Góc nhìn: Khu đất 112 NTMK trường Lê Quý Đôn – Khó hiểu từ một quyết định?

On the net

Thay vì điều chỉnh lại quyết định chưa đúng của Sở Xây dựng, tiếc thay, UBND lại đi ngược lại với định hướng của chính mình suốt gần chục năm qua.

Giữ giá 10 năm bỏ… một ngày!

TPHCM tuần qua không chỉ “nóng” hơn Hà Nội về thời tiết, mà còn nóng hơn vì đề xuất xe biển chẵn biển lẻ và “cuộc chiến” giữa trường học với cao ốc. Theo thông tin trên báo Sài Gòn tiếp thị, Sở Xây dựng đã cấp phép cho chi nhánh Ngân hàng Công thương tại TPHCM xây cao ốc 6 tầng tại khu đất vàng 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TPHCM) trước đó đã được UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan chức năng lên phương án di dời tổng thể (cả các hộ dân và ngân hàng) để mở rộng trường Lê Quý Đôn. Giấy phép tưởng vô lý của Sở Xây dựng sau đó đã được chính UBND thành phố đồng ý, tuy có “hạ độ cao” thành 4 tầng và kèm thêm yêu cầu rất “lý thuyết” là “không được phá vỡ cảnh quan đô thị”.

Câu hỏi đầu tiên phải đặt ra là, vì sao UBND TPHCM lại “tiền hậu bất nhất”, thay đổi chính quyết định rất đúng đắn của mình trước đó? Trong suốt những năm 2003, 2005, 2007, UBND và HĐND thành phố đã luân phiên có những chỉ đạo kiên quyết thu hồi các diện tích đất thuộc khuôn viên các trường học bị chiếm dụng vào các mục đích ngoài giáo dục. Cuối năm 2010, UBND thành phố còn xếp trường Lê Quý Đôn trong danh sách 168 công trình, địa điểm đủ tiêu chuẩn xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa. Kiên cường trong cả một thập kỷ, vì lý do gì mà sang năm 2011, TPHCM lại thay đổi quan niệm?

Lý do được UBND thành phố đưa ra là “Nguyên nhân một phần là do hiện nay TP.HCM không còn vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng trường tại khu đất trên. Khi nào TP.HCM có đủ nguồn kinh phí sẽ thu hồi và tiến hành mở rộng trường Lê Quý Đôn”.

Khu đất vàng 112 Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 3, TPHCM). Ảnh: Lê Quang Nhật – SGTT

Không thể không băn khoăn về nguyên nhân rất kỳ lạ này. Nếu TPHCM thật sự không còn đủ ngân sách để giải phóng mặt bằng cũng như xây dựng trường tại khu đất trên, vì sao lại cho ngân hàng được quyền phá đi xây cao ốc? Chưa có ngân sách để di dời, thì ngân hàng cứ tiếp tục làm việc trong tòa nhà cũ, chờ đến khi thành phố có tiền thì di dời, chứ giờ cho họ phá đi xây cao ốc, sau này TPHCM có tiền để thu hồi lại phải trả thêm tiền xây cao ốc thì sao?

TPHCM cho ngân hàng công thương xây trụ sở mới trên mảnh đất lẽ ra phải di dời để trả lại cho trường học, vậy còn 4 hộ dân đang ở tại tòa biệt thự hai tầng cũng thuộc khu đất 112 Nguyễn Thị Minh Khai thì sao? Thành phố có tiền để di dời họ chưa, hay cũng vì chưa có tiền nên họ vẫn tiếp tục ở, và tới đây họ cũng lại “theo gương” ngân hàng công thương để sửa sang lại nhà ở của mình, chờ khi nào thành phố có tiền sẽ thu hồi sau?

UBND bảo khi nào có đủ nguồn kinh phí sẽ thu hồi, xin hãy nói rõ hơn là khi nào? và kinh phí là bao nhiêu? để xem người dân thành phố sẽ “hiến kế” gì cho thành phố có thể thu hồi sớm hơn, trả lại đất cho ngôi trường đã là một trong những điểm nhấn đẹp của thành phố.

Chưa kể, theo ý kiến của KTS Nguyễn Trường Lưu trên Sài Gòn tiếp thị, mảnh đất này thuộc đất của thành phố, nên việc giải tỏa đền bù sẽ không mấy khó khăn. KTS Nguyễn Trường Lưu cũng đưa ra một đề xuất rất cụ thể, hãy để chính trường Lê Quý Đôn thuê khu đất trên, thay vì cho Ngân hàng công thương thuê.

Thay vì điều chỉnh lại quyết định chưa đúng của Sở Xây dựng, tiếc thay, UBND lại đi ngược lại với định hướng của chính mình suốt gần chục năm qua.

Về phía Ngân hàng công thương, dù tòa nhà ngân hàng đang sử dụng không phải là nhà biệt thự cần bảo tồn, nhưng ngân hàng không thể không biết khu đất mà mình đang tọa lạc thuộc khuôn viên trường Lê Quý Đôn, trước sau gì cũng phải trả lại, sao còn “cố đấm ăn xôi” để xây cao ốc trên đó? Vẫn biết với ngân hàng, lợi ích kinh tế là quan trọng nhất, nhưng xin đừng vì lợi ích trước mắt mà làm xấu hình ảnh lâu dài khi bị “gắn mác” không coi trọng chủ trương của thành phố, không coi trọng giáo dục, trong mắt người dân.

Rộng hơn, câu chuyện cụ thể của sự tranh chấp giữa một ngôi trường và một cao ốc dành cho ngân hàng, nếu thành phố vẫn giữ quyết định bênh vực ngân hàng như hiện tại, nghĩa là bênh vực người làm ra nhiều tiền hơn (trước mắt), sẽ gián tiếp phát ra thông điệp của một thành phố coi trọng phát triển kinh tế hơn sự đầu tư lâu dài cho giáo dục, và sự bảo tồn một không gian văn hóa – lịch sử có ý nghĩa.

Không thể không liên tưởng đến Hà Nội với kế hoạch di dời các trường đại học ra khỏi nội thành, và nỗi lô âu của nhiều người có tâm, liệu những khu đất vàng ấy sẽ được sử dụng cho mục đích gì?

Khánh Linh

Theo vietnammet

Link: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-04-08-pn-and-hd-giu-gia-muoi-nam-bo-mot-ngay#