Góc nhìn: Biên niên sự kiện vụ án Nhân văn giai phẩm

On the net

Nhà văn Lê Hoài Nguyên tên thật là Thái Kế Toại, nguyên Đại tá công an, công tác tại A25 (chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hóa) đã gửi tới NTT.ORG một chuyên luận dài về Nhân Văn Giai Phẩm. Các bạn hãy đọc nó như đọc một “góc nhìn” về sự thật.

“Tác giả là người đã được đọc lại toàn bộ hồ sơ nghiệp vụ chuyên án NVGP, tiếp xúc với hầu hết thành viên chủ chốt của vụ án, một số văn nghệ sỹ tham gia vào đấu tranh với NVGP, tiếp xúc sớm nhất với các tài liệu nghiên cứu, các bài viết về NVGP từ nước ngoài, tiếp xúc tương đối đầy đủ các bài viết về các nhân vật NVGP ở trong nước từ sau đổi mới. Tác giả tin rằng NVGP không phải là một vụ án gián điệp phản động. Các văn nghệ sỹ trí thức NVGP không có mục đích lật đổ chế độ. Họ chỉ mong muốn ĐCSVN, chính phủ sửa chữa những sai lầm và xây dựng ngay một nền dân chủ pháp trị, một đời sống tinh thần có tự do tư tưởng, một đời sống văn học nghệ thuật tự do sáng tạo”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Lê Hoài Nguyên – Biên niên sự kiện

Năm 1953:

  • Luật Cải cách ruộng đất được ban hành
  • Stalin qua đời.
  • Ngày 17-6 biểu tình tại Cộng hòa dân chủ Đức. B. Brecht và J. R Becher phê phán chính sách văn nghệ chuyên chính của Đảng và nhà nước.
  • Trần Dần bị phê bình giảng sai chính sách văn nghệ của Đảng trong khóa đào tạo cán bộ văn công do ông phụ trách. 

Năm 1954:

  • Chiến thắng Điện Biên Phủ. Cải cách ruộng đất.
  • Hiệp định Giơ  ne vơ. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa thành lập tại Sài Gòn.
  • 700.000 ngàn người miền Bắc di cư vào Nam trong đó có nhiều trí thức văn nghệ sĩ có tên tuổi. Đó là một cuộc lựa chọn – nhận đường, phân hóa có ý nghĩa lịch sử với đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, còn có ý nghĩa văn học lâu dài. Vũ Khắc Khoan viết các truyện ngắn Thần Tháp Rùa, Trương Chi, Thiên Thai, Người Đẹp Trong Tranh với chủ đề về sự phân vân của trí thức Hà Nội đi tìm một căn bản tư tưởng.
  • Tháng 7 Hồ Phong công bố thư ngỏ gửi BCHTƯĐCSTQ phê phán năm lưỡi dao đâm vào óc các nhà văn cách mạng.
  • 10-10 Chính phủ kháng chiến tiếp quản Hà Nội
  • Trần Dần và Đỗ Nhuận, Hoàng Xuân Tùy được cử đi Trung Quốc viết lời bình cho phim tài liệu về Điện Biên Phủ. Đến 12-12 trở về Hà Nội.

Năm 1955:

  • Tháng 1 Hồ Phong công khai tự phê bình, đến tháng 5 thì bị bắt và bị kết án cải tạo
  • 63 nhà văn Hung Ga Ri lên tiếng phản đối chế độ độc quyền.
  • Trần Dần, Tử Phác cùng Hoàng Cầm Lê Đạt tổ chức Thảo luận phê bình tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu.
  • Tháng 4 Trần Dần cùng Đỗ Nhuận, Hoàng Tích Linh, Tử Phác, Hoàng Cầm, Trúc Lâm… đệ trình Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa lên Tổng cục chính trị yêu cầu tự do sáng tác, trả quyền lãnh đạo văn nghệ về tay văn nghệ sĩ, thủ tiêu hệ thống chính trị viên trong các đoàn văn công quân đội, sửa đổi chính sách văn nghệ trong quân đội.
  • Bị phê bình Trần Dần viết đơn xin ra khỏi Đảng, xin giải ngũ đồng thời quyết định kết hôn với bà Bùi Thị Khuê gia đình Thiên chúa giáo di cư bất chấp sự phản đối của quân đội.
  • Trần Dần bị giam tại doanh trại từ 13-6 đến 14-9 để kiểm thảo, sau đó tham gia cải cách ruộng đất đợt 5 tại Bắc Ninh.
  • Ngày 2-9-1955 tuần báo Trăm Hoa do Nguyễn Mạnh Phác làm Chủ nhiệm ra số I, báo tồn tại đến tháng 5–1956. Báo này có đăng 3 bài phê bình tập thơ Ngôi sao của Xuân Diệu.
  • Mãi đến 20-9-1955 Chính phủ mới thành lập Bộ Văn hóa trên cơ sở Bộ Tuyên truyền.

Năm 1956:

