình khác trên đất nước Việt Nam. Ông tôi, Cha tôi, Chú tôi họ đều từng là những người lính. Từng cầm súng để chiến đấu chống lại kẻ thù theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng. Vì Ông, Cha, Chú tôi đã đổ xương máu trên chiến trường nên gia đình tôi cũng được Nhà nước công nhận là gia đình vẻ vang. Hoàn cảnh gia đình là thế nhưng tại sao tôi lại có những suy nghĩ “lệch lạc” như thế này? Rõ ràng hoàn toàn ở đây không phải vì lý do thù hằn có sẵn hay bất mãn chế độ. Chỉ có một điều duy nhất khiến tôi không còn tin vào Đảng nữa đó là Đảng đang phản bội lại chính niềm tin của nhân dân, trong đó có tôi. Đảng có bao giờ sai không? Chắc chắn có! Sai có nhận không??? Nhận có sửa không??? Mù mờ!!! Tức là tung hỏa mù hoặc là đổ lỗi trách nhiễm cho cá nhân còn Đảng thì chẳng bao giờ sai cả.

Trong lịch sử của nhân loại, từ cổ chí kim không thiếu những chính thể nhà nước do sự đấu tranh của nhân dân mới thành lập được nhưng sau đó quay lại phản bội nhân dân. Đảng, đúng, trước đây chính là ngọn cờ hiệu triệu và lãnh đạo toàn dân chống lại và chiến thắng những kẻ xâm lược hùng mạnh nhất trên thế giới. Lúc đó toàn dân một lòng nghe theo Đảng là vì sao? Bởi khi Tổ quốc lâm nguy, Đảng đứng ra lãnh đạo đất nước vì một mục đích chung cho cả dân tộc, đại diện quyền lợi của cả dân tộc. Còn bây giờ liệu Đảng có còn vì mục đích chung của cả dân tộc nữa hay không? Vì quyền lợi chung của cả dân tộc nữa hay không? Tôi đã có câu trả lời cho riêng mình. Tôi không việc gì phải trung thành với kẻ đã phản bội lại niềm tin của tôi.

“QUỐC GIA HỮU SỰ, THẤT PHU HỮU TRÁCH” – đây là những lời nói tầm thường nhất từ những kẻ tâm thường nhất như tôi. Nhưng nó thật sự xuất phát tự đáy lòng. Nó khẳng định rằng tôi vốn không phải kẻ hèn nhát. Tôi yêu Đất nước tôi, tôi yêu Đồng bào tôi và tôi sẵn sang hy sinh cho quyền lợi của Đồng bào tôi, Đất nước tôi. Buồn thay, đất thiêng của Tổ quốc đang bị ngoại bang xâu xé, giày vò. Người Việt trong nước thì nghèo đói, đi làm ăn, đánh cá trên biển, đảo của mình mà cũng bị bắt bớ, đánh đập hết sức tàn nhẫn. Người Việt ở nước ngoài thì bị người ta coi khinh, rẻ mạt. Ôi… buồn thay, buồn lắm thay…

HÃY ĐỂ TÔI ĐƯỢC NHẬN PHÁT ĐẠN ĐẦU TIÊN CỦA KẺ THÙ NẾU PHẢI ĐẤU TRANH CHO TỔ QUỐC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM!

Tin cập nhật: Tỵ nạn chính trị cho giáo dân Cồn Dầu – Tại sao không?

On the net

Về thông tin nói ngày 4/5, công an đã ngăn cản một gia đình giáo dân tổ chức mai táng cho người thân (bà Hồ Nhu – Maria Đặng Thị Tân) tại khu nghĩa trang Cồn Dầu, thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng:

Những thông tin trên là bịa đặt với dụng ý xấu nhằm bôi nhọ Việt Nam.

Sự thật là sự việc này hoàn toàn không có liên quan gì đến tôn giáo. Khu nghĩa trang Cồn Dầu nằm trong quy hoạch phát triển khu đô thị mới của Thành phố Đà Nẵng đã được công khai cho nhân dân biết từ trước. Hiện thành phố đang tiến hành đền bù giải tỏa và không tiến hành chôn cất ở đây nữa.

Thành phố đã vận động gia đình bà Maria Đặng Thị Tân (Hồ Nhu) không chôn cất bà Tân tại địa điểm này và gia đình đã đồng ý tiến hành hỏa táng./

Bộ Ngoại Giao Việt Nam (MOFA)

Giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng

Giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng

Việt Nam: Yêu cầu tị nạn chính trị của giáo dân Cồn Dầu là ‘vô căn cứ’

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết họ sẽ phản đối bất kỳ quyết định nào của Liên hiệp quốc nhằm dành quyền tị nạn chính trị cho những tín đồ Công giáo trốn khỏi Việt Nam sau những vụ đụng độ với cảnh sát hồi tháng 5.

Theo bản tin hôm thứ Tư của hãng thông tấn Đức, 34 tín đồ Công giáo Việt Nam đã trốn sang Thái Lan và nộp đơn cho Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc để xin tị nạn chính trị vào tháng 6.

Những giáo dân này là người thuộc giáo xứ Cồn Dầu ở Đà Nẵng, nơi mà cảnh sát đã bắt giam mấy mươi người Công giáo sau một vụ xô xát hồi tháng 5.

Tuy nhiên, giới hữu trách Việt Nam cho rằng vụ Cồn Dầu “hoàn toàn không liên hệ gì tới tôn giáo,” và trong điện thư hôm thứ tư trả lời phỏng vấn của hãng thông tấn Đức, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga nói rằng “không hề có đàn áp tôn giáo hay chính trị ở Việt Nam, cho nên bất kỳ quyết định nào nhằm thừa nhận các công dân Việt Nam như những người tị nạn chính trị là không có căn cứ và không thỏa đáng.”

Chính phủ Việt Nam nói rằng vụ xô xát ở Cồn Dầu phát sinh từ một vụ tranh chấp đất đai. Dân làng ở đó đã tìm cách tiến hành một lễ mai táng cho một cụ bà tại một nghĩa trang của giáo xứ đã được chính quyền địa phương qui hoạch thành khu vực giải tỏa để xây khách sạn du lịch.

Tại một cuộc điều trần ở Quốc hội Hoa Kỳ hồi tháng 8 vừa qua, thân nhân của những người ở giáo xứ Cồn Dầu cho biết cảnh sát Việt Nam đã đánh đập người thân của họ và có 1 người bị đánh chết sau khi bị công an bắt.

Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc ở Thái Lan đang xem xét hồ sơ để xác định qui chế tị nạn của 34 giáo dân Cồn Dầu.

Nguồn: DPA, VN’s MOFA