  • Tháng 1 Hoàng Cầm, Lê Đạt chủ trương xuất bản sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân với các tác phẩm: Làm thơ và Mới – Gửi Vũ, Mỗi ngày mỗi lớn – Gửi kế hoạch nhà nước 1956 của Lê Đạt, Mùa xuân đến rồi đây, Thơ qua đài phát thanh của Hoàng Cầm, Anh có nghe thấy không của Văn Cao, Nhất định thắng, Lão Rồng của Trần Dần, Thi sĩ và công nhân của Phùng Quán, Hoa đào vẫn nở của Nguyễn Sáng, Sổ tay của Sỹ Ngọc và sự cộng tác của Tô Vũ…
  • Ngay lập tức GPMX bị tịch thu.
  • Lê Đạt bị gọi lên Ban Tuyên huấn kiểm điểm.
  • Hội Văn nghệ tổ chức Hội nghị phê bình bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần với 150 văn nghệ sĩ tham dự. Trần Dần bị kết án là đồ đệ của Hồ Phong, mất lập trường giai cấp, đi ngược lại đường lối văn nghệ của Đảng.
  • Trần Dần và Tử Phác bị giam ba tháng tại Hỏa Lò Hà Nội. Trần Dần dùng dao lam cứa cổ tự tử, được tướng Nguyễn Chí Thanh can thiệp thả hai người.
  • Hoài Thanh viết bài Vạch trần tính chất phản động trong bài thơ Nhất định thắng của Trần Dần đăng trên báo Văn Nghệ số 110 ra ngày 7-3-1956.
  • Ngày 24-2-1956 Đại hội XX ĐCSLX công bố các tội ác của Stalin. Chủ tịch Hội nhà văn Liên Xô Pha đê ép tự sát. Liên Xô phục hồi danh dự cho các văn nghệ sĩ bị kết án và bị giết dưới thời Stalin. Văn nghệ Liên Xô gọi thời kỳ này là luồng gió ấm, sinh ra một thế hệ văn nghệ sĩ tài năng xuất sắc như Paxtecnhac, Xônjenitsin, Ép tu senko, Tru khơ rai, Bôn đa suc, Vôznêxenxky, Rôtdextvenxky, Aimatôp… với các tác phẩm như Bác sĩ Jivago, Đàn sếu bay qua, Hai người lính, Người thứ 41, Không thể sống bằng bánh mì, Ngày của binh nhất Ivan…
  • Dư luận văn nghệ sĩ bất bình về việc trao Giải thưởng văn nghệ 1954-1955. Một số nhà văn cho là chấm giải theo bè phái, những người trong Ban giám khảo tự chấm giải cho mình, nhiều tác phẩm chưa xứng đáng với giải, trong đó có tác phẩm của Tố Hữu, Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Trần Kim Trắc, Hồ Khải Đại… Có nhiều tác phẩm có tiếng vang rộng rãi trong kháng chiến không được giải.
  • Vấn đề sai lầm CCRĐ đang được đặt ra, trở thành bức xúc lớn của xã hội, nhất là làm sôi sục ở nông thôn.
  • Ngày 26-5 Mao Trạch Đông phát động phong trào Trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng.
  • Ngày 28-6 các cuộc biểu tình ở Ba Lan.
  • Tại Việt Nam ĐCS ngả theo khuynh hướng nới rộng tự do. Nguyễn Hữu Đang lúc đó là Biên tập của tạp chí Văn Nghệ được giao tổ chức lớp học dân chủ 18 ngày của Hội Văn nghệ. Văn nghệ sĩ chỉ trích gay gắt đường lối lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi thừa nhận những sai lầm nghiêm trọng và hứa hẹn sửa chữa. Hoài Thanh viết bài nhận lỗi tả khuynh trong phê bình Trần Dần. Sau đó đến tháng 10 Thường vụ Hội Văn Nghệ Việt Nam ra thông báo nhận sai lầm trong việc phê bình bài thơ Nhất định thắng.
  • Tháng 7-1956 kết thúc CCRĐ.
  • Tháng 9 Hội nghị lần thứ 10 BCHTƯ bàn về sửa chữa sai lầm trong CCRĐ, nhấn mạnh việc tăng cường mở rộng tự do dân chủ cho nhân dân. Trường Chinh từ chức Tổng bí thư ĐCSVN. Kỷ luật Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng… Võ Nguyên Giáp thay mặt Hồ Chí Minh xin lỗi nhân dân về sai lầm trong CCRĐ.
  • Ngày 29-8 Giai phẩm Mùa thu tập I ra đời với các bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi, Tỉnh giấc chiêm bao của Nguyễn Bính, Tiếng sáo tiền kiếp của Trần Duy, Nhật ký đêm hè của Huy Phương, Bức thư gửi một người bạn cũ của Trần Lê Văn…
  • Ngày 15-9 báo Nhân Văn ra số 1 do Phan Khôi làm Chủ nhiệm, Trần Duy làm Thư ký tòa soạn, Nguyễn Hữu Đang, Hoàng Cầm, Lê Đạt làm Biên tập. Có bài Phỏng vấn Nguyễn Mạnh Tường về vấn đề nỗ lực mở rộng tự do và dân chủ, Nhân câu chuyện mấy người tự tử của Lê Đạt, Con người Trần Dần của Hoàng Cầm, Chống bè phái trong văn nghệ của Trần Công, tranh minh họa của Nguyễn Sáng.
  • Báo Nhân Văn 15 ngày một kỳ ra tiếp số 2 vào ngày 30-9-1956 với các bài Phỏng vấn Đào Duy Anh về mở rộng tự do dân chủ, Phấn đấu cho Trăn hoa đua nở của Trần Duy, Trả lời Nguyễn Chương và báo Nhân dân của Nguyễn Hữu Đang…
  • Giai phẩm Mùa thu tập II với các bài Bệnh sùng bái cá nhân của Trương Tửu, Ông bình vôi của Phan Khôi, Những người khổng lồ của Trần Duy, Chống tham ô lãng phí của Phùng Quán…
  • Tập thơ Cửa Biển xuất bản có các trường ca Tiếng hát quan họ của Hoàng Cầm, Những người trên cửa biển của Văn Cao, Cách mạng Tháng Tám của Trần Dần và các bài thơ Máy, Đụng long mạch, Cha tôi … của Lê Đạt .
  • Ngày 8-10 tái bản Giai phẩm Mùa xuân.
  • Ngày 15-10 Báo Nhân Văn ra số 3. Kỷ niệm ngày Vũ Trọng Phụng mất và các bài Nỗ lực phát triển tự do dân chủ của Trần Đức Thảo, Phỏng vấn bác sĩ Đặng Văn Ngữ về mở rộng tự do và dân chủ…
  • Tướng Nguyễn Sơn người bạn của văn nghệ sĩ kháng chiến Khu Bốn qua đời.
  • Ngày 20-10 báo Trăm Hoa bộ mới do nhà thơ Nguyễn Bính làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút ra số I, phát hành được 11 số, đến tháng 1-1957 thì đình bản. Trên báo này có bài Vì những sai lầm nghiêm trọng cần phải xét lại toàn bộ Giải thưởng văn học 1954-1955 của chính Nguyễn Bính, bài bênh vực bài thơ Chiếc lược của Thụy An sáng tác theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch mà các báo không nhận đăng, bài Chúng tôi đề nghị bỏ lệ khai báo trong chính sách quản lý hộ khẩu, Thông báo của Hội nghị TƯ 10 về sai lầm trong CCRĐ, bài Để phát triển chế độ ta, phải bảo đảm cho nhân dân được tham gia quản lý kiểm soát tích cực mọi công việc của nhà nước…
  • Ngày 30-10 Giai Phẩm Mùa Thu tập III với các bài Văn nghệ và chính trị của Trương Tửu, Muốn phát triển học thuật của Đào Duy Anh và bài của Phan Khôi, Phùng Quán, Chu Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường…
  • Cũng ngày này Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đọc bài tham luận rất quan trọng Qua những sai lầm trong cải cách ruộng đất xây dựng quan điểm lãnh đạo tại cuộc họp của Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Hà Nội.
  • Tháng 11 nổ ra bạo loạn của giáo dân Thiên chúa giáo tại Quỳnh Lưu Nghệ An.
  • Bạo loạn tại Hung Ga Ri, Chính phủ dân chủ Nagy tuyên bố Hung Ga Ry trung lập. Liên Xô đưa quân vào Hung Ga Ry. Các nhà văn cộng sản có tên tuổi ở Châu Âu Laxness, Sartre, Beauvoir, Vercors… lên tiếng phản đối Liên Xô.
  • Tại Sài Gòn, ra đời nhóm văn học Sáng Tạo gồm Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ…
  • Ngày 5-11 báo Nhân Văn số 4 với bài Cần chính quy hơn nữa của Nguyễn Hữu Đang, Thành thật đấu tranh cho dân chủ của Trần Duy, Con ngựa già của chúa Trịnh của Phùng Cung, Những ngày báo hiệu mùa xuân của Văn Cao, Sự thật về vụ xúc phạm thi sĩ Nguyễn Bính và báo Trăm Hoa của Người Quan sát…
  • Cũng ngày này xuất hiện thêm tờ Sáng Tạo, báo Điện ảnh – Sân khấu của nhóm Sáng Tạo với Ban biên tập gồm Hoàng Tích Linh, Trần Công, Cao Nhị, Thanh Châu, Nắng Mai Hồng, Trúc Lâm, Phan Vũ, Phan Tại, Nguyễn Đình Phúc, Sỹ Ngọc, Phạm Kỳ Nam, Trung Sơn, Vũ Phạm Từ, Anh Tâm, Lửa Mới, Nguyễn Sáng.
  • Ngày 10-11 Tập san  Đất mới tập I – Chuyện sinh viên được NXB Minh Đức xuất bản với bài Phê bình lãnh đạo sinh viên của Q. Ngọc và T. Hồng, các bài của Dương Viết Á, Nguyễn Bao, Bùi Quang Đoài, Thúc Hà, Văn Tâm, Lê Tự Gia, Nguyễn Đức Tiếu.
  • Ngày 20-11 báo Nhân Văn số 5 với các bài Hiến pháp Việt Nam năm 1946 và Hiến pháp Trung Hoa bảo đảm tự do dân chủ thế nào? của Nguyễn Hữu Đang,  Bài học Ba Lan và Hung Ga Ri của Lê Đạt kí Người Quan Sát…
  • Tháng 12-1956 Ra mắt Giai Phẩm Mùa Đông tập I với các bài : Tư tưởng tự do của văn nghệ sĩ và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Bôn-sê-vích của Trương Tửu, Nội dung xã hội và hình thức tự do của Trần Đức Thảo và bài của Trần Dần, Hoàng Cầm, Tử Phác, Sĩ Ngọc, Trúc Lâm, Hữu Loan, Trần Công, Nguyễn Mạnh Tường.
  • Ngày 24-1-1957 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I thông qua các Luật về quyền tự do hội họp, Luật về quyền tự do lập hội, Luật quyền tự do báo chí... Đến kỳ họp thứ 7 tháng 9-1957 lại thông qua Luật về quyền tự do xuất bản… Các luật này một mặt thể hiện tinh thần tự do tư tưởng, văn học nghệ thuật báo chí, thừa nhận tự do báo chí xuất bản tư nhân nhưng mặt khác lại có những điều cấm kỵ để các cơ quan quyền lực dựa vào hành xử với những người muốn đi quá giới hạn của tự do dân chủ.
  • Ngày 15-12-1956 báo Nhân Văn số 6 đang in bị đình chỉ. Ngày 18-12 chỉ thị ngừng phát hành báo Nhân Văn và Giai phẩm cùng các ấn phẩm khác của nhóm NVGP, đóng cửa NXB Minh Đức, tịch thu các số báo cũ, cảnh cáo những người còn lưu giữ và phân phối các báo này. Một chiến dịch báo chí đã được tung ra để hạ uy tín các tờ báo và những người trong nhóm NVGP.
  • Cuối tháng 12-1956 Tập san Tự do diễn đàn do NXB Minh Đức phát hành bị cấm. TDDĐ có các bài Qua sai lầm của Cải cách ruộng đất, xây dựng quan điểm lãnh đạo của Nguyễn Mạnh Tường, Tại sao quần chúng nhân dân tha thiết với cuộc đấu tranh văn nghệ? Của Nguyễn Hữu Đang, Nhiệm vụ của văn học không phải là giải thích chính sách của Phan Ngọc, Chú bé làm văn của Trần Dần, Vài ý nghĩ sau khi đọc bài thơ Động Long Mạch của Hoàng Cầm, Sinh hoạt văn hóa của Trương Tửu – Trần  Đức Thảo.

Năm 1957:

  • Trong dịp Tết 1957 NXB Minh Đức còn xuất bản cuốn Sách Tết coi như tiếp tục của Giai Phẩm với các tác phẩm của Quang Dũng, Trần Lê Văn, Huy Phương, Lê Đại Thanh, Hoàng Tích Linh, Tô Vũ, Tử Phác, Thanh Châu, Hữu Loan, Lưu Quang Thuận, Trần Công, Trần Dần, Hồng Lực, Trần Thịnh, Trúc Lâm, Tạ Hữu Thiện, Lộng Chương, Hoàng Huế, Phan Khôi, Sỹ Ngọc, Cao Nhị, Trần Huyền Trân, Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Khắc Dực, Nguyễn Sáng, Hoàng Cầm.
  • Ngày 20 đến 28-2-1957 Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội với gần 500 đại biểu. Trường Chinh sau thất bại của CCRĐ đang muốn tìm một sự kiện để lật lại thế cờ trong Đảng, kêu gọi đấu tranh đập nát luận điệu phản động Nhân Văn Giai phẩm. Thành lập Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam. Trong Ban chấp hành vẫn có một số người tham gia, liên quan NVGP như hai Phó Tổng thư ký Văn Cao, Lương Xuân Nhị… Ở nhiều Hội khác các ông Nguyễn Sáng, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Nguyễn văn Tỵ,… vẫn trúng Ban chấp hành.
  • Riêng Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Tô Hoài làm Tổng thư ký. Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh vẫn trúng BCH. Báo Văn cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn ra số I từ 10-5 do Nguyễn Công Hoan làm Chủ bút, Nguyễn Tuân là Phó Chủ bút, Nguyên Hồng làm Tổng thư ký tòa soạn. Nhà xuất bản Hội Nhà văn cũng được thành lập do Tô Hoài làm Giám đốc, Hoàng Cầm làm Phó Giám đốc.
  • Như vậy việc đánh NVGP đợt II đã kết thúc nhưng chưa có kết quả khả quan. Tại các Hội VHNT một số người có vai trò tích cực trong NVGP vẫn còn được đồng nghiệp tín nhiệm bầu vào các vị trí cao, bất chấp những tai tiếng họ đã gây ra trên mặt các số Nhân Văn và Giai Phẩm và sức ép từ lời kêu gọi của Trường Chinh. Bản thân Trường Chinh cũng không thể đẩy cao hơn tốc độ cuộc chiến chống NVGP vì ông ta không còn đầy đủ quyền lực như trước nữa. Mặt khác Liên Xô và Trung Quốc sau khi dẹp xong vụ Ba Lan – Hung Ga Ry vẫn chưa tiến đến đỉnh dao động, chưa dứt khoát tiến công vào những văn nghệ sĩ trí thức bị gọi là phái hữu. Bản thân những người NVGP vẫn còn được sự ủng hộ của lãnh đạo báo Văn, họ vẫn có thể tiếp tục đăng các sáng tác mới trên báo này. Vào tháng 7 tháng 8-1957  khi tạp chí Học Tập, cơ quan ngôn luận của ĐCSVN lên tiếng phê phán báo Văn, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Tô Hoài còn đứng ra tranh luận bảo vệ quan điểm dân chủ của mình.
  • Ảnh hưởng của trào lưu NVGP còn lan sang một tờ báo nhà nước vừa ra đời là tờ bán nguyệt san Điện Ảnh, số 1 ra ngày 20-7-1957. Trong 10 số đầu báo Điện Ảnh vẫn còn phê phán bệnh công thức sơ lược của phim Liên Xô và Trung Quốc để phải kiểm điểm công khai trong số Tết 1958.
  • Ngày 27-9 báo Văn số 21 in bài Lời mẹ dặn của Phùng Quán.
  • Ngày 15-11 báo Văn số 28 in bài thơ Hãy đi mãi của Trần Dần.
  • Trong thời gian này  tại Trung Quốc, chiến dịch chống phái hữu đã bắt đầu. Nữ nhà văn Đinh Linh người được Giải thưởng văn học Stalin với tiểu thuyết Mùa xuân trên sông Tang Càn bị khai trừ khỏi ĐCSTQ, sau đó bà bị ngồi tù cho tới năm 1975.
  • Trong thời gian này Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô, Mông Cổ, CHDCND Triều Tiên có ghé thăm Bắc Kinh chứng kiến và có thể học hỏi các kinh nghiệm tổ chức phong trào đánh phái hữu. Việt Nam cử Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trường sang học tập kinh nghiệm, chính sách của Trung Quốc.
  • Các chiến dịch chỉnh huấn văn nghệ diễn ra ở Liên Xô, Ba Lan, CHDC Đức.
  • Tại Sài Gòn nhóm trí thức Bách Khoa ra đời.

Năm 1958:

  • Ngày 6-1-1958 ĐCSVN ra Nghị quyết 30 về việc chấn chỉnh công tác văn nghệ. Nghị quyết này là một điển hình cho tình trạng cực đoan về lãnh đạo văn nghệ của ĐCSVN, sau này nó gần như bị loại bỏ không thấy đưa vào các tập văn kiện lãnh đạo văn hóa văn nghệ của Đảng.
  • Ngày 10-1-1958 báo Văn số 36 in truyện ngắn Ông Năm Chuột của Phan Khôi. Đây là số báo Văn làm giọt nước tràn ly. Đến số 37 báo bị đình bản. Từ đây kết thúc thời kỳ phát ngôn công khai của nhóm NVGP. Năm 1958 là năm đen tối của họ, đấu tố, kỷ luật, ngồi tù, cải tạo lao động…
  • Từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2-1958 Lớp học đấu tranh tư tưởng lần thứ 1 tại Thái Hà ấp với 272 văn nghệ sĩ đảng viên tham dự.
  • Từ 3-3 đến 14-4 Lớp học đấu tranh tư tưởng lần 2 cũng tại Thái Hà ấp với 304 cán bộ văn hóa văn nghệ tham dự. Trong khi họp thì ngày 10-4 công an Hà Nội bắt giam Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Trần Thiếu Bảo…
  • Ngày 4-6 Hội nghị Ban chấp hành Hội Liên hiệp VHNTVN họp tổng kết cuộc đấu tranh chống NVGP. Tố Hữu đọc báo cáo Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Nhân Văn – Giai Phẩm trên mặt trận văn nghệ (15).
  • Ngày 5-6 Nghị quyết với chữ ký của 800 văn nghệ sĩ hoan nghênh kết quả thắng lợi của cuộc đấu tranh chống NVGP.
  • Ngày 2-7 Ban chấp hành mới của Hội Nhà văn Việt Nam bầu Tổng thư kí mới là Nguyễn Đình Thi. Chủ tịch BCH Nguyễn Công Hoan, Phó Chủ tịch Tú Mỡ, Tổng thư ký Tô Hoài chỉ còn là Ủy viên Ban thường vụ. Phó Tổng thư ký Nguyễn Xuân Sanh, Ủy viên thường vụ Nguyên Hồng, Tế Hanh, Đoàn Giỏi chỉ còn là Ủy viên BCH. NXB Hội Nhà văn sáp nhập vào NXB Văn học của Bộ Văn hóa. NXB này cũng bị kết tội đã xuất bản một số tác phẩm bị coi là non yếu về tư tưởng, một số tác phẩm từ trước 1945 thiếu chọn lọc, hoặc xuất bản một số tác phẩm nước ngoài có ý tuyên truyền cho tư tưởng trái với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
  • Ngày 7-7 Thông báo kỷ luật các văn nghệ sĩ đã tham gia NVGP. Hoàng Cầm bị cảnh cáo, khai trừ khỏi BCH HNV, khai trừ 1 năm khỏi HNV. Cho Hoàng Tích Linh rút khỏi BCH. Phan Khôi, Trương Tửu, Thụy An bị khai trừ vĩnh viễn khỏi HNV. Khai trừ trong thời hạn 3 năm đối với Lê Đạt, Trần Dần. Khai trừ 1 năm khỏi HNV đối với Phùng Quán. Cảnh cáo một số người:
  • Hội Mỹ thuật cảnh cáo Sĩ Ngọc, cho Sĩ Ngọc và Nguyễn Sáng rút khỏi BCH. Khai trừ Trần Duy khỏi HMT.
  • Hội Nhạc sĩ cho Văn Cao, Nguyễn Văn Tý rút khỏi BCH. Khai trừ 3 năm Tử Phác, Đặng Đình Hưng ra khỏi HNS.
  • Tại các đợt học tập chỉnh huấn tại các trường Sư phạm và Tổng hợp Hà Nội các Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Trần Đức Thảo cũng bị đưa ra cho giáo viên và sinh viên đấu tố, bị miễn nhiệm thôi giảng dạy. Ngoài ra còn nhiều người khác cũng chịu kỷ luật như Cao Xuân Hạo, Phan Ngọc, Cao Xuân Huy… Một số sinh viên cũng bị kỷ luật như Bùi Quang Đoài (Thái Vũ), Văn Tâm, Phan Kế Hoành, Hà Thúc Chỉ (Thúc Hà )…
  • Một số trí thức là nhân sĩ đã có thái độ ủng hộ NVGP cũng chịu các hình thức đối xử như Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Hoàng Văn Đức, Đặng văn Ngữ, Nguyễn Tấn Gi Trọng… Ngoài ra tại các địa phương những giáo viên, cán bộ, học sinh có hưởng ứng NVGP mua báo NVGP đều bị xử lý với nhiều hinh thức.
  • Trong vòng ba đến bốn tháng các VNS đi cải tạo lao động tại các nhà máy, nông trường, hợp tác xã… Một số người phải cư trú lâu dài tại các địa phương như Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Bính, Hải Bằng, Trần Lê Văn, Nguyễn Khắc Dực…

Năm 1959:

  • Tiếp tục các đợt lao động cải tạo
  • Phan Khôi từ trần ngày 16 tháng Giêng 1959 thọ 73 tuổi.
  • Sau khi báo Văn bị đình bản, báo Văn Học ra đời do Nguyễn Đình Thi làm Chủ nhiệm.
  • Nhà xuất bản Hội Nhà văn bị sáp nhập vào Nhà xuất bản Văn Học của Bộ Văn hóa.
  • Nhất Linh thành lập nhóm Văn Hóa Ngày Nay ở Sài Gòn.
  • Mao Trạch Đông phát động chiến dịch Đại nhảy vọt.
  • Pasternak nhà văn xô viết đầu tiên được Giải thưởng văn học Nobel, không được sang Thụy Điển nhận giải.
  • Ngày 10-12-1959 Tòa án nhân dân Hà Nội khai mạc phiên tòa xử Vụ án gián điệp hoạt động phá hoại hiện hành. Kết quả tuyên án như sau:

Nguyễn Hữu Đang 15 năm tù giam, 5 năm quả chế sau khi ra tù.
Lưu Thị Yến tức Thụy An 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù,
Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức 10 năm tù giam, 5 năm quản chế sau khi ra tù.
Phan Tại 6 năm tù giam, 3 năm quản chế.
Lê Nguyên Chí 5 năm tù giam, 3 năm quản chế.

Năm 1960:

  • Bắt đầu xung đột hai nước lớn trong phe XHCN Liên Xô và Trung Quốc.
  • Đại hội ĐCSVN lần thứ III. Lê Duẩn được bầu làm Tổng bí thư. Trường Chinh chỉ còn phụ trách công tác lý luận và Tạp chí Học Tập.

Năm 1961:

  • Phùng Cung bị bắt.

Năm 1968:

  • Vụ án xét lại chống Đảng. Bắt giam Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, Trần Minh Việt, Trần Thư, Vũ Thư Hiên, Lê Trọng Nghĩa, Huy Vân…

Năm 1973:

  • Thụy An, Nguyễn Hữu Đang ra tù.
  • Phùng Cung ra tù.

Năm 1983:

  • Hoàng Cầm bị bắt cùng Hoàng Hưng vì việc định đưa tập thơ Về Kinh Bắc ra nước ngoài.

Năm 1986:

  • Đại hội ĐCSVN lần thứ VI với đường lối đổi mới, cởi trói cho VHNT.
  • Trần Độ được cử làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương.
  • Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, với lời phát biểu nổi tiếng: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu.
  • Nghị quyết 05 Bộ Chính trị ĐCSVN : Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới.
  • Công an và các ban ngành liên quan tiến hành làm chính sách cho các đối tượng NVGP. Tác giả viết báo cáo về tình hình các đối tượng NVGP và đề xuất phương hướng giải quyết chế độ chính sách.
  • Phục hồi hội tịch cho Trần Duy, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh, Lê Đạt, Phùng Quán. Giải quyết chế độ lương hưu cho Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung.

 

Năm 1987:

  • Hoàng Cầm in tập thơ trở lại đầu tiên Mưa Thuận Thành, NXB Văn hóa.
  • Phùng Quán in trở lại công khai đầu tiên trên báo Quảng Nam – Đà Nẵng Trường ca Cây Cà.

Năm 1988:

  • Văn Cao xuất bản tập thơ Lá, NXB Tác phẩm mới.
  • Nguyễn Hữu Đang được chuyển lên Hà Nội, được cấp nhà.

Năm 1991:

  • Tháng 4, BCHTƯ ĐCSVN ra thông báo về hai vụ án NVGP và Xét lại chống Đảng. Quan điểm của Đảng là không thừa nhận sai lầm, vẫn đánh giá hai vụ án như trước đây.
  • Trần Dần xuất hiện trở lại với tập thơ Bài thơ Việt Bắc, NXB Hội Nhà văn
  • Từ 23-11 đến 10-12 Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam mở Triển lãm tranh Trần Duy tại Nhà triển lãm tranh 16 Ngô Quyền Hà Nội.

Năm 1992:

  • Hoàng Cầm xuất bản kịch thơ Kiều Loan

Năm 1993:

  • Hoàng Cầm xuất bản Bên kia sông Đuống, NXB Văn hóa

Năm 1994:

  • Lê Đạt xuất bản tác phẩm trở lại đầu tiên Bóng chữ, NXB Hội Nhà văn.
  • Hoàng Cầm in được tập thơ Về Kinh Bắc, NXB Văn Học.
  • NXB Văn Học in Tuyển tập Văn Cao
  • Trần Dần in Tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh, NXB Hội Nhà văn.

Năm 1995:

  • Phùng Cung xuất hiện trở lại lần đầu tiên với tập thơ Xem Đêm, NXB Văn hóa – Thông tin.
  • NXB Hội Nhà văn in Tuyển tập thơ Phùng Quán.

Năm 1996:

  • Tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Đặng Văn Ngữ, Cao Xuân Huy, Văn Cao, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng.

Năm 1997:

  • Bắt đầu in lại các tác phẩm cũ trước 1945 của Phan Khôi. Đáng chú ý là Lại Nguyên Ân đã sưu tầm và cho xuất bản Tác phẩm đăng báo hàng năm của Phan Khôi, các tập 1928, 1929, 1930, 1931…
  • Bắt đầu in một vài tác phẩm mới của Trần Đức Thảo.

Năm 2000:

  • Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sỹ Ngọc, Lộng Chương, Nguyễn Văn Tý.

Năm 2001-2002 :

  • NXB hội Nhà văn in Hoàng Cầm Tác phẩm 3 tập.

Năm 2003:

  • NXB Văn hóa – Thông tin xuất bản cuốn Nguyễn Bách Khoa – Khoa học văn chương. (NBK là một bút danh của Trương Tửu). 

Năm 2007:

  • Tặng Giải thưởng Nhà nước cho Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán, Yến Lan, Phạm Kỳ Nam.
  • NXB Lao Động xuất bản TRƯƠNG TỬU – Tuyển tập nghiên cứu phê bình 1088 trang khổ 16-24.

Năm 2008:

  • Tuyển tập Trần Dần Thơ 492 trang khổ 15-23 được NXB Đà Nẵng xuất bản. Gồm tất cả những bài thơ tiêu biểu của ông, kể cả các bài đã in trong báo NV-GP. Cơ quan chức năng can thiệp, bị công luận phản đối, sau xử phạt vi phạm hành chính.
  • Tại Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu có Cây Thơ Thanh Tâm Tuyền.

Năm 2009:

  • Tuyển tập thơ Lê Đạt Đường Chữ 644 trang khổ 16-24 do NXB Hội Nhà văn in. Cũng gồm tất cả các bài thơ đã in và bị cấm trong thời kỳ NVGP.

Năm 2010:

  • Tháng 4 tại Đại hội cơ sở các Chi hội Điện ảnh lực lượng vũ trang các đại biểu Nguyễn Thành Lập, Lê Thi, Thái Kế Toại lên tiếng đề nghị xem xét tới những nghệ sĩ điện ảnh đã tham gia NVGP như Phạm Kỳ Nam, Phan Vũ, Hồng Lực, Trần Công, Trần Thịnh, Cao Nhị, Vũ Phạm Từ, Nắng Mai Hồng…
  • Chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức viết Biên niên sự kiện và Lịch sử Hội bàn đến việc viết về NVGP như thế nào

Theo nguyentrongtao.org

Link gốc: http://nguyentrongtao.org/v%e1%bb%a5-nhan-van-%e2%80%93-giai-ph%e1%ba%a9m-t%e1%bb%ab-goc-nhin-2.xml

Tư liệu: Thư tướng Giáp đề nghị minh oan trong vụ nhân văn giai phẩm

On the net

Võ Nguyên Giáp

Kính gửi: Ban Tổ chức Trung ương Đảng,

Tôi nhận được thư anh Lê Minh Đức trình bày về bố mình là anh Lê Nguyên Chí bị qui oan, tôi có ý kiến đề nghị với Ban Tổ chức Trung ương như sau:

Trước đây, tôi đã có ý kiến minh oan cho anh Nguyễn Hữu Đang, nay được biết anh Chí là bạn của anh Đang, vì quan hệ với anh Đang mà bị qui oan, bị tù đày trong vụ “nhân văn giai phẩm”. Anh Chí trước hoạt động ở truyền bá quốc ngữ. Sau cách mạng tháng Tám có thời gian anh phụ trách công tác thanh tra ở Bộ Nội vụ, đã làm việc với tôi và anh Hoàng Hữu Nam. Anh Chí là người tốt. Chúng ta đã minh oan cho anh Đang, tôi đề nghị cần xem xét để minh oan cho anh Chí.

Hà Nội ngày 08 tháng 01 năm 2008

Chữ ký: Võ Nguyên Giáp

Phóng ảnh bức thư

Tư liệu: Sự thật Nguyễn Hữu Đang và Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm

On the net

Nguyễn Hữu Đang (1913-2007)

Những cuộc trao đổi giữa Nguyễn Hữu Đang và Heinz Schütte tại Hà Nội

tại Hà Nội những ngày 21 và 24 tháng 5, 3 và 22 tháng 6 năm 1999, 30 tháng 10 và 2 tháng 1 năm 2000, 15 tháng 10 năm 2002

Nguyễn Hữu Đang: Tôi sinh ở Thái Bình năm 1913, năm con Trâu. Loài trâu bị kết án phải sống một đời bạc bẽo; làm nhiều mà hưởng rất ít… (cười to). Tôi thích mùa đông hơn mùa hè. Tôi hợp với cái rét hơn. Bùi Tín đã viết thư cho tôi, khuyến khích tôi viết hồi ký… Tôi đã viết một bản tóm tắt tiểu sử: (ông dịch từ tiếng Việt).

Tóm lược quá trình hoạt động xã hội của Nguyễn Hữu Đang. Đây là một kiểu tiểu sử, tức là bắt đầu từ 1929-1931; 1932-1936, 1937-1939, 1938-1945, 1943-1946, 1944-1945, 1946-1948-49-54, 56 Nhân văn-Giai phẩm. 1958-1973 nhà tù, 1990 phục hồi một phần, về hình thức. 1992 sinh nhật thứ 80, do bạn bè nhà văn và trí thức tổ chức – ôi, thật vĩ đại! (Ông khoe các tấm ảnh và chỉ:) Nơi ở của Phùng Quán, nhà thơ và vợ ông, Phùng Cung (?) – đây là một đôi câu đối… họ của Phùng Cung và Phùng Quán: ta gặp thời điểm hiện tại – Đương là Đang… Phùng là Phùng Cung… trong thời đương đại, Đang… trật tự mới, chúng ta đang ở trong thời hiện đại; Đang là một trang nam tử tuấn tú… Chữ của một nhà thơ tài năng quanh khung cửa. Đây là lời chúc mừng – Phùng Cung, tức là hai người tổ chức… lời mừng thọ Nguyễn Hữu Đang… ở đây Phùng Quán là người phụ tá. Đây là cây xương rồng quàng băng đỏ: xương rồng là biểu tượng của Nguyễn Hữu Đang; một cuộc sống khô khan nhưng hào hiệp. Cuối cùng, ông đọc một bài thơ ca ngợi cây xương rồng, bài thơ kết thức như sau: ‘Xương rồng, ôi xương rồng, mi có phải là xương rồng thực? hay mi là xương của một tráng sĩ trong hình dạng xương rồng?’ (cười lớn)…

Bản tóm lược này tôi sẽ chỉnh sửa đôi chút rồi cho đánh máy và gửi cho ông một bản…

… cuộc đời tôi giống như một chặng chạy đua, một chặng tiếp sức – có những chặng đua, chặng tiếp sức trong các hoạt động xã hội. Tôi đã tham dự một chặng đua tiếp sức như thế. Bây giờ, ở tuổi 86, tôi nghỉ ngơi – tôi có quyền cho mình nghỉ ngơi (ông cười).

Heinz Schütte: Gia tộc ông có truyền thống chính trị hay không?

Nguyễn Hữu Đang: Không, nhưng gia đình và mọi người xung quanh tôi ít nhiều đều có tinh thần chống Pháp. Mẹ tôi mù chữ, thất học, bà không biết đọc biết viết, nhưng nghe thấy người Pháp là bao giờ bà cũng gọi họ bằng một thành ngữ nhục mạ. Cha tôi không chống Pháp nhưng không phải là một công chức hành chính ngoan ngoãn. Ông là quan huyện nhưng không thân Pháp. Bên cạnh ông, anh tôi lại là người chống Pháp, anh tham gia cuộc bãi khoá của học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành, bãi khoá chống tên hiệu trưởng tàn ác, đó là vào năm 1927/1928. Nhưng ngay vào thời ấy, năm 1928, đã có ông cậu (chồng bà cô ruột tôi), ông Lê Ngọc Rư là Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định của Đảng Cộng sản. Ông đã bị chính quyền thực dân bắt vì là người lãnh đạo Đảng Cộng sản, bị kết án chung thân đầy ra Côn Đảo. Ở đó ông đã ghép một chiếc thuyền hay bè và vượt biển với Tổng Bí thư ĐCS Đông Dương Ngô Gia Tự, họ tìm cách cặp vào đất liền từ Trung Hoa, Malaysia hay Sài Gòn hay Hải Phòng cũng chẳng biết. Cả hai đã chết trên biển vì bất ngờ gặp bão.

Chính ông Lê Ngọc Rư đã đánh thức tinh thần yêu nước và cách mạng của người anh cả tôi là Nguyễn Hữu Rung, học sinh trường Kỹ nghệ Thực hành Hải Phòng. Rung tham gia bãi khoá của học sinh chống tên hiệu trưởng độc ác Camboulive (?) và bị bỏ tù một năm. Anh tôi truyền cho tôi những ý tưởng tiến bộ và cho tôi bản chép những bài thơ yêu nước rực cháy như “Chiêu hồn nước” của Phạm Tất Đắc rất nổi tiếng vào thời đó khi đã bắt đầu có những hoạt động của Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính.

Năm 1929, được lôi kéo bởi những sự kiện chính trị nóng bỏng, tôi tham gia, mà không hiểu chủ nghĩa Marx là gì, Hội Học sinh do Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội chỉ đạo, đây là tổ chức có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Trung Hoa…

Sau một năm hoạt động bí mật, tôi bị bắt bỏ tù. Năm sau, tôi bị đưa ra toà án tỉnh, nhưng nhờ còn ít tuổi (17 tuổi), tôi được hưởng biện pháp đàn áp có mức độ dành cho “các trẻ càn quấy” với án quản chế tại làng quê.

Heinz Schütte: Trong những năm 30 ông đã làm việc với Trường Chinh?

Nguyễn Hữu Đang: Tôi đã làm việc với Trường Chinh từ năm 1936, thời kỳ Mặt trận Bình dân. Tôi tham gia ban biên tập thường trực của tờ báo của Đảng với Trường Chinh và Trần Huy Liệu. Chúng tôi đã là bộ ba biên tập thường trực của tờ báo Đảng. Bộ ba Ban Biên tập thường trực tuần báo Thời nay, cơ quan của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1939 gồm:

Trần Huy Liệu, nhà cách mạng kỳ cựu, thoạt tiên là thành viên ban lãnh đạo Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học, chuyển qua theo chủ nghĩa cộng sản trong ngục Côn Đảo và vẫn là người cộng sản có ảnh hưởng bên cạnh Ban Chấp hành Trung ương cho đến khi qua đời.

Trường Chinh: Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Nguyễn Hữu Đang: Cộng sản (trước khi chính thức gia nhập Đảng)

Tôi bắt đầu nghề báo từ năm 1937, vào thời kỳ phong trào Mặt trận Bình dân.

Trường Chinh sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941, sau khi Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh) trở về Việt Nam.

Về mặt chính trị, tôi đi theo cách mạng không phải vì tin vào chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, khi tham gia các hoạt động cách mạng bí mật, tôi hoàn toàn mù tịt về chủ nghĩa cộng sản. Tôi không biết gì về chủ nghĩa Marx, nhưng tôi tham gia các tổ chức bí mật của cộng sản. Năm 16 tuổi tôi rải mọi thứ truyền đơn cộng sản, tôi lưu hành mọi thứ báo chí cộng sản bí mật. Ngày 1/5 và ngày lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, tôi trèo lên cây, lên cột nhà đang xây để treo cờ đỏ búa liềm một cách dũng cảm, không sợ chết chóc, không sợ tù đầy. Nhưng tôi hoàn toàn mù tịt về chủ nghĩa cộng sản. Tôi tham gia cách mạng, tức là tham gia phong trào cộng sản chỉ là do tinh thần chống Pháp, lòng căm thù chủ nghĩa thực dân. 16 tuổi, mọi tổ chức chính trị tuyên bố đấu tranh chống thực dân Pháp tôi đều gia nhập, tôi sẽ gia nhập bất kỳ tổ chức nào – Đảng Cộng sản, Đảng X, Đảng Y, v.v…, bất kỳ đảng nào miễn nó là kẻ thù của của chủ nghĩa thực dân. Tôi thuộc về phe các kẻ thù của chủ nghĩa thực dân, chứ không phải phe chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản, tôi cóc biết. Chủ nghĩa Marx, tôi cóc biết. 16 tuổi, sao nhỉ – đấu tranh giai cấp, tôi cóc biết. Chuyên chính vô sản, tôi cóc biết. Không gì hết, tôi không biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi bắt đầu biết chủ nghĩa cộng sản là thế nào từ năm 1936 trong phong trào Mặt trận Bình dân, nhờ các sách báo từ bên Pháp được đưa sang tự do. Chính Mặt trận Bình dân đã tạo ra quyền uy của Đảng Cộng sản. Không có Mặt trận Bình dân, nhân dân Việt Nam sẽ hoàn toàn mù tịt về vai trò của Đảng Cộng sản. Chính nhờ Mặt trận Bình dân với việc nhập khẩu báo chí Marxist xuất bản tại Pháp. Chính thời kỳ khai phóng thực dân ấy đã tăng cường ảnh hưởng của các nhóm cộng sản Việt Nam. Trước đó, tất cả những người cách mạng Việt Nam đều là những người chống thực dân, chống Pháp. Sau đó, chính cuộc kháng chiến chống Pháp đã tập họp và tăng cường hơn nữa ảnh hưởng của Đảng Cộng sản. Không có cuộc kháng chiến, có thể Đảng Cộng sản sẽ không đoạt được chính quyền. Ta có thể nói chính sự trở lại của thực dân Pháp, cuộc tấn công của đội lính viễn chinh do Leclerc dẫn đầu đã làm nổ ra cuộc kháng chiến, và cuộc kháng chiến ấy đã làm cho Đảng Cộng sản Việt Nam mạnh lên. Nguồn gốc của chính quyền cộng sản Việt Nam là cuộc tấn công của Leclerc. Chính sự đe doạ của chủ nghĩa thực dân Pháp, của cuộc chinh phục lần thứ hai của Pháp ở Việt Nam đã làm nổ ra cuộc kháng chiến, và cuộc kháng chiến đã nâng cấp, đã tạo nên sức mạnh của Đảng Cộng sản vì Đảng Cộng sản đã biết tập họp xung quanh nó một mặt trận dân tộc. Không có sự đe doạ một cuộc chinh phục lần hai của bọn thực dân, làm sao Đảng Cộng sản có thể tập họp một mặt trân dân tộc xung quanh nó? Và mặt trận dân tộc ủng hộ nó cướp chính quyền, nói cách khác là Cách mạng tháng Tám, là sự kiện không phải Đảng Cộng sản mà là cái mặt trận dân tộc ấy đã thực hiện cuộc cướp chính quyền, đó là Mặt trận Việt Minh.

… Với Hồ Chí Minh, tự do chính là dân chủ; với Hồ Chí Minh, dân chủ chính là tự do…

Heinz Schütte: Vậy đó chính là đề tài của cuộc đời ông. Những năm 1930 đến 1954: đấu tranh cho độc lập; từ 1954: đấu tranh cho dân chủ.

Nguyễn Hữu Đang: Chính xác là vậy! Hai giai đoạn, hai thời kỳ – chính xác. Để đấu tranh cho tự do, tôi đã bị chính quyền Pháp giam giữ hai lần trước Cách mạng tháng Tám. Và trong chặng thứ hai, tôi đã một lần bị bắt bởi chính quyền Việt Nam, một chính quyền xã hội chủ nghĩa.

Heinz Schütte: Khi nào và tại sao có sự cắt đứt giữa ông và Trường Chinh?

Nguyễn Hữu Đang: Sau vụ đàn áp dẹp bỏ báo Nhân văn. Lập trường của tôi là ngoan cố, tức là không khuất phục kỷ luật của Đảng, điều đó hàm chứa một thái độ đối lập chính trị, thậm chí ly khai.

Heinz Schütte: Ông đã hợp tác với Hoàng Minh Chính ngay từ những năm 50? Ý tưởng của hai ông rất gần nhau.

Nguyễn Hữu Đang Tôi không bao giờ hợp tác với Hoàng Minh Chính, ngay cả trong những cuộc hội thảo hay trong việc tổ chức thanh niên hay trong việc xuất bản sách báo – tôi không bao giờ hợp tác với Hoàng Minh Chính, nhưng tôi là bạn của ông ấy từ năm 1939 trong phong trào xoá mù chữ. Chính trong phong trào ấy tôi đã quen ông ta, nhưng không có sự hợp tác chặt chẽ. Nhưng đó là một người bạn lâu năm…

Heinz Schütte: Ông đã tham dự Hội nghị Văn hoá Việt Bắc năm 1948?

Nguyễn Hữu Đang: Phải, tôi có mặt ở đó.

Heinz Schütte: Đã có sự bất hoà giữa ông và Tổng Bí thư Trường Chinh kể từ lúc ấy vì những luận thuyết của ông ta?

Nguyễn Hữu Đang: Có sự bất đồng giữa ông ấy và tôi, nhưng vì những lý do khác, thí dụ về việc phân công công tác cách mạng mà ông ấy quyết định cho tôi là không công chính; tôi đã chịu những hậu quả bất lợi từ việc ấy. Tôi chịu quá nhiều sự thay đổi không hợp lý. Sau này ông ấy đã thừa nhận sai lầm. Chính từ lúc ấy tôi rời bỏ địa hạt chính trị thuần tuý để hiến mình cho – đúng ra là trở về – các hoạt động văn hoá. Cuối cùng tôi đã đề nghị được nhận chức tổng thanh tra bình dân học vụ, lãnh trách nhiệm chi huy cuộc đấu tranh xoá mù chữ.

Heinz Schütte: Có phải những luận thuyết về văn hoá của Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1941 là nền tảng của bản báo cáo của Trường Chinh năm 1948?

Nguyễn Hữu Đang: Trường Chinh đúng là người cách tân thực sự nền văn hoá Marxiste ở VN. Vào năm 1943 ông ấy đã biên soạn tài liệu mang tên “Đề cương văn hoá”. Ông quyết định đưa tôi trở lại chuyên môn cũ của tôi là trong lĩnh vực văn hoá và trao trách nhiệm cho tôi hoạt động trong giới văn nghệ sĩ trí thức để lập ra Hội Văn hoá Cứu quốc, hội này tồn tại đến tận năm 1948. Thực sự là tôi đã tổ chức Hội nghị Văn hoá Toàn quốc lần thứ nhất vào năm 1946 ở Hà Nội. Cái mà người ta gọi là Hội nghị Văn hoá 1948 chỉ là biện pháp tạm thời trong tình huống khó khăn của cuộc kháng chiến toàn quốc. Trong hội nghị này, Trường Chinh đã đọc một bài vốn chưa thể trình bày tại Hội nghị thực sự toàn quốc lần thứ nhất tổ chức năm 1946. Thực tế các thành viên Hội nghị 1948 hầu hết là đảng viên ở miền Bắc và họ chỉ thảo luận những vấn đề ít quan trọng.

Heinz Schütte: Những luận thuyết “Chủ nghĩa Marx và văn hoá” (1948) nói về cái gì, ông không hoàn toàn tán đồng nó?

Nguyễn Hữu Đang: Trong bài nói ấy (“Chủ nghĩa Marx và những vấn đề văn hoá Việt Nam”), Trường Chinh đã quá nhấn mạnh vai trò của tư tưởng Marx-Lenin làm hại đến những vốn liếng văn hoá có từ nhiề thế kỷ. Tôi buộc phải đề xuất một sửa đổi: Bỏ đi những đoạn khẳng định một cách quá lạc quan những thành quả tương lai của con đường phát triển ấy. Sau này trong tập san của Đảng, Trường Chinh đã phê phán thái độ của tôi, ông coi là thiếu niềm tin chính thống.

Heinz Schütte: Ông cũng đã làm việc với Nguyễn Đình Thi?

Nguyễn Hữu Đang: Nguyễn Đình Thi chỉ hợp tác với tôi trong bước đầu của Hội Văn hoá Cứu quốc. Chúng tôi là hai tác giả của bản Tuyên ngôn của Hội[1] được xuất bản thành sách vào tháng 8 năm 1945 sau ngày chính phủ lâm thời trở về Hà Nội. Bản tuyên ngôn này được gợi hứng từ các ý tưởng của Mao Trạch Đông trong những bài nói chuyện ở Diên An. Đề cương Văn hoá của Đảng Cộng sản lấy lại những ý tưởng này làm nền tảng lý thuyết.

Heinz Schütte: Tôi có thể đề nghị ông nói về cuộc sống hàng ngày trong nhà tù?

Nguyễn Hữu Đang: Người ta thường hỏi tôi bí quyết nào đã giúp tôi sống một cách trọn vẹn cuộc đời mình trong nhà tù. Tôi khoẻ mạnh, tôi lạc quan, tôi tiếp tục biện luận về triết học, chính trị, v.v… nghĩa là tôi giữ một cuộc sống bình thường trong nhà tù một cách thoải mái. Tôi không biết đến phiền não, mệt mỏi, buồn đau, ân hận, thù hằn, không, không, không hề. Tôi sống một cách bình thường như ở nhà mình, cùng với những người tù khác.

Heinz Schütte: Với sách báo?

Nguyễn Hữu Đang: Không! Không! Đó là nhà tù khắc nghiệt nhất của Việt Nam.

Heinz Schütte: Ở đây, ở Hà Nội ư?

Nguyễn Hữu Đang: Không, ở Hà Giang, cách biên giới Trung Hoa 20 km, trên đỉnh núi cao 1000m – người ta mặc áo bông quanh năm, nhiệt độ trung bình xuống đến 10, đến 5 độ, ban đêm là 0 độ. Thế đó, nhà tù khắc nghiệt nhất.

Heinz Schütte: Vậy là không có sách…

Nguyễn Hữu Đang: Chẳng có gì hết! Không có chế độ cho tù chính trị, không, chúng tôi bị giam giữ như những tên tội phạm hình sự… Chính sự dửng dưng đã triệt tiêu mọi tác hại của nhà tù, mọi khổ não của nhà tù. Nhà tù, tôi không biết; sự đàn áp, tôi không biết. Sống và chết ở đây, với tôi cũng như nhau.

Heinz Schütte: Theo Schopenhauer (1819) thì thế giới là ý chí và biểu tượng (tưởng tượng) (Die Welt als Wille und Vorstellung)

Nguyễn Hữu Đang: Chính xác! Với tôi, trong tù, với tư tưởng của tôi, mọi hình thái sống, mọi cấp độ của văn minh trong mỗi sự sống, thật đa dạng – có hàng ngàn cách sống. Nhưng mọi cách sống đều giống nhau về bản chất. Tôi sống ở nhà mình, tôi sống với tư cách ông thứ trưởng, với tư cách nhà xuất bản, với tư cách nhà giàu, nhà nghèo – mọi hình thái sống. Với tôi chân lý ở trong Đạo học chứ không ở trong chủ nghĩa Marx.

Ngay khi chúng tôi đến nhà tù, người ta đã tuyên bố: Các anh phải nhớ rằng một khi vào đây là các anh sẽ không có ngày trở lại, các anh sẽ ở đây cho đến lúc chết. Người ta đã tuyên bố thế – tổng giám thị nhà tù tuyên bố chính thức, công khai trước tất cả các tù nhân chính trị. Đã vào đây là không có ngày trở lại, không bao giờ ra khỏi nơi này. Cho dù án của anh là 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm – các anh cũng sẽ ở đây đến lúc chết. Vì sao? Vì các anh, lũ phản động, phản bội tổ quốc, phản bội cách mạng – các anh đáng chết. Vì lòng khoan dung, độ lượng, nhân đạo, mà chính phủ để cho các anh được sống, nhưng trả tự do cho các anh – không bao giờ! Trả tự do cho các anh là trả tự do cho hùm beo – các anh sẽ ở đây cho đến chết.

Heinz Schütte: Đó là diễn từ của Tố Hữu…

Nguyễn Hữu Đang: Án bao nhiêu năm chẳng quan trọng, chẳng đáng kể. Không một mối liên hệ với bên ngoài, không thư từ, không thăm nom, không tiền hay quà hay lương thực gửi tới – không, anh không nhận được chút gì của bạn bè hay gia đình. Anh không có quyền nhận thăm nom, không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chỉ sống chuyên giữa các anh với nhau, những người tù, những tù nhân chính trị. Thế giới của anh, nhân loại đối với anh là 200 người tù – không có những người đồng tổ quốc, đồng công dân; với anh, không có gì hết, chỉ có 200 người đồng ngục cùng một số phận… Tôi biết và được thông tin rõ về thái độ cuồng tín, cực kỳ chuyên chế, tàn bạo, bất nhân của Tố Hữu. Ông ta có mối đại thù với nhóm Nhân văn – Giai phẩm. Chính Nhân văn – Giai phẩm đối với Tố Hữu là một kẻ thù không đội trời chung, nói như một thành ngữ Việt Nam… Tố Hữu và những người nhân văn và các giai phẩm không thể đội trời chung – là kẻ thù của nhau… Tố Hữu và Trường Chinh đầy thù hận.

Heinz Schütte: Vì sao?

Nguyễn Hữu Đang: Vì họ đã bị phong trào ấy phê phán. Phong trào ấy phê phán một thực trạng, nhưng thực trạng này được đại diện bằng con người Tố Hữu và Trường Chinh – sự độc tài, chuyên chế, sự chật hẹp của đường lối chính trị văn hoá… Tôi không biết người ta có diễn đạt sai bài xã luận mà tôi viết cho tờ báo số 6 không được phát hành hay không. Có thể đó là sự diễn đạt sai, diễn đạt lầm – một sự diễn đạt thổi phồng. Sự thổi phồng, hiểu sai ấy đã quan trọng hoá bài xã luận. Tôi đã nói về hiến pháp Trung Hoa, nó đề cao quyền tự do hội họp, biểu tình – với cả điều kiện mà chính quyền tạo cho người dân các phương tiện để hội họp, để tổ chức biểu tình. Điều đó được viết trong hiến pháp Trung Hoa. Vậy là tôi đã dẫn một đoạn để khẳng định rằng ngay cả trong các nước xã hội chủ nghĩa, các quyền tự do dân chủ có thể được tôn trọng. Thế là người ta vu khống bài xã luận, coi nó là một lời kêu gọi lật đổ, và với sự thổi phồng ấy hay là với một sự diễn dịch vu khống – tôi không biết đó là thiện ý hay ác ý, tôi không biết. Nhưng cuối cùng, chính cái xã luận ấy đã quyết định việc đóng cửa tờ báo và là mấu chốt buộc tội để toan tính một vụ xử án người chỉ huy của một phong trào ly khai. Sau khi tạm giam tôi ở nhà tù Hoả Lò Hà Nội, người ta đã muốn biến phiên toà xử tự do báo chí thành phiên toà xử gián điệp. Người ta đã dự phóng một phiên toà theo hướng ấy, nhưng lúc đó tôi không biết – người ta bảo tôi ăn mặc tử tế, cho tôi một bữa cơm no kềnh để đưa tôi ra trước toà với mấu chốt buộc tội là tội gián điệp. Nhưng tôi không biết có sự can thiệp nào – chờ đợi 7 tiếng, chờ đến 8 giờ, rồi đến 9 giờ, rồi đợi đến 10 giờ – ôi, hoãn rồi, hoãn rồi, về lại xà lim. Vậy là người ta thay đổi tội trạng – không có chuyện gián điệp. Mà chỉ đơn giản là một vụ phá hoại bằng những xuất bản phẩm: Trong các xuất bản phẩm, Nguyễn Hữu Đang và vài tên khác đã thực hiện một vụ phá hoại chính trị, theo nội dung bản án. Nhưng tuyên truyền không bỏ lỡ dịp nói về vụ gián điệp – người ta nói về nó, nhưng không truy cứu nó trước toà. Không có cáo trạng, không xét xử, người ta tiếp tục tuyên truyền cho mọi người tin rằng có một vụ, có những hoạt động gián điệp trong vụ án này. Đó là phương pháp cốt yếu của cộng sản. Nghĩa là người ta đưa ra những thông tin lập lờ – để anh tự do hiểu cách này hay cách khác.

Heinz Schütte: Ông đã tìm cách chạy vào Nam?

Nguyễn Hữu Đang: Chạy ra nước ngoài, không phải vào Nam, nhưng tôi đã đặt điều kiện: Nếu các anh giúp tôi đi ra một nước khác, tôi chấp nhận, nhưng vào Nam thì tôi từ chối, vì như thế hàm chứa cái ý phản bội, chạy sang phe địch, phe thù – tôi từ chối. Đó là một sự nhục nhã. Vào Nam? – Để làm gì chứ? Vào Nam làm gì với Ngô Đình Diệm? Nhưng tôi thực sự muốn ra nước ngoài – tôi đã nói thẳng với Trường Chinh trong một cuộc gặp giữa ông ấy và tôi. Câu hỏi thứ nhất mà Trường Chinh vừa cười vừa đặt ra cho tôi là: Hả, sao kia, anh đã tuyên bố với các đồng chí rằng anh muốn ra nước ngoài, vì không khí trong nước nghẹt thở quá. Vậy là anh muốn ra nước ngoài, nhưng đến một nước trong phe xã hội chủ nghĩa hay phe đế quốc, anh nói tôi nghe (ông ta cười). Lúc đó tôi vừa cười vừa trả lời: Tôi rất muốn ra nước ngoài, một nước trong phe xã hội chủ nghĩa nếu điều kiện cho phép. Nhưng nếu vì những khó khăn buộc tôi phải đến một nước theo chế độ tư bản, tôi có thể chấp nhận. Bằng chứng là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cư trú ở Pháp, và ông đã giữ được lòng yêu nước và tinh thần cách mạng, và tôi có thể làm như ông ấy. Tôi nghĩ rằng tôi có thể làm như Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc là một nhà cách mạng, tôi cũng là nhà cách mạng. Nguyễn Ái Quốc là một người cộng sản, tôi cũng là cộng sản. Nguyễn Ái Quốc có lòng dũng cảm, tôi cũng có lòng dũng cảm. Tôi không sợ cư trú dài hay ngắn hơn trong một nước tư bản. Thế là người ta đã sửa soạn… Người bạn đã khuyên tôi nên ra nước ngoài đã nhận lời giúp tôi đến được một nước khác, nhưng không phải là vào Nam! Anh ấy đã hứa, nhưng chuyến đi đã không được thực hiện. Vậy là tôi lỡ một dịp đi đến một nước khác – hoặc là phe tư bản, hoặc là phe xã hội chủ nghĩa – nhưng nhất định không phải miền Nam là nơi tôi nhắm! Tôi đã nói, hoặc là vượt qua biên giới Việt Nam – Lào, rồi qua Lào tôi đến Thái Lan, đó là lộ trình mà tôi mơ ước, nhưng không bao giờ tôi đi qua ngả miền Nam, dù chỉ một ngày – không! Nhưng để tô vẽ bản cáo trạng, người ta đã đưa vào câu tôi muốn vào Nam. Khi đó tôi trả lời toà án: Không, tôi không muốn vào Nam; tôi muốn đi ra nước ngoài. Và người ta hỏi tôi: Nhưng ở nước ngoài anh sẽ làm gì? “Đấu tranh cho thống nhất, thống nhất hai miền; ở nước ngoài tôi sẽ tiếp tục đấu tranh thực hiện thống nhất đất nước, thống nhất hai miền Bắc Nam.” Nghe lời tuyên bố ấy, cử toạ… phiên toà bao gồm những người ủng hộ chính phủ, quần chúng của Đảng, đảng viên, những cán bộ của nhiều tổ chức và hoạt động khác nhau – thế là, vì tất cả bọn họ đều phản nhân văn, họ phá lên cười nhạo cái ý định đấu tranh cho thống nhất đất nước của tôi: Nhưng người ta chỉ có thể đấu tranh cho thống nhất đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng – mà anh, anh đi ra nước ngoài và lại hòng đấu tranh cho thống nhất đất nước, thật lố bịch! Người ta phá lên cười – tôi mặc kệ sự mỉa mai của những người ấy. Trong chuyến đi rời đất nước ra nước ngoài, tôi muốn thăm Ấn Độ và Nam Tư của Tito, tôi tin ở Nehru và Tito. Tôi rất muốn gặp họ và xin họ lời khuyên để đấu tranh cho nước Việt Nam bị chia cắt, để Việt Nam được thống nhất và độc lập. Tôi muốn gặp Tito và Nehru…

Phải nói rằng chế độ nhà tù dành cho tù chính trị dưới ách thống trị thực dân nhân đạo hơn chế độ nhà tù cộng sản rất nhiều. Vì sao? Vì chế độ nhà tù thực dân ít nhiều cũng được kiểm soát bởi chính phủ chính quốc Pháp, tức là dưới sự kiểm soát của dư luận, tức là một bộ phận của sự kiểm soát ấy thuộc về công chúng và các tổ chức dân chủ, thí dụ như Liên đoàn Bảo vệ Quyền con người và Quyền công dân, và các tờ báo… Thật phi lý, nhưng là thực tế! Và chế độ tù chính trị trong các nhà tù cộng sản thì khắc nghiệt hơn chế độ dành cho thường phạm. Trong tù tôi đã tuyên bố với những người bên cạnh rằng nếu tôi biết có sự phân biệt ấy, tức là tù thường phạm (những người lầm đường lạc lối trong quần chúng) với tù chính trị (kẻ thù của nhân dân), nếu tôi biết có sự khác biệt ấy, thì tôi đã biến mình thành trộm cắp, lưu manh, sát nhân chứ không phải người cách mạng. Tôi sẽ không tham gia cách mạng mà tham gia các hoạt động của những kẻ phản xã hội kia. Tôi có khá đủ khả năng sống trong các nhà tù (ông cười). Trước hết, nét chủ yếu là thiếu lương thực. Có thể nói rằng trong nhà tù khắc nghiệt nhất, tù chính trị bị kết án phải chịu đói và rét triền miên. Chính cái đói, cái rét và bệnh tật – ba tác nhân làm suy kiệt sức khoẻ của những người tù chính trị. Tức là những người tù chính trị bị kết án phải chết từ từ. Kiệt sức vì đói, rét, bệnh tật, đó là một cái chết chậm – người ta chỉ chờ có cái chết. Theo quan điểm văn hoá tối thiểu trong tương lai hay trong cuộc sống thông thường của mọi người, những người tù chính trị của nhà tù, nhà tù của tôi, không có một tý thông tin nào, dù là qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, dù là qua báo chí, suốt trong 15 năm – không gì hết, không gì hết. Mỗi tuần lễ, toàn bộ thông tin là ông tổng giám thị tổ chức một cuộc họp tất cả tù nhân. Trong cuộc họp ấy tổng giám thị đưa ra những thông tin về cuộc chiến tranh Việt – Mỹ, những thắng lợi giành được đối với các lực lượng quân viễn chinh Mỹ – đó là thông tin duy nhất qua tiếng nói của tổng giám thị. Và tất cả là thế. Gia đình các tù nhân chính trị không biết số phận của con cái, anh em mình. Các thành viên gia đình còn sống hay đã chết – người ta không biết. Khi Hiệp nghị Paris trả lại tự do cho tôi, tôi đã viết thư cho gia đình – người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình để báo tin tôi được trả tự do. Lúc ấy cả gia đình tôi kinh ngạc, cả gia đình tôi hoàn toàn sửng sốt: Ôi, kìa, anh Đang còn sống, thế mà chúng ta cứ tưởng anh đã chết lâu rồi. Không tiếp xúc tí nào với bên ngoài. không tiếp xúc tí nào với gia đình, với bạn bè, với bất kỳ ai… Thế giới đối với chúng tôi là tập họp 200 tù nhân trong một vòng vây bằng tường đá, một bức tường thành bằng đá cao bên trên có dây thép gai – đó là thế giới của chúng tôi; không có thế giới nào khác.

Heinz Schütte: Trong làng ông, từ năm 1970, ông có liên lạc với “thế giới”?

Nguyễn Hữu Đang: Có, một chút thôi, một chút liên lạc – không cả sách báo, không có những cuộc họp mặt, chuyện trò, tiếp xúc… một chút liên lạc với thế giới, không nhiều và không đáng kể gì.

Heinz Schütte: Khi ra tù ông có tìm lại được gia đình?

Nguyễn Hữu Đang: Trước khi ra tù người ta cho phép tôi viết thư cho gia đình. Trước khi rời nhà tù, người ta cho phép hai người em của tôi lên thăm, mang cho tôi bánh trái, thịt, lương thực.

(Ngày 13 tháng 6 năm 1999, chúng tôi – Nguyễn Hữu Đang, vợ tôi và tôi – nói về Nhân văn – Giai phẩm; ông đề nghị tôi gọi điện thoại cho Lê Đạt để cho tôi có thể gặp ông ấy…)

Nguyễn Hữu Đang: Đó là một nhà thơ thông minh, có học thức và năng động. Tôi tin rằng ông ấy có thể có ích cho ông. Trong khi về phần tôi, từ mấy hôm trước tôi đã có ý định viết cho ông để trước tiên là xin lỗi về việc không trả lời bản câu hỏi của ông; thứ đến là để trình bày với ông hoàn cảnh của tôi không thuận lợi để viết ra những câu trả lời đòi hỏi mất hàng trăm trang giấy nếu viết cho đàng hoàng…

(Thay vì thế, tôi đọc vài câu) trong các câu hỏi của ông và trả lời ngay lập tức.

Heinz Schütte: Triết gia Trần Đức Thảo đóng vai trò gì trong Trăm hoa Đua nở, tức là trong phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm?

Nguyễn Hữu Đang: Vai trò của ông ấy không quan trọng. Ông ấy chỉ viết có một bài trong Giai phẩm nhấn mạnh sự cần thiết phát triển chủ nghĩa cá nhân. Thế là chống lại những công thức cộng sản-stalin muốn chủ nghĩa cá nhân bị gạt bỏ một cách triệt để. Trái lại, Trần Đức Thảo khẳng định phải phát triển chủ nghĩa cá nhân đến hết giới hạn bởi vì mọi sáng tạo văn hoá đều mang tính cá nhân. Không phải qua tập thể mà người ta có thể cung cấp những sáng tạo trong văn học, nghệ thuật, ngay cả trong khoa học. Khoa học, trong các khám phá khoa học, có sự đóng góp của tập thể, nhưng để đạt kết quả tích cực, cụ thể – thì bao giờ cũng là lao động cá nhân của một nhà bác học. Thời ấy Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản chống lại các quan điểm của Trần Đức Thảo. Nhưng ông chỉ viết có một bài báo, và trong bộ phận lãnh đạo phong trào Nhân văn – Giai phẩm, Trần Đức Thảo gần như đứng tách ra. Ông để cho chúng tôi toàn quyền đặt để.

Heinz Schütte: Ông có được mời dự lớp học tập chính trị của các nhà văn (trong 18 ngày) vào tháng 8 năm 1956?

Nguyễn Hữu Đang: Có. Không chỉ được mời, mà tôi có quyền tham dự. Trước khi có phong trào Nhân văn – Giai phẩm, tôi là một thành viên rất được tin tưởng của Đảng trong địa hạt văn nghệ. Người ta đã đề nghị tôi làm việc trong lớp học này, người ta đã đề nghị tôi tham gia tổ Văn 2 gồm các trí thức và nhà văn của Hà Nội cũ. Họ có học thức hơn các văn nghệ sĩ từ kháng chiến về. Vì có học thức, họ đặt ra những câu hỏi khó cho việc giảng bài, cho việc huấn luyện lý thuyết chính trị cho văn nghệ sĩ trong 18 ngày học ấy. Vì thế ban lãnh đạo cho rằng tôi phải tham gia cái tổ ấy để hướng dẫn việc nghiên cứu lý thuyết những tài liệu mấu chốt và bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. TNĐCS là một tài liệu tóm tắt toàn bộ học thuyết cộng sản một cách cô đọng. Cho nên phải có một thành viên ít nhiều có năng lực về vấn đề ấy để giải thích cho các trí thức cũ của thủ đô, những người đã từng đọc André Gide, Kravchenko v.v… Boudarel đã kể rất đúng những hoạt động của tôi trong lớp học 18 ngày ấy, Boudarel đã phản ánh đúng diễn biến của những cuộc tranh luận ấy.

Heinz Schütte: Ông có nghĩ rằng chế độ đã coi ông như thủ lĩnh chính trị của nhóm ly khai?

Nguyễn Hữu Đang: Tôi không bao giờ chối bỏ hay giấu giếm trách nhiệm ấy.

Heinz Schütte: Vì sao nữ tiểu thuyết gia Thụy An (tên thật Lưu Thị Yên) và chủ xuất bản Minh Đức lại bị đưa ra toà cùng lúc với ông?

Nguyễn Hữu Đang: Phiên toà tổ chức để kết tội tôi, Thụy An và chủ xuất bản Minh Đức có mục tiêu là bày ra trước công chúng một phiên toà xử những kẻ được coi như phá hoại chế độ cách mạng. Nguyễn Hữu Đang, kẻ tổ chức và lãnh đạo phong trào, Minh Đức, chủ xuất bản đáp ứng cho phong trào và Thụy An được coi là kẻ tranh cãi cuồng tín – ba tên phá hoại ấy phải được xét xử trong cùng một phiên. Đó là phiên toà xử vụ phá hoại chính trị. Thoạt tiên người ta định kết án tôi vì tội vi phạm luật xuất bản báo chí, nhưng sau đó người ta đã thay đổi mấu chốt buộc tội để trình bày tôi như một trong những tên đầu sỏ phá hoại chế độ về chính trị. Hơn nữa người ta đã coi Thụy An, với những quan hệ của bà với người Pháp trong thời chiếm đóng, đặc biệt với ông Maurice Durand, giám đốc Trường Viễn đông Bác cổ ở Hà Nội. Thế là người ta muốn trình bày ông Durand như một điệp viên được nhà cầm quyền Pháp để lại trước khi rút đi… Vậy là vì Thụy An có nhiều quan hệ với ông Durand và vì ông này bị nghi là gián điệp, nên người ta cũng nghi Thụy An. Và vì Thụy An bị coi như điệp viên, Nguyễn Hữu Đang có vài quan hệ với nữ tiểu thuyết gia và nhà báo Thụy An trong phong trào Nhân văn – Giai phẩm… Trước cách mạng, bà Thụy An đã xuất bản bào Đàn bà, bà là giám đốc, chủ nhiệm và chủ bút. Thế là người ta đã ghép các hoạt động của Nguyễn Hữu Đang với các hoạt động của bà Thụy An để trình bày Nguyễn Hữu Đang như một nhà văn và nhà báo có quan hệ mật thiết với gián điệp. Ngày xử án, báo Hà Nội mới chạy hàng tít lớn ngay trang đầu: Bọn gián điệp Nguyễn Hữu Đang và Thụy An đã bị toà án nhân dân xét xử và kết án 15 năm tù. Đó là một vụ án gián điệp. Troing khi xét xử tôi, người ta đã âm mưu kết án tôi như một điệp viên cùng với Thụy An, nhưng rồi họ đã thay đổi cáo trạng. Hôm đầu tiên, thoạt đầu họ tập trung buộc tội tôi như một điệp viên cùng với Thụy An, nhưng họ đã thay đổi cáo trạng để trình bày tôi như một trong những tên đầu sỏ phá hoại chế độ về chính trị. Và do đó tôi phải lãnh án 15 năm tù – không phải vì tội gián điệp mà vì tội phá hoại.

Heinz Schütte: Những văn nghệ sĩ gây tranh cãi năm 1956 đã được phục hồi vào năm 1986/1987… Ông có ở trong số được phục hồi?

Nguyễn Hữu Đang: Việc phục hồi được tuyên tại Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng sản lần VI với Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Nhưng trong quyết định ấy của Đại hội VI, một điều khoản phụ đã nói riêng rằng việc phục hồi chỉ một phần và không được công khai… mọi người đã bị kết án sai hay quá đáng phải được phục hồi nhưng chỉ một phần và không công khai… mọi người chỉ được hưởng sự phục hồi một phần. Và mọi người phải được phục hồi một cách kín đáo…

Heinz Schütte: Mà không thừa nhận sai lầm… “Một cách kín đáo” nghĩa là thế nào?

Nguyễn Hữu Đang: Không công bố – người ta không bao giờ công bố những người này hay những người khác được phục hồi – không, người ta không bao giờ nói. Ngay cả bây giờ. Nếu có ai hỏi: Đang có được phục hồi hay là không? Nhưng ông ấy chưa bao giờ được phục hồi, chẳng ai phục hồi cho ông ấy! Vì điều ấy không được công bố. Chỉ một cách kín đáo, nội bộ…

Heinz Schütte: … để không thừa nhận sai lầm?

Nguyễn Hữu Đang: Đảng Cộng sản Việt Nam không bao giờ chấp nhận một sai lầm nào dù nhỏ, không bao giờ sai lầm, bao giờ cũng đúng đắn, bao giờ cũng sáng suốt… Chỉ có một sai lầm – Cải cách Ruộng đất. Người ta đã tuyên bố rằng phong trào Nhân văn, Nhân văn – Giai phẩm, đã muốn nhân lên sai lầm Cải cách Ruộng đất – chỉ có một sai lầm, nhưng những người tranh cãi muốn làm cho công chúng hiểu rằng có rất nhiều sai lầm – không, chỉ có một sai lầm, chỉ một mà thôi. Tóm lại, tôi nhắc lại, không có sự phục hồi. Không có ai được phục hồi chính thức.

Heinz Schütte: Tôi có thể công bố một bài viết về những cuộc gặp gỡ của chúng ta không? Điều gì không thể được công bố?

Nguyễn Hữu Đang: Không, ông không được công bố ngay cả một bài viết rất ngắn, về nguyên tắc, một sự cộng tác ngay cả chẳng có gì lập lờ với một người nước ngoài, về nguyên tắc nó phải được thông qua trung gian của các cơ quan an ninh, công an chính trị. Vì cuộc gặp của chúng ta không thông qua các cơ quan an ninh, nên một bài viết công bố ra có thể đặt thành những câu hỏi, những sự nghi ngờ: Nhưng ông đã làm gì với cái tay người nước ngoài ấy? Chúng tôi không kiểm soát các hoạt động của ông, và chúng tôi không biết quan điểm của tay ấy. Vì thế chúng tôi đặt ra những câu hỏi về chuyện ấy. Vậy thì – đừng nói gì hết. Đừng nói gì hết!… Tôi kể một thí dụ. Bà Thụy Khuê – ông biết bà Thụy Khuê chứ? Bà phóng viên đài phát thanh RFI (Radio France Internationale) đã đề nghị tôi một cuộc phỏng vấn về phong trào xoá mù chữ. Người ta cho phép tôi nói qua điện thoại giữa Pháp với Việt Nam; cuộc trò chuyện bị cắt quãng hai lần. Thế là cuộc phỏng vấn phải dừng lại. Vì cuộc phỏng vấn không được tổ chức thông qua các cơ quan an ninh, người ta đã cắt đứt cuộc trò chuyện của chúng tôi, người ta đã hai lần phá bài phỏng vấn. Qua điện thoại bà Thụy Khuê từ Pháp yêu cầu tôi trả lời phỏng vấn, nhưng người ta cắt…

*

Ông NHĐ mất ngày 8 tháng 2 năm 2007. Tôi tự thấy mình từ nay không còn bị ràng buộc bởi lời hứa không công bố gì hết về những cuộc gặp gỡ của chúng tôi.

Heinz Schütte

Phụ lục:

NGÀY 19-1-1960, TÒA ÁN NHÂN DÂN HÀ NỘI ĐÃ XỬ VỤ GIÁN ĐIỆP NGUYỄN HỮU ĐANG VÀ THỤY AN

Ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân dân Hà Nội đã xử vụ gián điệp có tổ chức do bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An cầm đầu. Nhiều đại biểu các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã tới dự phiên tòa này.

Bọn gián điệp bị đưa ra xét xử gồm năm tên: Nguyễn Hữu Đang, Lưu Thị Yến tức Thụy An, Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.

Ông chánh án Nguyễn Xuân Dương, hai ông hội thẩm Nguyễn Tử Các và Phùng Bảo Thạch đã lần lượt hỏi các tội phạm, và bọn chúng đã được tự do trình bày hết tư tưởng và hành động của chúng trong thời gian phạm pháp.

Thụy An là một tên gián điệp lợi hại của bọn đế quốc. Khi hòa bình được lập lại, y đã nhiều lần xuống Hải Phòng bàn định kế hoạch hoạt động gián điệp phá hoại với bọn tay sai của Mỹ – Diệm. Sau khi Chính phủ ta tiếp quản Hải Phòng, y trở về Hà Nội, chịu mệnh lệnh của một số phần tử người nước ngoài trong đó có tên là Đuya-răng, thi hành những âm mưu và hoạt động phá hoại miền Bắc nước ta. Âm mưu của chúng nhằm xuyên tạc sự thật, khích động lòng người, gây nghi ngờ, hoang mang chống đối với chế độ dân chủ nhân dân. Chúng gọi thủ đoạn này là thủ đoạn “phá hoại tư tưởng, phá hoại nền tảng chính trị”. Đó chính là một thủ đoạn gián điệp rất quỷ quyệt của Mỹ, tinh vi và độc ác hơn phá hoại bằng vũ khí, – lối gián điệp “tác động tinh thần”, “chiến tranh tâm lý”. Đối với nhiệm vụ gián điệp mà Đuya-răng đã giao cho, Thụy An thú nhận: “Tôi đã làm việc đó một cách thích thú, và nó phù hợp với tư tưởng phản động của tôi”.

Năm 1956, Thụy An, Nguyễn Hữu Đang, Phan Khôi nhập thành một nhóm. Tháng 9-1956, dựa vào tiền bạc của những phần tử tư sản phản động, bọn chúng xuất bản tờ báo Nhân văn. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Thực chất tư tưởng của tôi và những người theo tôi là phản động, cho nên lúc đó chúng tôi bàn ra một tờ báo để làm lợi khí chống đối. Tờ báo Nhân văn do chính tôi giữ một vai trò chủ chốt”.

Báo Nhân văn là một tờ báo chính trị phản động. Mục đích của tờ báo này là nhằm khích động quần chúng chống lại chế độ dân chủ nhân dân. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Để đạt mục đích ấy, chúng tôi đã dùng lối bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, các bài báo của chúng tôi không đúng sự thật, cứ viết bừa, nói bừa, chuyện không nói có và nói toàn những vấn đề quan trọng để gây những tác hại lớn”.

Trong khi Nguyễn Hữu Đang và Phan Khôi phản tuyên truyền và phá hoại bằng báo Nhân văn thì đồng bọn đã ráo riết hoạt động để phối hợp.

Thụy An thường xuyên gặp Đuya-răng báo cáo tình hình. Thụy An thú nhận: “Đuya-răng bảo tôi: giờ bà hãy đứng ngoài, nhưng phải để mắt trông nom mọi việc”. Do đó Thụy An không có tên trong tòa soạn báo Nhân văn nhưng y đã tích cực cổ động cho báo Nhân văn…, cho một tay chân của Phan Tại đến giúp việc Nguyễn Hữu Đang. Phan Tại đã đã vận động người giúp tiền cho Nhân văn, lợi dụng sân khấu, điện ảnh để tiến hành phản tuyên truyền; Minh Đức đã câu kết với một số phần tử xấu như nhóm Trương Tửu xuất bản một số sách nội dung giống như Nhân văn, mục đích đều là chống lại chế độ dân chủ nhân dân.

Trong những hoạt động phá hoại của bọn Phan Tại, Minh Đức đều có bàn tay chỉ huy của Nguyễn Hữu Đang và Thụy An. Thụy An thú nhận “là cố vấn của Phan Tại”, còn Nguyễn Hữu Đang “là linh hồn của nhà xuất bản Minh Đức” (lời khai của Minh Đức). Hơn thế nữa, Nguyễn Hữu Đang còn mưu đồ thành lập một đảng chính trị phản cách mạng.

Tháng 12-1956, khi bọn Nguyễn Hữu Đang tụ tập được một số người, chúng hoạt động liều lĩnh hơn. Sau khi đã trực tiếp viết luôn mấy bài xã luận chuẩn bị trước cho tư tưởng chống lại chế độ, trong số 6 báo Nhân văn (không ra được), Đang viết một bài có tính chất kêu gọi biểu tình, nhằm gây ra phiến loạn. Trần Duy khai: “Chúng tôi tưởng rằng số 6 Nhân văn ra được thì bọn gián điệp sẽ ngóc đầu dậy, bọn chiến tranh tâm lý sẽ có đất hoạt động… sẽ có biểu tình, súng nổ…, tiếp theo đó là những mưu đồ lật đổ”. (Bọn gián điệp Trần Minh Châu, Nguyễn Quang Hải – bị xử án trước đây – v.v… đã có điều kiện hoạt động ráo riết nhất trong thời gian này).

Sau khi báo Nhân văn bị đóng cửa, bọn Nguyễn Hữu Đang và Thụy An vẫn câu kết chặt chẽ với nhau và tiếp tục hoạt động gián điệp phá hoại. Thụy An thú nhận: “Sau khi báo Nhân văn bị đình bản tôi vội đến báo cáo tình hình với Đuya-răng và xin chủ trương. Đuya-răng bảo tôi: Lúc này là lúc bà phải đi sát với họ”. Nguyễn Hữu Đang và Thụy An lấy nhà Phan Tại làm một “câu lạc bộ” bí mật, tụ tập một số phần tử phản cách mạng chuyên đem những luận điệu phản tuyên truyền của bọn Mỹ – Diệm và những sách báo phản động của bọn đế quốc ra bàn và thảo luận những âm mưu phá hoại mới. Nguyễn Hữu Đang thú nhận: “Trong thời gian đi lại với Thụy An, những câu nói phản tuyên truyền của chúng tôi rất nhiều, và tôi nhận rằng tôi đã bịa đặt ra những việc không đúng sự thật và đã gây tai hại là gieo rắc hoang mang và hoài nghi…”

Trong khi Nguyễn Hữu Đang và Thụy An ra sức “tác động tinh thần” như vậy, thì Minh Đức được Đang giới thiệu với những phần tử tư sản phản động cung cấp cho hàng triệu đồng (tiền cũ), cho in lại hàng loạt sách của thời thuộc Pháp để tiếp tục đầu độc các tầng lớp thanh niên, còn Phan Tại thì lợi dụng việc tập kịch, ca hát để phục hồi nếp sống trụy lạc, đồi bại của thời tạm bị chiếm. Đến khi chúng thấy âm mưu và hoạt động của chúng bị bại lộ, chúng định trốn vào Nam để tiếp tục làm tay sai cho Mỹ – Diệm. Lê Nguyên Chí thú nhận: “Đang nói với tôi, Đang vào theo Mỹ – Diệm sẽ được chúng tin dùng và sẽ làm được những việc lớn”. Đang cùng Lê Nguyên Chí chuẩn bị trốn đi Nam.

Trước tòa án, với những bằng chứng đầy đủ, bọn gián điệp nói trên đã nhận hết tội lỗi của chúng.

Sau khi luật sư Đỗ Xuân Sảng bào chữa cho các tội phạm, căn cứ vào chính sách xét xử và trừng trị của Tòa án nhân dân là nghiêm trị bọn chủ mưu và bọn ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường, bị lừa gạt đã biết hối cải, Tòa án đã tuyên án:

Nguyễn Hữu Đang, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Lưu Thị Yến tức Thụy An, 15 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Trần Thiếu Bảo tức Minh Đức, 10 năm phạt giam, 5 năm mất quyền công dân; Phan Tại, 6 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân; Lê Nguyên Chí, 5 năm phạt giam, 3 năm mất quyền công dân.

P.V.